| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng sinh thái

Thứ Năm 23/04/2015 , 09:16 (GMT+7)

Sau 3 năm triển khai mô hình công nghệ sinh thái canh tác lúa ở An Giang, đến nay đã đạt được nhiều kết quả .

Cụ thể như giảm chi phí sử dụng thuốc BVTV, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, sức khỏe của con người, giảm sâu bệnh và tăng lợi nhuận.

Cục Trồng trọt, Trung tâm BVTV phía Nam kết hợp với Chi cục BVTV An Giang và Cty Tân Thành đã tổ chức hội thảo tổng kết mô hình thi đua ứng dụng công nghệ sinh thái (CNST) vụ ĐX 2014-2015.

Ngay từ đầu vụ, Chi cục BVTV An Giang đã phát động phong trào thi đua ứng dụng CNST trên đồng ruộng thu hút hơn 3.000 nông dân đăng ký tham gia ứng dụng gần 2.200 ha diện tích canh tác lúa.

Tính từ vụ HT 2010 đến nay, An Giang đã triển khai được 129 mô hình trình diễn CNST. Tại hội nghị tổng kết vụ ĐX năm nay có 7 tập thể, 23 cá nhân áp dụng tốt CNST được Sở NN-PTNT An Giang tặng bằng khen.

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết: Áp dụng CNST trên đồng ruộng dựa trên nền tảng của chương trình “3 giảm 3 tăng” hoặc “1 phải 5 giảm”, trong đó đáng chú ý nhất là việc kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng làm nơi cư trú và sinh sống của các loài thiên địch, đặc biệt là nhóm ong ký sinh, giảm sử dụng thuốc hóa học mà năng suất vẫn cao.

Các mô hình CNST có chiều dài bờ hoa từ 300 - 2.000 m, chất lượng đạt yêu cầu.  Các loại hoa được trồng khá đa dạng và phong phú như sao nhái, hướng dương, cúc ngũ sắc, cúc tím, móng tay, mào gà…

Trong đó loại hoa chủ yếu là sao nhái. Ngoài ra, các mô hình còn chọn các loại cây tăng thu nhập như mè, đậu bắp, đậu đen. Các mô hình đều chọn phương pháp trồng hạt trực tiếp.

Trồng hoa trên bờ ruộng là nơi cư trú của thiên địch có lợi cho cây lúa, khi sâu rầy đến đẻ trứng trên ruộng, thiên địch ký sinh làm vô hiệu khả năng phát triển của chúng, tiêu diệt côn trùng gây hại. Những cánh đồng lúa áp dụng CNST đều cho năng suất bình quân đạt hơn 7 tấn/ha, lợi nhuận xấp xỉ trên 20 triệu đồng/ha/vụ.

Trong khi đó, các ruộng đối chứng bị sâu và rầy tấn công phải tăng lần xịt thuốc hóa học lên 2 - 3 lần/vụ, đồng nghĩa tăng chi phí trên 1 triệu đồng so với ruộng lúa trong mô hình.

Theo ông An, số lượng hoa trồng phụ thuộc vào kích thước bờ ruộng, chỉ tận dụng các bờ sẵn có, không cần phải tạo thêm bờ mới. Điều quan trọng là cần cộng đồng nông dân tham gia để tạo vùng có hoa lớn, thiên địch mới có cơ hội phát triển thành số đông, đủ "gây áp lực" với sâu rầy.

Thời điểm trồng hoa khoảng 15 - 30 ngày trước khi gieo sạ và duy trì hoa liên tục trên bờ ruộng từ vụ này sang vụ khác thì rất tốt, tiết kiệm được nhiều chi phí sử dụng thuốc BVTV. Đây là mô hình ứng dụng thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như tạo mỹ quan trên đồng ruộng. Giúp nông dân những vùng trọng điểm SX lúa xây dựng hệ thống canh tác bền vững, hướng tới áp dụng tiêu chí GlobalGAP hoặc VietGAP.

Ông Nguyễn Văn Bé Năm canh tác 1,6 ha ở xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn cho biết: “Trước đây, ruộng của tôi luôn sạ dày, năm 2009, được Trạm BVTV huyện tổ chức lớp tập huấn chương trình “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”.

Đến năm 2010, tôi được hướng dẫn trồng hoa trên ruộng lúa thấy rất đẹp, dẫn dụ được thiên địch giảm được 2 - 3 lần phun thuốc ở giai đoạn đầu và giai đoạn trước khi thu hoạch mà năng suất lúa luôn đứng ở mức 6 - 7 tấn/ha, tiết kiệm từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha/vụ”.

Còn nông dân Nguyễn Thanh Sang ở xã Long Kiến, huyện Chợ Mới đoạt giải Nhất trong phong trào thi đua ứng dụng CNST vụ lúa ĐX 2014-2015 vui mừng cho biết: “Từ khi áp dụng CNST trong SX lúa tôi thấy ruộng đẹp hơn, đồng thời còn tiết kiệm hơn 3 triệu đồng/ha/vụ. Vụ ĐX năm nay, với diện tích canh tác 1,2 ha lúa, trồng các loại hoa dọc theo các tuyến bờ đê gồm sao nhái, đậu bắp, cúc và hướng dương.

Bên cạnh đó kết hợp áp dụng chương trình “1 phải 5 giảm” nên hiệu quả tăng lên rõ rệt, năng suất mô hình CNST đạt 7,2 tấn/ha, cao hơn 0,3 tấn/ha so với ngoài mô hình, lợi nhuận gần 18 triệu đồng/ha, trong khi ngoài mô hình chỉ hơn 10 triệu đồng/ha. Không những tiết kiệm được chi phí mà còn hạn chế tiếp xúc với thuốc trừ sâu, bảo vệ sức khỏe. Các vụ lúa tiếp theo gia đình sẽ tiếp tục thực hiện và cùng phát động nông dân trong xóm để chương trình ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ”.

-nh-2-s-nn-ptnt-t-nh-tro-b-ng-khen-do-p-d-ng-t-t-cnst-trong-ng-ru-ng135620384
Sở NN-PTNT An Giang trao Bằng khen cho nông dân áp dụng tốt CNST

Tỉnh An Giang đã triển khai mô hình CNST đã 3 năm, trước đây diện tích còn nhỏ lẻ nhưng giờ đã được nhân rộng. Đây là kỹ thuật mới không chỉ được tỉnh nhân rộng trên lúa mà trên cả rau màu.

Ông Lê Quốc Cường, PGĐ Trung tâm BVTV phía Nam đánh giá: Hiện cả nước có 24 tỉnh thành đang áp dụng mô hình CNST. An Giang là một trong những tỉnh đi đầu triển khai CNST mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế - xã hội, môi trường; đồng thời làm thay đổi nhận thức của người nông dân... 

Qua quá trình thực hiện cho thấy, mỗi vụ hạn chế từ 1 - 2 lần phun thuốc BVTV, giảm chi phí từ 500.000 - 1 triệu đồng/ha. Cá biệt có một số hộ nông dân áp dụng biện pháp “1 phải 5 giảm” không phun thuốc BVTV ở giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của cây lúa. Bên cạnh đó có tổ chức thi đua giữa các tổ chức, cá nhân để khích lệ nông dân ngày một tham gia nhiều hơn. Vì thế, vụ HT tới đây diện tích có thể tăng lên khoảng 3.000 ha.

Thông qua những điểm triển khai, các DN sẵn sàng tham gia liên kết để thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn so với thị trường từ 5 -10%.

Nông dân không còn lo vấn đề đầu ra hạt lúa, mà chỉ tập trung tăng năng suất, tăng lợi nhuận. Để ngày càng mang lại hiệu quả ngoài hỗ trợ nông dân san bằng mặt ruộng bằng tia laser, CNST, thực hiện tốt các biện pháp khuyến cáo thì cần có chính sách hỗ trợ, liên kết hơn nữa từ nhiều phía.

Có thể nói, nhiều năm qua Cty Tân Thành (Cần Thơ) đã đồng hành với chương trình CNST tại An Giang như tài trợ các mô hình trình diễn CNSH sử dụng thuốc sinh học.

Bà Trần Thị Bích Trân, Trưởng phòng Kỹ thuật, Cty Tân Thành cho biết: "Nhiều mô hình CNST sử dụng thuốc sinh học của Cty được nông dân đánh giá cao vì mang lại hiệu quả vượt bậc. Vụ lúa HT và TĐ tới đây, Cty tiếp tục mở rộng các điểm trình diễn, sẽ tài trợ 100% thuốc sinh học cho bà con khi tham gia mô hình, mỗi điểm từ 0,5 - 1 ha. Bên cạnh đó Cty kết hợp với Trạm BVTV các huyện chuyển giao kỹ thuật sử dụng thuốc sinh học một cách hiệu quả để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng".

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.