| Hotline: 0983.970.780

Canh tác lúa an toàn theo hướng hữu cơ sinh học

Thứ Sáu 31/05/2019 , 07:10 (GMT+7)

Phương pháp làm lúa sinh học được áp dụng nhất quán trong từng khâu canh tác, cũng như chăm sóc ở từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

Áp dụng đồng bộ các biện pháp từ làm đất, chăm sóc, quản lý dịch hại theo hướng sinh học, hữu cơ; Xung quanh bờ ruộng trồng hoa để thu hút thiên địch; Kết hợp với nuôi vịt trong ruộng lúa; Không phun thuốc bảo vệ thực vật 40 ngày sau khi gieo sạ; Chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên,… là những kỹ thuật canh tác lúa an toàn theo hướng hữu cơ sinh học được người nông dân quan tâm thực hiện.

05-49-28_1_v_2_nu_4

Luôn trăn trở về một nền nông nghiệp thân thiện môi trường, anh Lê Văn Mười Ba, ngụ tại ấp 6A, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp đã tự mày mò để hiện thực hóa giấc mơ về những sản phẩm gạo sạch tự nhiên, an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng Việt.

Áp dụng quy trình sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ sinh học, anh cho biết: “Xuất phát từ chính thực tế của việc lạm dụng thuốc hóa học quá nhiều trong canh tác nông nghiệp, và muốn tìm một hướng đi mới nhằm giảm thiểu tối đa việc lạm dụng hóa học này trên đồng ruộng, mình tự mày mò cách làm lúa an toàn sinh học. Lúc đầu cũng không được suôn sẻ. Nhưng dần dần, theo thời gian tích lũy, cũng cho mình kết quả tốt. Hiện tại, mình làm rất đạt. Và canh tác theo hướng hữu cơ thì năng suất không cao. Nhưng đạt ở chỗ là cho ra một giá trị hạt gạo tốt, an toàn về sức khỏe”.

Hiện nay, ngoài 10 ha tại Đồng Tháp, anh Mười Ba còn cùng với bà con nông dân triển khai sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sinh học trên diện tích 35 ha tại xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, Long An.

Phương pháp làm lúa sinh học được áp dụng nhất quán trong từng khâu canh tác, cũng như chăm sóc ở từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Cụ thể, khi bắt đầu vào sản xuất, ở từng khâu, từng giai đoạn canh tác lúa đều được thực hiện rất chu đáo, tỉ mỉ. Đầu tiên là giống. Các giống lúa thơm, dẻo, chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng, và khả năng chống chịu sâu bệnh hại, các điều kiện bất lợi, cùng hàm lượng các chất dinh dưỡng cao, chất chống lão hoá và tăng cường sức khoẻ cho người sử dụng được đưa vào sản xuất. Đồng thời, bà con chỉ sử dụng các giống lúa thuần, không sử dụng giống lai hay biến đổi gene.

Quá trình canh tác, các biện pháp canh tác từ làm đất, chăm sóc, quản lý dịch hại được áp dụng đồng bộ theo hướng sinh học, hữu cơ. Đó là, xung quanh bờ ruộng trồng hoa để thu hút thiên địch giúp phòng trừ sâu rầy gây hại cho cây lúa; Kết hợp với nuôi vịt trong ruộng lúa để vịt ăn bớt sâu rầy, ốc gây hại; Tuyệt đối không phun thuốc bảo vệ thực vật 40 ngày sau khi gieo sạ. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và ưu tiên tối đa các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên.

Theo anh Mười Ba và bà con, với phần đông nông dân, trồng lúa sạch theo hướng sinh học là đồng nghĩa với năng suất thấp, nhưng bằng việc thực hiện đúng quy trình canh tác lúa thông minh mà các nhà khoa học khuyến cáo, ruộng lúa sản xuất hướng hữu cơ sinh học không chỉ đạt chất lượng an toàn, mà năng suất còn được cải thiện.

Cụ thể, ngay từ khâu chuẩn bị hạt giống, đến gieo sạ, bà con thực hiện theo đúng quy trình, khuyến cáo:

- Làm sạch hạt lúa trước khi ngâm ủ bằng cách ngâm hạt trong nước muối 15% để loại bỏ hạt lép lửng và lẫn tạp.

- Sau đó, cho vào bao ngâm trong nước sạch 24 - 30 giờ.

- Rửa bằng nước sạch, để ráo nước, ủ trong 24 – 36 giờ tùy giống đảm bảo hạt vừa nhú mầm.

Khi gieo sạ, chọn cách:

- Gieo hàng bằng công cụ gieo hàng kéo tay, sạ thưa bằng tay hoặc bằng máy phun hạt giống, với lượng giống gieo là 50 - 60 kg/ha.

Bón phân, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ sinh học, kết hợp bón cân đối phân NPK chuyên dùng theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Đặc biệt, tại những vùng đất phèn như tại xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, bón lót bằng phân bón chuyên dùng Đầu Trâu Mặn Phèn được bà con áp dụng đã giúp ruộng lúa tránh được ngộ độc phèn, đảm bảo năng suất và an toàn cho hạt gạo.

Với quy trình canh tác này, mô hình trồng lúa theo hướng hữu cơ sinh học của anh Mười Ba và bà con đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Và sản phẩm gạo sản xuất cũng đã đạt giải Vàng hội thi “Lúa sạch, gạo thơm, cơm ngon” 2018 – một trong những giải thưởng uy tín của Lễ hội lúa gạo ĐBSCL. Hiện, mô hình còn tạo được chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, giúp nâng cao giá trị hạt gạo trên thị trường.

Theo PGS.TS. Mai Thành Phụng - thành viên Hội đồng KHKT Công ty CP Phân bón Bình Điền, hiện nay, tiềm năng của gạo sạch, an toàn, có chất lượng kiểm định là rất cao. Và trong tương lai gần, tiêu chuẩn này sẽ là yếu tố bắt buộc, nếu không tuân thủ chắc chắn sản phẩm sẽ bị thị trường từ chối. Vì vậy, để nền nông nghiệp phát triển bền vững, các nhà khoa học khuyến cáo, người nông dân nên bắt đầu tìm hiểu và áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ sinh học, 1 phải 5 giảm, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.

Ngoài ra, PGS.TS. Mai Thành Phụng cũng nhấn mạnh, hiện nay, các nhà khoa học không khuyến cáo làm lúa hữu cơ. Vì làm lúa hữu cơ đòi hỏi tiêu chí đất hữu cơ, tức là, đất phải đủ tiêu chuẩn, nước phải đủ tiêu chuẩn, vùng trồng phải đủ tiêu chuẩn. Trong khi, hiện chúng ta có diện tích khiêm tốn, toàn quốc chỉ khoảng 70.000 ha để làm hữu cơ. Trong đó 50.000 ha là nước - vùng nước để nuôi cá, nuôi thủy sản. Còn 20.000 ha là canh tác hữu cơ như cây dược liệu, những vùng rừng núi không có tác động của con người.

"Riêng, những vùng có tác động hóa học rồi thì phải có quy trình chuyển từ hóa học trở lại hữu cơ, đó là cách ly hóa học 3 năm. Do đó, chúng tôi chỉ khuyến cáo canh tác theo hướng hữu cơ, nghĩa là giảm bớt hóa học từ từ và vẫn sử dụng nhưng hạn chế đi và tăng dần tỷ trọng hữu cơ sinh học lên thì đó là hướng đúng”, PGS.TS Mai Thành Phụng nhấn mạnh.

Riêng quy trình canh tác lúa an toàn theo hướng hữu cơ sinh học, PGS.TS. Mai Thành Phụng khuyến cáo: “Canh tác lúa sạch có hai vấn đề chính. Đó là, hạn chế bón dư phân đạm vào cuối vụ và là điểm mấu chốt, thành ra kỹ thuật bón phân đón đòng là theo kỹ thuật “Không ngày không số”.

Và từ lúc đó trở đi là hạn chế bón phân, không sử dụng những chất kích thích sinh trưởng có chứa đạm, không sử dụng phân bón gốc có chứa đạm. Cần thiết lắm mới bón đạm vào lúc cong trái me với một lượng rất ít. Nếu cắt luôn được càng tốt.

Như vậy, dư lượng nitrat chắc chắn là không có.

Ngoài ra, trong vấn đề bón phân, bà con cần lưu ý, bón phân cân đối hợp lý theo yêu cầu xử lý cây trồng, sử dụng hóa chất theo hướng hữu cơ sinh học, không sử dụng chất cấm. Một quy trình canh tác, bà con có thể nhờ các chuyên gia tư vấn cho để áp dụng toàn bộ tiến bộ kỹ thuật mới.

Ví dụ, có thể kết hợp giữa phân hữu cơ với phân chuyên dùng cho lúa như Đầu Trâu TEA1 và Đầu Trâu TEA2 hoặc với các loại Đầu Trâu DAP-Avail, hay phân đạm hạt vàng Đầu Trâu 46A+...

Việc kết hợp này chắc chắn là sử dụng ít nhưng hiệu quả cao và không có phạm vào dư lượng nitrat trong sản phẩm của bà con”.

Nội dung “Canh tác lúa an toàn theo hướng hữu cơ sinh học” sẽ có trong chương trình CANH TÁC THÔNG MINH, phát sóng 17h15-17h35, chủ nhật, ngày 2/6/2019 trên VTV9. Mời quý độc giả đón xem.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất