| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước ở Quảng Ninh

Thứ Sáu 16/09/2022 , 10:50 (GMT+7)

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Quảng Ninh đã xây dựng "Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, hiện nay, tỉnh có 188 hồ chứa nước, trong đó, 172 hồ đang hoạt động, 4 hồ đang xây dựng, 12 hồ không còn hoạt động. Tổng dung tích hữu ích khoảng 325,5 triệu m3/năm. Tổng lượng nhu cầu nước khai thác, sử dụng hàng năm của tỉnh hiện tại vào khoảng 469 triệu m3/năm. Trong đó, lượng nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm 50,49%, nước cho công nghiệp chiếm 30,83%, nước cho sinh hoạt 16,33% và nước cho môi trường 2,35%.

Hồ trữ nước ngọt Cẩm La (TX Quảng Yên). Ảnh: Nguyễn Thành

Hồ trữ nước ngọt Cẩm La (TX Quảng Yên). Ảnh: Nguyễn Thành

Dân số tăng nhanh cùng sự phát triển kinh tế dẫn đến tăng nhu cầu sử dụng nước, nguồn nước bị ô nhiễm sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh nguồn nước của Quảng Ninh. Bên cạnh đó, trước những tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, một số địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ đối mặt với tình trạng không cân đối được nguồn nước tại chỗ cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có xu hướng xảy ra trên diện rộng, diễn biến phức tạp, mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Có thể nói, việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một trong những yếu tố quan trọng nhằm góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống - xã hội. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết diễn biến theo chiều hướng cực đoan, có thời điểm hạn hán kéo dài như năm 2020 khiến mực nước trong các hồ chứa ở Quảng Ninh rơi vào tình trạng khô hạn, gây thiếu nước nghiêm trọng cho các địa phương.

Vì vậy, Quảng Ninh đã tiến hành xây dựng "Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, đề ra nhiều giải pháp chiến lược nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

Được biết, Quảng Ninh hiện có 4 con sông lớn gồm sông Đá Bạc (đoạn hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình), sông Ka Long, sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ. Ngoài 4 sông lớn trên, tỉnh còn có 11 sông nhỏ, chiều dài từ 15-35km, diện tích lưu vực thường nhỏ hơn 300km2, được phân bố dọc theo bờ biển.

Việc quản lý hệ thống sông suối đang đặt ra nhiều thách thức lớn đối với đảm bảo an ninh nguồn nước. Mặc dù tổng lượng nước mặt hàng năm của Quảng Ninh trung bình vào khoảng 8,3 triệu m3, nhưng mất cân đối nguồn nước theo mùa và khu vực, gây khó khăn cho việc đáp ứng nước cho các mục tiêu phát triển.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trữ lượng tiềm năng nước dưới đất tỉnh Quảng Ninh còn tương đối cao với gần 1,7 triệu m3/ngày đêm, nhưng khả năng khai thác, sử dụng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do đặc điểm địa hình chia cắt.

Lượng nước sử dụng cho nông nghiệp ở Quảng Ninh đạt khoảng 235 triệu m3/năm. Ảnh: Viết Cường

Lượng nước sử dụng cho nông nghiệp ở Quảng Ninh đạt khoảng 235 triệu m3/năm. Ảnh: Viết Cường

Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến nguy cơ cạn kiệt, sụt lún đất đã và đang xảy ra tại một số địa phương. Không những vậy, hiện nay, thảm phủ rừng là nhân tố giữ vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn sinh thủy tự nhiên đang đối mặt với tình trạng suy giảm, dẫn đến mất tầng trữ nước bề mặt, xói mòn đất làm tăng nguy cơ lũ lụt.

Đề án đặt ra là sẽ giúp đổi mới tư duy trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước. Với sự tính toán của các nhà khoa học, phạm vi thực hiện của đề án sẽ là toàn bộ phần đất liền, các đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh, đảo có dân sinh sống, đảo có thể phát triển du lịch trên địa bàn Quảng Ninh.

Theo ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Ninh, các nội dung trọng tâm mà đề án sẽ tập trung thực hiện là đánh giá hiện trạng nguồn nước, hiện trạng quản lý các công trình hồ chứa nước; tính toán cân bằng nguồn nước đối với từng phân khu, phân vùng, để xác định nhu cầu sử dụng nước trong từng giai đoạn; tình trạng thừa, thiếu nước sau khi xây dựng bổ sung các công trình. Từ đó, đưa ra các nhóm nhiệm vụ gắn với các kịch bản phát triển, khai thác nguồn nước.

Đề án cũng sẽ đánh giá cụ thể, chi tiết về tính hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội giữa việc đầu tư xây dựng hồ chứa mới với việc nâng cấp, cải tạo các hồ đã có, trong đó ưu tiên phương án tận dụng, sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có, tận dụng khai trường mỏ sau khai thác cải tạo thành hồ chứa; cập nhật thêm đề án bảo vệ môi trường để có những giải pháp bảo vệ nguồn nước hiệu quả; sơ đồ hóa, bản đồ hóa nhu cầu sử dụng nước tại các vùng, khu vực đang thiếu nước...

Theo đó, dự kiến giai đoạn 2022-2025, tỉnh Quảng Ninh sẽ đầu tư xây dựng mới nhiều hồ chứa nước. Cụ thể, khu vực Tây TP Hạ Long - TP Uông Bí - TX Quảng Yên dự kiến đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Hoành Bồ thêm 10.000m3/ngày đêm, xây dựng tuyến ống hòa mạng với mạng lưới cấp nước của Nhà máy nước Đồng Ho.

Tại khu vực huyện Ba Chẽ sẽ đầu tư xây dựng hồ Khe Tâm (dung tích 1,2 triệu m3); huyện Hải Hà sẽ đầu tư xây dựng, nâng cấp hồ Tài Chi (dung tích 7 triệu m3) và hồ Quảng Thành (dung tích 5 triệu m3); khu vực Cô Tô xây dựng hồ chứa nước C22 (dung tích 0,3 triệu m3); khu vực Vân Đồn hoàn thiện việc xây dựng hồ Đồng Dọng.

Ngoài ra, khu vực phía đông TP Hạ Long và TP Cẩm Phả đề xuất triển khai xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ khu vực Cẩm Phả. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư xây mới các hồ khoảng hơn 2.000 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 570 tỷ đồng; ngân sách huyện 120 tỷ đồng và nguồn doanh nghiệp đầu tư 1.392 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả các công trình hiện có giai đoạn này, tỉnh sẽ sửa chữa, nâng cấp 37 hồ chứa, 36 đập dâng, 5 trạm bơm với tổng nhu cầu kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.

Cùng với việc triển khai đề án, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn kết hợp bảo vệ hệ sinh thái rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, cũng như nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Trang trại nho trĩu quả bên dòng Sê San

Vài năm nay, huyện Ia Grai không chỉ nổi tiếng bởi có dòng Sê San, là vựa cà phê lớn nhất tỉnh Gia Lai mà còn nổi lên với những vườn nho trĩu quả.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất