| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ: Phát triển nông nghiệp đô thị

Thứ Sáu 16/09/2016 , 13:14 (GMT+7)

TP Cần Thơ đang đẩy mạnh đầu tư SX nông nghiệp tập trung, nông nghiệp đô thị công nghệ cao, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân... gắn với quy hoạch vành đai xanh.

NNVN có cuộc trao đổi với ông ông Nguyễn Thanh Hừng (ảnh), GĐ Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ về vấn đề này.

08-17-07_ong-hung-gd-ttkn-cn-tho

 

Thưa ông, TP Cần Thơ đang phát triển nông nghiệp đô thị như thế nào?

Để phục vụ sản xuất hàng hóa, phát triển nông nghiệp đô thị, năm nay Trung tâm Khuyến nông được tỉnh giao triển khai các mô hình thí điểm như trồng nấm bào ngư, nấm linh chi, hoa kiểng… Ngoài ra, còn có mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt, không sử dụng bùn mà nuôi bằng giá thể trà tre với diện tích nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế khá tốt.

Đối với các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào SX nông nghiệp thì năm nay trung tâm xây dựng những mô hình tưới phun trên vườn cây ăn trái, sử dụng hệ thống tưới phun điều khiển từ xa bằng điện thoại di động. Trong lĩnh vực chăn nuôi cũng sẽ xây dựng những mô hình nuôi ứng dụng theo hướng an toàn sinh học (nuôi gà, vịt, heo, cá…) để nông dân từng bước áp dụng những kỹ thuật mới để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu đáp ứng thông tin KHKT, trung tâm đã tổ chức tập huấn các chuyên đề trên nhiều lĩnh vực trong đó có trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và một số loại rau màu, giúp nông dân tiếp cận những kỹ thuật mới áp dụng vào SX.

Đặc biệt trong tập huấn chuyển giao kỹ thuật phần lớn hướng đến nội dung SX đảm bảo an toàn, giảm chi phí, tăng lợi nhuận… để làm sao khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó giúp nông sản dễ tiêu thụ. Đối với rau ăn lá, cây ăn trái, thì cũng hướng dẫn người nông dân SX theo hướng VietGAP.

Bên cạnh đó, việc triển khai vùng SX nông nghiệp chuyên canh ra sao, thưa ông?

Dự án phát triển các vùng nông nghiệp chuyên canh của thành phố đã thực hiện được gần 2 năm, trong giai đoạn đầu thí điểm SX vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái ở huyện Phong Điền và Thới Lai bước đầu đã đem lại thành công. Từ điều kiện đất đai có sẵn của nông dân kết hợp với sự hỗ trợ cây giống và mặt kỹ thuật thì việc phát triển vùng cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn cho bà con. Trên cơ sở đó ngành nông nghiệp kết hợp với ngành du lịch tập huấn kỹ năng thêm cho nông dân về tiếp đón khách, từ đó hình thành những điểm du lịch miệt vườn sông nước hấp dẫn.

Đối với vùng chuyên canh cá tra thương phẩm và cá tra bột: Vùng chuyên canh cá tra thương phẩm nằm dọc theo tuyến sông Hậu từ Thốt Nốt đến Ô Môn rất thuận lợi đề phát triển. Hiện tình hình nuôi cá tra của người dân đã đi vào nề nếp. Bên cạnh đó chứng nhận cấp mã số ao đối với vùng nuôi cá tra thương phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP… nuôi theo đơn đặt hàng của các DN xuất khẩu.

Về xây dựng vùng chuyên canh rau màu, đã thực hiện ở nhiều nơi khá tốt, bên cạnh đó thì một số HTX và người dân đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa rau an toàn, được chứng nhận VietGAP. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích quy mô lớn hình thành vùng SX rau an toàn để phục vụ tiêu dùng trong và ngoài nước.

Về hoa kiểng đã hình thành một số nơi cho bà con sản xuất hoa, kiểng và các loại lan, một số vườn lan tại quận Bình Thủy, Ô Môn, cũng đáp ứng được nhu cầu về lan cắt cành bán cho các shop hoa. Bên cạnh đó cũng tập trung vào các loại hoa trồng phục vụ tết, ở vùng trồng hoa Bà Bộ tiếp tục hỗ trợ người dân SX 2 loại chính là cúc và vạn thọ. Nhìn chung mấy năm gần đây được sự hỗ trợ thì bà con nông dân đã chuyển sang tiếp cận một số hoa mới như hoa ly, cát tường, cúc đồng tiền…

Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng đến nông nghiệp, ngành Khuyến nông khuyến cáo trồng các loại cây gì để phù hợp, tăng thu nhập?

Trong những năm gần đây tình hình hạn hán xảy ra phổ biến hơn, trong quá trình tập huấn chuyển giao KHKT, cán bộ khuyến nông đều nhắc đến vần đề này. Những vùng có khả năng bị hạn trong vụ HT thì khuyến cáo người nông dân chuyển sang trồng những loại rau màu sử dụng ít nước để đảm bảo được SX. Đối với những vùng trong điều kiện SX lúa khó khăn trong mùa lũ nên chuyển sang nuôi thủy sản trong ruộng lúa hay ao vèo hoặc trồng các loại rau màu thủy canh để tăng thu nhập.

08-17-07_nh-2-mo-hinh-nong-nghiep-do-thi-sn-xut-nm-bo-ngu-o-binh-thy-tp-cn-tho
Mô hình phát triển nông nghiệp đô thị SX nấm bào ngư ở Bình Thủy (TP Cần Thơ)

 

Đối với những diện tích đất SX kém hiệu quả người nông dân chuyển sang trồng cạn tương đối lớn, gồm các loại mè, đậu, bắp… Riêng những vùng có điều kiện nước tương đối tốt để SX lúa thì cố gắng hạn chế sử dụng nước. Trong quy trình kỹ thuật “1 phải 5 giảm” có nội dung là giảm lượng nước tưới đối với lúa là vô cùng quan trọng. Trong giai đoạn không cần cho nước vào ruộng để cho đất khô thoáng thời gian 30 - 40 ngày sau sạ, lúc lúa hết thời kỳ đẻ nhánh chuẩn bị làm đòng thì không cần phải bơm nước.

Trong năm 2016 ngành Khuyến nông có những khó khăn thuận lợi gì?

Hoạt động của ngành hiện đã đi vào nề nếp, tuy nhiên còn một số bâng khuâng. Đối với người nông dân nên cố gắng phát huy tối đa lợi thế SX. Vốn SX, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm là ba vấn đề nhà nước đang hỗ trợ rất nhiều. Vốn SX thì có ngân hàng, kỹ thuật thì các cơ quan chuyên môn hỗ trợ hết mình... Việc tiêu thụ sản phẩm tuy gặp khó khăn, nhưng hiện tại nhà nước cũng tập trung tháo gỡ từng bước để xây dựng thành những chuỗi SX.

Vấn đề còn lại là vai trò chủ thể của người nông dân, họ làm thế nào để ứng dụng KHKT tốt giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó ngành nông nghiệp thành phố đứng ra liên kết với DN để có đầu ra ổn định, vì vậy người nông dân phải chủ động phát huy khả năng của mình và không trông chờ sự hỗ trợ.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.