| Hotline: 0983.970.780

'Cần tổ chức sản xuất bình thường, tránh tâm lý cực đoan thái quá'

Thứ Hai 19/07/2021 , 22:09 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng cần một kế hoạch tổng thể để ngành nông nghiệp hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021 mà Chính phủ đã giao.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tin ngành nông nghiệp sẽ giải quyết được các khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tin ngành nông nghiệp sẽ giải quyết được các khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Ảnh: Bảo Thắng.

Thưa ông, vấn đề nổi cộm nhất tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là gì?

Ngành nông nghiệp hiện đảm bảo được yếu tố quan trọng nhất là sản xuất, chủ động được nguồn cung ứng nông sản. Kinh nghiệm thực tế từ Hà Nội hồi năm 2020 cho thấy, chỉ sau vài ngày, với sự vào cuộc của Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, chúng ta đã đảm bảo được 300% lượng cung thực phẩm, với các kênh phân phối dồi dào tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cả những sàn thương mại điện tử.

Vấn đề hiện tại ở các tỉnh phía Nam, chủ yếu là lưu thông, phân phối nông sản. Chúng ta cần hệ thống phân phối mang tính đồng bộ, như đã làm trong vụ vải thiều năm nay. Sản lượng dự báo là 250.000 tấn, nhưng thực tế lên tới hơn 300.000 tấn. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, cùng Bộ, ban, ngành liên quan, đảm bảo tiêu thụ hết số lượng vải trong thời gian ngắn.

Có thông tin, là giá rau, quả, thực phẩm ở TP. HCM và một số nơi bị thiếu hụt cục bộ, giá bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, nhiều tỉnh khác, nông sản lại không tìm được đầu ra. Bộ NN-PTNT đã có giải pháp gì để xử lý vấn đề này?

Đây là một vấn đề lớn, cần một giải pháp đồng bộ từ trên xuống dưới. Để giải quyết dứt điểm, chúng ta cần tạo ra những luồng xanh đưa nông sản trực tiếp từ vùng sản xuất tới nơi tiêu thụ. Giờ luồng xanh đã phát triển rộng khắp trên toàn quốc, cả đường bộ lẫn giao thông thủy nội địa. Như đợt dịch này ở TP.HCM, nhiều nông sản đã được chuyển đến bằng đường thủy.

Điều quan trọng, là các tỉnh, thành phố phải thống nhất với nhau, không để ùn, ừ cục bộ. Tất cả phải hành động theo phương châm, đưa nông sản một cách nhanh nhất tới các kênh tiêu thụ trên toàn quốc, nhưng vẫn phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và dịch bệnh.

Dân số TP. HCM vào khoảng 10 triệu người. Cộng thêm 18 tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội, con số tổng thể là rất lớn. Một luồng xanh trực tiếp cho nông sản là yêu cầu cấp thiết lúc này. Nó vừa giúp người dân yên tâm chống dịch, vừa giảm áp lực cho việc hoàn thành mục tiêu kép của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.

Bộ NN-PTNT đã có kế hoạch gì để đảm bảo nguồn cung nông sản cho hiện tại và thời gian sắp tới?

Trước hết, chúng ta cần phân tích chính xác tình hình, phải dựa vào nhu cầu của từng loại nông sản, để đề ra kế hoạch cho các tỉnh cung cấp. Lấy đó làm cơ sở, rồi mới tính đến các kênh phân phối cụ thể, và tìm ra các phương án phòng chống dịch Covid-19 tại từng địa điểm.

Người trồng rau ở Lâm Đồng hiện gặp khó khăn tiêu thụ về TP. HCM. Ảnh: Minh Hậu.

Người trồng rau ở Lâm Đồng hiện gặp khó khăn tiêu thụ về TP. HCM. Ảnh: Minh Hậu.

Dịch Covid-19 bùng phát đã được một năm rưỡi. Bộ NN-PTNT luôn đề cao tính chủ động để giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, nếu không chủ động sản xuất ngay từ bây giờ, hai tháng sau, ngành nông nghiệp sẽ rất khó sản xuất nông sản cho vụ kế tiếp. Làm không khéo, không nhanh, không quyết liệt, chúng ta có thể dính vào một loạt vướng mắc. 

Nhiều người phản ánh, rằng các chốt kiểm soát chặt chẽ nhưng thực tế, người dân, doanh nghiệp không bị ngăn cấm việc vận chuyển nông sản cũng như vật tư nông nghiệp. Covid-19 chỉ xảy ra ở một vài khu vực, phần còn lại, chúng ta cần tổ chức sản xuất bình thường, tránh tâm lý cực đoan thái quá.  Tôi tin, nếu địa phương nào thiếu nhân lực, các lực lượng vũ trang hoặc các tổ chức như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... sẵn sàng hỗ trợ, đảm bảo tiến độ sản xuất.

Chúng ta đang có một hệ sinh thái nông nghiệp, với 13.500 doanh nghiệp, 34.400 trang trại, 78 liên minh hợp tác xã, 17.500 hợp tác xã, cùng hơn 8,6 triệu nông dân. Với tiềm lực ấy, ngành nông nghiệp đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục 3,84% trong 6 tháng đầu năm 2021, và không lý gì không thể giải quyết những khó khăn trước mắt.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.