| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ: Chăn nuôi an toàn sinh học ngăn ngừa dịch tả heo Châu Phi

Thứ Hai 29/07/2019 , 13:40 (GMT+7)

Chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), áp dụng triệt để các biện pháp ngăn ngừa mầm bệnh lây lan, bảo vệ đàn heo an toàn là một trong những bước chuẩn bị cho tái đàn ở Cần Thơ.

Sau nhiều ngày theo dõi, phát hiện tiêu hủy số heo bị DTHCP, một số kỹ sư chăn nuôi thú y của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ thừa nhận: Qua tiến hành nhiều biện pháp tiêu độc, sát trùng và khuôn viên quanh khu vực chuồng trại các ổ dịch, nhưng DTHCP vẫn còn xảy ra trên đàn heo nuôi nhỏ lẻ. Một số hộ chăn nuôi chưa nhận thức rõ tầm quan trọng việc áp dụng các biện pháp ATSH trong phòng ngừa dịch bệnh. Khi DTHCP xảy ra càng thêm lúng túng, vì dịch bệnh nhanh chóng lây lan, nhất là ở khu vực có nhiều hộ chăn nuôi lân cận, dễ phát tán mầm bệnh.

Nuôi heo nông hộ áp dụng chăn nuôi ATSH. ảnh: BVT

Ông Lê Trung Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ cho rằng: DTHCP không ảnh hưởng đến con người và những động vật khác, nhưng con người và động vật khác có thể đóng vai trò làm “cầu nối” lây truyền virus gây bệnh. Sự lây truyền DTHCP rất phức tạp, gồm nhiều yếu tố. Con người đi lại từ những nơi có mối nguy cơ tiềm tàng gây bệnh hay vận chuyển thực phẩm nhiễm bệnh từ khu vực bị bệnh (với khoảng cách xa) và mang mầm virus lây bệnh đến khu vực khác. Những yếu tố lây bệnh khác còn có thể nhận dạng như những côn trùng hay con vật khác (chuột, ruồi…). Thêm nữa nguồn nước nhiễm bẩn, thực phẩm và xe vận chuyển thức ăn bị nhiễm bẩn, virus bệnh DTHCP từ khu vực chăn nuôi chuồng trại này sang chuồng trại khác.

Trong khi DTHCP hoành hành khắp 13 tỉnh, thành phố vùng  ĐBSCL nhưng đến nay các trại chăn nuôi heo qui mô lớn hợp tác gia công với Công ty CP trên địa bàn TP Cần Thơ và Sóc Trăng khá an toàn. Đó là do các trại chăn nuôi áp dụng nhiều biện pháp ATSH, phòng ngừa nghiêm ngặt gần như tuyệt đối trong việc phân ca làm việc, luân chuyển nhân viên, công nhân lao động hàng tuần túc trực tại các chuồng trại và không cho người lạ bên ngoài ra vào.

Tuy không có điều kiện chuồng trại chăn nuôi theo chuỗi như các trại của CP, nông dân chăn nuôi nhỏ và chưa đủ điều kiện như ông Bảy Hòa ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai (Cần Thơ) nuôi đàn heo thịt hơn 10 con và 2 heo nái tự tìm cách phòng ngừa bằng cách mua lưới dày bao quanh 4 phía chuồng vừa ngăn ngừa chuột bọ, côn trùng vào chuồng, vừa ngăn ngừa người lạ. Thức ăn, nguồn nước được kiểm soát chặt chẽ, không dùng cơm thừa canh cặn nhất là các sản phẩm thức ăn thừa từ thịt heo chợ mua bên ngoài… Đến nay đàn heo của ông Bảy Hòa vẫn trụ được an toàn.

Hiện nay nhiều trại chăn nuôi heo lớn và phần lớn hộ chăn nuôi nhỏ nuôi theo mô hình chuồng trại hở. Sau thời gian xảy ra DTHCP và được tuyên truyền, nhiều hộ nhận thấy áp dụng biện pháp ATSH là ưu tiên hàng đầu. Mặt khác, vừa qua Bộ môn chăn nuôi Thú y – Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Đại học Cần Thơ và Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cần Thơ thử nghiệm mô hình mới. Chăn nuôi theo cách trong “phòng lạnh” có thiết kế vách cao su cách nhiệt, giữ nhiệt 29-300C; đảm bảo ngăn chặn côn trùng, chuột bọ tuyệt đối. Kết quả thử nghiệm bước đầu ghi nhận các nghiệm thức khả quan. Các chỉ số chuyển hóa thức ăn tốt, đặc biệt kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả.        

Song, mô hình chăn nuôi trại lạnh chỉ mới giai đoạn thử nghiệm, chi phí đầu tư chuồng trại thực tế rất cao. Mặt khác, qua kinh nghiệm phòng chống dịch cúm gia cầm, heo tai xanh, gia súc lở mồm long móng… cho thấy vacxin phòng bệnh là đạt hiệu quả cao nhất. Do đó trong thời gian chờ nghiên cứu bào chế vacxin phòng DTHCP thành công, ngăn ngừa dịch bệnh tái phát để bảo vệ đàn heo, việc ứng dụng biện pháp chăn nuôi ATSH là ưu tiên hàng đầu.

Trong điều kiện thực tế hiện nay, ông Hoàng khuyến cáo: Cần ngăn ngừa vật nuôi với mầm bệnh, thực hiện chăn nuôi ATSH như chuồng trại chăn nuôi xây dựng phải có khoảng cách nhất định, nơi xây dựng cách nhà ở, khu dân cư, nơi đi lại của con người, ngăn chặn sự xâm nhập của các loài vật khác; cơ sở chăn nuôi phải có rào cản, cửa đóng mở nhằm tránh người ra vào mang virus truyền bệnh. Chuồng trại chăn nuôi phải có vách ngăn từng khu vực chăn nuôi heo thịt, heo sinh sản, heo con…

Người chăn nuôi heo phải thực hiện thời gian cách ly mỗi đợt nuôi từ 10 - 15 ngày để vệ sinh chuồng trại, xử lý mầm bệnh, phun thuốc tiêu độc khử trùng. Đối với đàn heo giống, người nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt về kiểm soát con giống. Trong đó chú ý con giống phải sạch bệnh và xét nghiệm âm tính với bệnh DTHCP và phải đảm bảo an toàn sạch bệnh từ các phương tiện, dụng cụ chăn nuôi.

Trong thời gian tới TP Cần Thơ định hướng giảm tỉ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ; hướng dẫn, vận động chăn nuôi tập trung quy mô lớn nhằm ứng dụng tốt giải pháp ATSH.

 

  • Tags:
Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.