| Hotline: 0983.970.780

Nhếch nhác cảng cá

Cảng cá, 'chiếc áo' đã quá chật!

Thứ Năm 17/03/2022 , 09:30 (GMT+7)

Cảng cá đảm bảo phục vụ đánh bắt hải sản đáp ứng yêu cầu của Ủy ban châu Âu - EC tại các tỉnh ven biển Nam Trung bộ còn rất thiếu.

Luồng vào và vùng nước khu neo đậu khu neo đậu đậu tránh trú bão Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bị bồi lắng, gây khó cho tàu thuyền ra vào. Ảnh: KS.

Luồng vào và vùng nước khu neo đậu khu neo đậu đậu tránh trú bão Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) bị bồi lắng, gây khó cho tàu thuyền ra vào. Ảnh: KS.

Chưa đáp ứng được yêu cầu của EC

Thực tế, tại các cảng cá ở Khánh Hòa cho thấy, từ khi khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền Ninh Hải đi vào hoạt động đã tiếp nhận số lượng lớn các tàu cá đến neo đậu, tránh trú bão, sửa chữa ngư lưới cụ.

Không chỉ có tàu cá của ngư dân phường Ninh Hải, Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa), một số vùng lân cận thuộc huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) mà còn có tàu cá trong ngoài tỉnh. Theo thống kê, 5 năm gần đây, số lượng tàu cá trong và ngoài tỉnh về neo đậu tránh trú bão tại đây trên dưới 1.000 lượt tàu.

Ấy vậy mà khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải thiết kế chỉ dành cho tàu có công suất nhỏ neo đậu. Hơn nữa, luồng vào và vùng nước khu neo đậu đang bị bồi lắng, nhưng chưa được nạo vét kịp thời, gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào neo đậu, sửa chữa ngư lưới cụ.

"Đối với các tàu có chiều dài lớn phải canh thủy triều lên cao mới đưa được tàu vào khu neo đậu. Nhất là khi qua cầu Bình Tây, do khoảng tĩnh không của cầu thấp, khi nước ròng thì bị cạn, khi nước lớn bị chạm mặt cầu gây mất nguy cơ an toàn đường thủy”, ông Lê Hải Dũng, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa, chia sẻ.

Còn ở Bình Định, địa phương có 3 cảng cá được xếp loại II đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác là Cảng cá Quy Nhơn (thành phố Quy Nhơn), Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) và Cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn). Những cảng cá nói trên dù đã được đầu tư xây dựng khá bài bản, thế nhưng hiện nay diện tích cảng và khu neo đậu vẫn bị quá tải do diện tích không đủ chứa tàu thuyền của ngư dân địa phương, nhất là chưa đáp ứng được yêu cầu của Ủy ban châu Âu về việc chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vào mùa mưa bão rất đông tàu thuyền neo đậu tránh trú. Ảnh: KS.

Khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) vào mùa mưa bão rất đông tàu thuyền neo đậu tránh trú. Ảnh: KS.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, vào mùa mưa bão, khu neo đậu Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn) có diện tích 60ha, khả năng chứa tối đa là 1000 - 1200 tàu. Nhưng riêng số tàu của ngư dân Hoài Nhơn đã lên đến 2.500 tàu. Ngoài ra, trong những tháng mưa bão, khu neo đậu tránh trú bão còn tiếp nhận khoảng 250 - 300 tàu của ngư dân huyện Phù Mỹ (Bình Định) và ngư dân Quảng Ngãi.

Còn khu neo đậu Đầm Đề Gi có diện tích 1.580ha, phần lớn diện tích mặt nước đã bị bùn, cát bồi lấp cục bộ, luồng lạch ra vào khu neo đậu còn hẹp và thường xuyên bị bồi lấp, nên không đảm bảo cho tàu cá vào sâu trong đầm mà chỉ neo đậu tại vùng nước gần trước khu vực cảng cá Đề Gi với khả năng neo đậu với số lượng tối đa khoảng 400 chiếc. Trong khi đó, cảng cá Đề Gi có diện tích 2,5ha, nhưng phải nhường 1.885m2 để mở rộng đường phía Nam tỉnh. Hiện Sở NN-PTNT đang phối hợp Sở TN-MT có tờ trình UBND tỉnh Bình Định bổ sung cho cảng cá Đề Gi thêm 2.000m2 để đảm bảo diện tích hoạt động.

Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) là cảng cá loại II đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Ảnh: VĐT.

Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) là cảng cá loại II đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Ảnh: VĐT.

Thực tế không theo kịp lý thuyết

Theo lý thuyết, đến năm 2020, tỉnh Quang Nam sẽ có 1 cảng cá loại I là Tam Quang và 5 cảng cá loại II gồm cảng cá An Hòa, cảng cá Cẩm Thanh, cảng cá đảo Cù Lao Chàm, cảng cá Tam Kỳ và cảng cá Hồng Triều.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam mới thực hiện đầu tư được 2 trên tổng số 6 cảng cá đã quy hoạch. Theo đó, cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, huyện Núi Thành) là cảng cá loại II, được đưa vào sử dụng vào tháng 3/2012 với sản lượng thủy sản qua cảng hàng năm là 16.000 tấn.

Còn Cảng cá Tam Quang (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) theo quy hoạch là cảng cá loại I, tuy nhiên, đến nay cảng này chỉ mới hoàn thành xây dựng các hạng mục và được công bố mở cảng loại II vào ngày 10/2/2022. Hiện, cảng cá Tam Quang có quy mô 120 lượt tàu/ngày, sản lượng thủy sản qua cảng 16.000 tấn/năm.

Trong khi đó, theo thống kê mới nhất, tỉnh Quảng Nam đang có 2.787 tàu cá; trong đó, tàu cá hoạt động vùng khơi có chiều dài từ 15m trở lên là 722 chiếc; tàu đánh bắt vùng lộng có chiều dài từ 12-15m) là 727 chiếc; tàu đánh bắt vùng bờ có chiều dài từ 6-12m là 1.338 chiếc. Như vậy, với những cảng cá đã được đầu tư mới chỉ cơ bản đáp ứng được phần nào lượng tàu cá cập cảng của ngư dân các huyện phía Nam của tỉnh như Núi Thành, Tam Kỳ.

Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) đang thiếu trầm trọng nhân lực thực hiện công tác kiểm tra, giám sát sản lượng tàu cá cập bờ theo quy định của Ủy ban châu Âu. Ảnh: VĐT.

Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) đang thiếu trầm trọng nhân lực thực hiện công tác kiểm tra, giám sát sản lượng tàu cá cập bờ theo quy định của Ủy ban châu Âu. Ảnh: VĐT.

Đối với tàu cá của ngư dân các huyện phía Bắc như Duy Xuyên, Thăng Bình, thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An hiện chưa có cảng cá đủ điều kiện công bố mở cảng cá để tàu cá cập cảng. Những tàu cá ở các địa phương nói trên nằm cách cảng cá An Hòa và Cảng cá Tam Quang từ 50 - 80km, nên việc yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng cập tàu vào cảng để nộp nhật ký khai thác thủy sản, xác nhận nguồn gốc là rất khó thực hiện.

Tỉnh Quảng Ngãi cũng lâm tình trạng tương tự. Hiện các cảng cá trên địa bàn chỉ đảm bảo cho 1.750 tàu thuyền neo đậu, mới chỉ đáp ứng được 1/3 số lượng tàu cá của tỉnh. Ngoài ra, một số cảng cá có luồng vào cảng và vũng neo đậu thường xuyên bị bồi lấp nên tàu thuyền ra vào gặp nhiều khó khăn.

“Nhiều tàu thuyền của ngư dân thường neo đậu dọc bờ sông, bến cá tư nhân hoặc cảng cá ngoài tỉnh nên cũng không thể kiểm soát được. Hiện mỗi năm sản lượng hải sản thống kê được qua các cảng chỉ đạt khoảng 1/10 so với sản lượng hải sản khai thác của toàn tỉnh”, ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Giám đốc Ban quản lý các Cảng cá tỉnh Quảng Ngãi.

Thiếu nhân sự giám sát

Khó khăn lớn nhất tại các cảng cá ở miền Trung hiện nay là nhân lực phục vụ công tác kiểm tra, giám sát sản lượng tàu cá cập bờ theo quy định của Ủy ban châu Âu - EC. Công tác giám sát có chính xác thì việc chứng nhận nguồn gốc thủy sản của Chi cục Thủy sản mới được đảm bảo. Thế nhưng lúc cao điểm, mỗi ngày có đến hàng trăm tàu cá cập cảng, thế nhưng nhân sự tại các cảng cá không đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nói trên.

Như tại Bình Định, ban quản lý cảng cá tỉnh này chỉ có 46 người mà phải quản lý cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, bến cá Tân Phụng, bến cá Nhơn Lý nên thiếu trầm trọng nhân lực thực hiện công tác giám sát sản lượng. Cảng cá Tam Quan cũng chỉ có 17 người, nên để thực hiện việc giám sát sản lượng cũng bị thiếu nhân lực.

Cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) được quy hoạch là cảng cá loại I, nhưng chỉ đáp ứng đủ tiêu chuẩn để công bố cảng cá loại II vào tháng 2 vừa qua. Ảnh: KS.

Cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) được quy hoạch là cảng cá loại I, nhưng chỉ đáp ứng đủ tiêu chuẩn để công bố cảng cá loại II vào tháng 2 vừa qua. Ảnh: KS.

Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định, để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của EC về khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định và thực thi Luật Thủy sản 2017, từ năm 2018 đến nay, đơn vị này đã tổ chức thực hiện công tác kiểm soát tàu thuyền ra vào cập cảng, giám sát sản lượng thủy sản và xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác tại các cảng cá chỉ định là cảng cá Quy Nhơn và Đề Gi.

Để đảm bảo phục vụ các công tác kể trên, trong năm 2021, Ban quản lý cảng cá Bình Định đã được Sở NN-PTNT Bình Định hỗ trợ 136 triệu đồng để trả lương cho nhân viên thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU tại 2 cảng cá Quy Nhơn và Đề Gi.

“Theo yêu cầu thực hiện công tác triển khai phòng chống IUU, khắc phục thẻ vàng EC, đơn vị phải bố trí thêm nhân viên để thực hiện thêm 2 nhiệm vụ mới là: Kiểm soát, quản lý hành trình tàu cá trên biển trước khi vào 2 cảng cá chỉ định và kiểm soát sản lượng hàng thủy sản từ khai thác phục vụ xác nhận nguyên liệu. Trong năm 2021, chi phí lương cho nhân viên thực hiện 2 nhiệm vụ nói trên lên đến hơn 900 triệu đồng, trong khi cộng cả 2 khoản phí thu từ việc cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản và khoản hỗ trợ của Sở NN-PTNT, chúng tôi vẫn bị thiếu đến gần 600 triệu đồng, đơn vị phải tạm ứng từ các nguồn quỹ để tạm chi trả cho các hoạt động này”, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất