| Hotline: 0983.970.780

Nhếch nhác cảng cá

Cảng cá xếp hàng dài chờ kinh phí đầu tư, nâng cấp

Thứ Hai 21/03/2022 , 08:00 (GMT+7)

Các địa phương ven biển Nam Trung bộ nhận thấy việc nâng cấp cảng cá có ý nghĩa rất quan trọng với phát triển thủy sản, nhưng đều gặp khó về kinh phí.

Trong năm 2021, UBND thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) đã đầu tư 20 tỷ đồng để nâng cấp cảng cá Tam Quan. Ảnh: KS.

Trong năm 2021, UBND thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) đã đầu tư 20 tỷ đồng để nâng cấp cảng cá Tam Quan. Ảnh: KS.

Nỗ lực của tỉnh nghèo

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cơ sở hạ tầng nghề cá và dịch vụ hậu cần nghề cá ở tỉnh này trong những năm qua tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản. Đặc biệt, các khu neo đậu tàu thuyền hiện đã quá tải, thiếu một nguồn vốn rất lớn để đầu tư, xây dựng.

Do đó, tỉnh Bình Định phải trông chờ sự hỗ trợ của Trung ương để đầu tư, nâng cấp xây dựng hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đạt chuẩn, đáp ứng phục vụ nhu cầu cho tàu cá trong tỉnh và khu vực

Dù là tỉnh nghèo, nhưng trong thời gian qua Bình Định đã đầu tư cho các cảng cá có hạ tầng còn yếu kém để phục vụ ngư dân. Đơn cử như cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn), trong năm 2021, UBND thị xã Hoài Nhơn đã đầu tư 20 tỷ đồng để nâng cấp tạm thời.

Đến nay, cảng cá Tam Quan đã được xây dựng hoàn chỉnh bờ kè kết hợp bến cập tàu, nhà phân loại thủy sản, đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản tại khu E. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã đầu tư xây dựng 163m kè đứng tại khu D và bến cập tàu, hệ thống giao thông, vừa nghiệm thu vào chiều 25/2 vừa qua.

“Hiện cảng cá Tam Quan đang được thi công cảng tại khu D với tổng kinh phí 91 tỷ đồng từ nguồn vốn của UBND tỉnh, dự kiến đến năm 2023 hạng mục này sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng”, ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý cảng cá và Dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn, cho hay.

Còn tại Ninh Thuận, theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã đầu tư nâng cấp một số cảng cá của địa phương.

Về việc đầu tư nâng cấp mở rộng Cảng cá Đông Hải và Mỹ Tân (cảng cá loại II), tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thiện hồ sơ và trình Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính thẩm định tại Văn bản số 3012/UBND-KTTH ngày 24/8/2020 về việc hoàn thiện đề xuất Dự án “Phát triển thủy sản bền vững” bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Hiện Bộ Tài chính đang xem xét cơ chế vay vốn đối ứng của tỉnh, dự án này do Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT làm chủ đầu tư.

Dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá Cà Ná đạt tiêu chí cảng cá loại I đang được Ban quản lý Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt. UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã cho chủ trương nạo vét theo hình thức xã hội hóa, không dùng nguồn vốn ngân sách, để nạo vét tuyến luồng chạy tàu và vũng đậu tàu cảng cá Đông Hải, Cà Ná và Ninh Chữ.

“Hiện nay, đã triển khai thi công nạo vét tuyến luồng chạy tàu và vũng đậu tàu cảng cá Cà Ná. Riêng tuyến luồng chạy tàu và vũng đậu tàu cảng cá Đông Hải và Ninh Chữ, Ban quản lý các cảng cá Ninh Thuận đang hoàn thiện hồ sơ dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Việc nâng cấp các cảng cá là rất bức thiết, nhưng địa phương gặp khó về kinh phí. Hiện Bộ Tài chính đang xem xét về cơ chế vay vốn đối ứng của tỉnh để triển khai dự án Đầu tư nâng cấp mở rộng cảng cá Đông Hải và cảng cá Mỹ Tân, 2 cảng cá loại II trên địa bàn”, ông Đặng Kim Cương chia sẻ.

Khu tránh trú bão và cảng cá Phú Hải (Bình Thuận) hiện bị bồi lấp nặng rất cần đầu tư nâng cấp. Ảnh: KS.

Khu tránh trú bão và cảng cá Phú Hải (Bình Thuận) hiện bị bồi lấp nặng rất cần đầu tư nâng cấp. Ảnh: KS.

Khoản đầu tư lớn đều phải nhờ Trung ương

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc quá tải một số cảng cá, khu khu tránh bão do các khu neo đậu tránh trú bão dù đã được quy hoạch trên các địa bàn trọng điểm nghề cá như Chí Công (Tuy Phong), Mũi Né (Phan Thiết), Ba Đăng (La Gi) chậm đầu tư xây dựng, nên mỗi khi có tàu cá từ nhiều địa phương dồn về là các khu tránh trú bão trở nên quá tải, mất an toàn.

Trước những tồn tại, hạn chế về hạ tầng cảng cá, khu tránh trú bão nói trên, vào tháng 9/2021, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo gửi Bộ NN-PTNT, trong đó đề xuất quy hoạch cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, có 8 cảng cá, gồm 2 cảng loại I, 6 cảng loai II; 7 khu neo đâụ tránh trú bão cho tàu cá, trong đó có 2 khu cấp vùng, 5 khu cấp tỉnh; và 6 cảng cá loại III kết hợp khu neo đậu tàu thuyền đia phương trên cơ sở kế thừa các yếu tố hơp lý của quy hoạch thời kỳ trước.

Các cảng cá ở Quảng Nam cũng chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu neo đậu, mua bán hải sản ở các huyện phía Nam, còn phía Bắc thì chưa có cảng nào đáp ứng được. Ảnh:KS.

Các cảng cá ở Quảng Nam cũng chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu neo đậu, mua bán hải sản ở các huyện phía Nam, còn phía Bắc thì chưa có cảng nào đáp ứng được. Ảnh:KS.

Với thực trạng các cảng cá ở Quảng Ngãi sau nhiều năm sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp, việc cần nâng cấp, sữa chữa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chí theo quy định là rất lớn. Theo ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Giám đốc Ban quản lý cảng cá tỉnh Quảng Ngãi, những năm qua, nguồn lực của địa phương để thực hiện các mục tiêu này còn rất ít, có năm hầu như không có.

“Đối với tỉnh chỉ có bố trí kinh phí để khắc phục các khuyến nghị của EC, gỡ thẻ vàng IUU chứ không có kinh phí sửa chữa thường xuyên. Sở NN-PTNT Quảng Ngãi đã có đề nghị tỉnh bố trí kinh phí sữa chữa nhà làm việc, nạo vét luồng, sữa chữa hệ thống phao nhưng không được, bởi tỉnh không cân đối được nguồn ngân sách”, ông Hiền cho hay.

Trước những khó khăn này, vừa qua, Sở NN-PTNT Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hoàn thiện cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn. Trong đó, đầu tư mới dự án khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Sa Cần với kinh phí dự kiến 400 tỷ đồng; đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Sa Huỳnh với kinh phí dự kiến 300 tỷ đồng.

Nhiều cảng cá cần được sửa chữa, nâng cấp nhưng không làm được do thiếu kinh phí. Ảnh: KS.

Nhiều cảng cá cần được sửa chữa, nâng cấp nhưng không làm được do thiếu kinh phí. Ảnh: KS.

Còn tại Quảng Nam, việc thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho cho tàu cá theo Quyết định số 1976 của Thủ tướng Chính phủ tỉnh này đang gặp khó về kinh phí. Trong đó, nguồn thu giá dịch vụ tại các cảng cá còn thấp, chưa tích lũy được nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa hệ thống công trình cảng cá.

Do đó, bên cạnh việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư các dự án, thuê hạ tầng có khả năng sinh lợi như: Hạ Tầng xây dựng kho lạnh, khu dịch vụ vật tư ngư cụ, máy móc thiết bị, nhà máy nước đá, trạm xăng dầu, lương thực thực phẩm cho nghề cá…, tỉnh Quảng Nam cũng đã đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ khoảng 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2030 nhằm mở rộng, nâng cấp, xây dựng các hạng mục công trình của các cảng cá và khu neo đậu.

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, chia sẻ: “Khó khăn nhất là về kinh phí đầu tư, chúng tôi đang đề nghị Trung ương cùng với tỉnh bố trí. Ngoài ra, còn một khó khăn nữa là vấn đề giải phóng mặt bằng. Chẳng hạn như ở cảng cá Tam Quang, người dân sống xung quanh đó rất nhiều với các ngành nghề như mua bán hải sản, cung ứng dịch vụ nhỏ lẻ cho ngư dân, giờ mở rộng mặt bằng để mở rộng quy mô, nâng cấp cảng cá rất khó khăn”.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.