| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ: Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng bờ kè phòng chống sạt lở

Thứ Bảy 27/08/2022 , 13:57 (GMT+7)

Cần Thơ Trong năm 2022 TP Cần Thơ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng bờ kè phòng chống sạt lở, nhất là các tuyến đường sông giao thông trọng yếu.

Công trình xây dựng bờ kè Rạch Cái Sơn (TP Cần Thơ). Ảnh: Hữu Đức.

Công trình xây dựng bờ kè Rạch Cái Sơn (TP Cần Thơ). Ảnh: Hữu Đức.

TP Cần Thơ nằm về phía hạ lưu, bên bờ Nam sông Hậu. Trên địa bàn trải rộng có nhiều sông, kênh rạch chằng chịt và phương tiện giao thông thủy dày đặc. Tuy nhiên, những năm gần đây nạn sạt lở bờ sông thường xuyên xảy ra, nhất  là các tuyến đường sông, kênh xáng có nhiều tàu thuyền qua lại. Đã có nhiều vụ sạt lở nghiêm trọng, tác động bất an gây lo lắng cho người dân đang sinh cư ven sông.

Vào mùa nước kiệt hay mưa dông, triều cường, sạt lở bờ sông là hiểm họa. Thành phố xác định đây là một trong ba loại hình thiên tai (cùng với mưa kèm dông lốc, sét đánh) có khả năng xảy ra bất chừng và không theo quy luật tự nhiên. Do vậy, hàng năm Sở NN-PTNT TP Cần Thơ chỉ đạo Chi cục Thủy lợi theo dõi thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam và Đài Khí tượng Thủy văn Cần Thơ. Qua đó chủ động phối hợp cùng địa phương thông tin kịp thời đến người dân. Đồng thời có giải pháp kịp thời pháp đề phòng, ngăn chặn sạt lở gây nguy hại đến tính mạng, đời sống của người dân.

Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ cho biết, song song với công tác trọng tâm là kiểm tra, vận hành các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vùng nông thôn. Chi cục đã phối hợp với các địa phương thực hiện gia cố 480m kè chống sạt lở bằng các giải pháp dân gian, truyền thống như: Cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá và vải địa kỹ thuật, với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng.

Cùng với các dự án chỉnh trang đô thị, xây dựng bờ kè chống sạt lở ứng phó biến đổi khí hậu trải dọc theo hai bên bờ sông Cần Thơ thuộc địa bàn các quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền, TP Cần Thơ hiện còn nhiều đoạn sông báo động nguy cơ sạt lở rất cao. Trong đó có nhiều đoạn sông, rạch cần có giải pháp xây bờ kè kiên cố ngăn chặn tình trạng xói lở như sông Ô Môn, rạch Cái Sơn. Mới đây có thêm hai điểm báo động sạt lở bên bờ kênh Cái Sắn thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.

Theo Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, đơn vị hiện làm chủ đầu tư đã triển khai 3 dự án xây dựng kè chống sạt lở sông Ô Môn, các công trình kè chống sạt lở sông Ô Môn đã triển khai thi công, gồm: Khu vực Thới An, đoạn từ Rạch Vàm đến bến đò Tầm Vu (phía bờ phải), đoạn kè chống sạt lở từ cầu Ô Môn đến vàm Ba Rích và đoạn từ vàm Ba Rích đến rạch Cam My. Tổng chiều dài ba đoạn kè này hơn 3,7 km, vốn đầu tư hơn 440 tỷ đồng.

Công trình thi công xây dựng bờ kè (phải) sông Ô Môn. Ảnh: Hữu Đức.

Công trình thi công xây dựng bờ kè (phải) sông Ô Môn. Ảnh: Hữu Đức.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ cho biết, các dự án xây dựng kè chống sạt lở sông Ô Môn nhằm phòng, chống sạt lở, giữ ổn định bờ sông, bảo vệ đất đai, cơ sở hạ tầng và bảo đảm an toàn, ổn định lâu dài cho khu vực dân cư. Tuy vậy, quá trình triển khai thi công các tuyến kè dọc hai bên bờ sông Ô Môn vừa qua còn vướng mắc, mất thời gian trong công tác bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho số hộ dân bị ảnh hưởng.

Trong khi đó tiến độ xây dựng kè chống sạt lở rạch Cái Sơn hiện còn chậm. Công trình triển khai xây dựng năm 2019 đến nay thi công được trên 70% khối lượng. Đây là công trình thuộc dự án kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực rạch Cái Sơn (thuộc địa bàn hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy,)

Dự án kè rạch Cái Sơn có tổng chiều dài trên 2,8 km, từ cầu Cái Sơn 1 (đường tỉnh 923) đến cầu Sáu Bé (quận Bình Thủy). Công trình có tổng kinh phí xây dựng gần 315 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh và vốn đối ứng của TP Cần Thơ.

Vừa qua, làm việc với các đơn vị thi công nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, triển khai thi công đảm bảo chất lượng công trình để đến cuối năm 2022 cơ bản hoàn thành dự án.                                                                        

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đội Bình nghĩa sĩ Hà thành muôn thuở chẳng phai mờ

Ông Đặng Đình Tân - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ cho biết, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối đổi tên thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình.

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.