| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng lớn tiết kiệm 170 tỷ đồng/năm

Thứ Sáu 10/01/2014 , 11:40 (GMT+7)

Từ mô hình CĐL đã giúp giảm giá thành từ 10 - 20%, với diện tích tham gia mô hình này năm 2014 khoảng 35.000 ha thì mỗi năm An Giang tiết kiệm được cho nông dân khoảng 170 tỷ đồng.

Năm 2014, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các sở ban ngành, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh việc hỗ trợ mối liên kết hợp tác giữa nông dân và DN xây dựng cánh đồng lớn (CĐL), tạo vùng nguyên liệu xuất khẩu mang tính bền vững cho các DN.

Ở An Giang, CĐL hay còn gọi là cánh đồng liên kết đã được triển khai thực hiện từ lâu. Đây là mô hình liên kết hợp tác nhằm hướng tới một nền SX nông nghiệp bền vững, khi các bên tham gia đều đạt được lợi nhuận hợp lý.

Tham gia SX theo mô hình này, người nông dân rất an tâm (SX theo hợp đồng) được hướng dẫn kỹ thuật SX theo quy trình “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng” qua đó làm cho chi phí được tiết giảm đến mức thấp nhất, lợi nhuận sau mỗi vụ thu hoạch tăng cao nhất. Nông dân được DN bán chịu lúa giống, phân bón, thuốc BVTV ngay từ khi gieo sạ, vì vậy khi triển khai, nông dân rất phấn khởi và tự nguyện tham gia.


An Giang đang đẩy mạnh xây dựng CĐL cho toàn tỉnh

Ông Nguyễn Văn Hải ở xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên cho biết: “Trước đây sau mỗi vụ thu hoạch, chúng tôi phải tìm đến “cò” thì mới bán được lúa. Còn nay, khi tham gia CĐL, chỉ cần đến Cty thông báo lịch cắt lúa, đã cử người đến hỗ trợ và tiếp nhận sản phẩm, sau đó tiến hành thanh lý hợp đồng, không phải chạy vạy lo toan, đút lót cho "cò" như trước đây. Việc này bà con nông dân rất phấn khởi”.

Ở An Giang, đi đầu trong việc thực hiện mô hình CĐL, trước hết phải kể đến liên doanh giữa Cty Angimex - Kitoku Shinryo (Nhật Bản) vào năm 1991. Liên doanh này xây dựng vùng nguyên liệu hằng năm khoảng 1.400 ha.

Theo đó, Cty cung ứng giống, liên kết với nhiều Cty phân bón, thuốc BVTV để cung ứng cho nông dân và thanh toán ở cuối vụ. Giá mua lúa được hai bên thỏa thuận ngay từ đầu vụ. Khi mô hình này thành công, hàng loạt các DN xuất khẩu gạo trong tỉnh đã rút kinh nghiệm và triển khai với quy mô lớn hơn như Cty BVTV An Giang (diện tích ký hợp đồng khoảng 20.000 ha/năm); Cty CP Nông sản thực phẩm ký với nông dân xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên 630 ha/năm…

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Từ mô hình CĐL đã giúp giảm giá thành từ 10 - 20%, với diện tích tham gia mô hình này năm 2014 khoảng 35.000 ha thì mỗi năm An Giang tiết kiệm được cho nông dân khoảng 170 tỷ đồng. Nếu diện tích tham gia CĐL ngày càng nhiều thì con số tiết kiệm này sẽ tăng lên. Nông dân có lợi nhưng DN cũng được lợi, cái lợi ở đây là kiểm soát được chất lượng sản phẩm đầu ra (độ đồng đều, tạp chất, dư lượng thuốc BVTV).

Thực tế cho thấy, An Giang đã triển khai cánh CĐL lâu nay nhưng chậm đúc kết thực tiễn để nâng lên thành lý luận. Nếu tính từ 2011 (thời điểm Bộ NN-PTNT phát động các tỉnh thành thực hiện CĐL) đến nay, diện tích ruộng của nông dân tham gia CĐL không ngừng được nâng lên theo từng năm. Cụ thể năm 2011, diện tích vùng nguyên liệu là 6.650 ha với 4 DN tham gia, nay đã có 15 DN ký hợp tác nông dân xây dựng vùng nguyên liệu trên 45.000 ha.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.