| Hotline: 0983.970.780

Canh tác trên đất nhiễm phèn nhưng lúa TBR97 vẫn cho năng suất cao

Thứ Sáu 30/04/2021 , 08:50 (GMT+7)

Canh tác trên chân đất nhiễm phèn, mặn nhưng lúa TBR97 vẫn thích ứng và sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao nên rất được nhiều bà con nông dân lựa chọn sản xuất.

Dù canh tác trên chân đất xấu, nhiễm phèn, mặn nhưng lúa TBR97 vẫn sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Ảnh: L.K.

Dù canh tác trên chân đất xấu, nhiễm phèn, mặn nhưng lúa TBR97 vẫn sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Ảnh: L.K.

Vụ đông xuân 2020 – 2021, Cty CP Tập đoàn Thaibinh  Seed – Chi nhánh miền Trung  - Tây Nguyên phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nông Sơn tổ chức thực hiện mô hình trình diễn giống lúa TBR97 tại xã Quế Lộc (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Mô hình với sự tham gia của 16 hộ dân trên diện tích 1,5ha nhằm mục đích đánh giá sự thích ứng, năng suất, chất lượng của giống lúa TBR97 tại địa phương này. Được biết, đây là vụ thứ 2 giống lúa TBR97 có mặt trên đồng đất ở huyện Nông Sơn. Trong vụ sản xuất trước (đông xuân 2019 – 2020), giống lúa này đã thể hiện được nhiều ưu điểm, cho năng suất vượt trội, được bà con nông dân canh tác đánh giá cao.

Vừa qua, Cty CP Tập đoàn Thaibinh  Seed – Chi nhánh Miền Trung  - Tây Nguyên cùng với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn đã tổ chức buổi hội thảo, thăm đồng để đánh giá kết quả đạt được từ mô hình. Tại đây, hầu hết bà con tham gia đều ngỡ ngàng trước những gì mà lúa TBR97 thể hiện từ khả năng sinh trưởng, chống đỗ ngã, sâu bệnh cho đến năng suất và chất lượng gạo.

Nông dân Nguyễn Minh Trung (trú thôn Tân Phong, xã Quế Lộc) cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình ông tiếp cận và sử dụng giống lúa TBR97 để canh tác. Mặc dù chân đất ở đây so với các vùng khác xấu hơn khi bị nhiễm phèn, mặn nhưng năng suất rất đạt.

Người dân huyện Nông Sơn (Quảng Nam) rất hài lòng về những ưu điểm mà giống lúa TBR97 đã thể hiện trên đồng đất địa phương. Ảnh: L.K.

Người dân huyện Nông Sơn (Quảng Nam) rất hài lòng về những ưu điểm mà giống lúa TBR97 đã thể hiện trên đồng đất địa phương. Ảnh: L.K.

“Nếu như trước đây với các giống lúa khác bà con trồng trên vùng đất này chỉ đạt từ 60 – 65 tạ/ha thì vụ này giống TBR97 cho năng suất lên đến 80 tạ/ha. Riêng gia đình tôi làm đạt nhất là 90 tạ/ha. Ngoài ra, giống lúa này đẻ nhánh rất khỏe, lại thấy ít nhiễm sâu bệnh. Lúa trổ đều, bông lúa có tỷ hạt lép rất thấp”, ông Trung nói.

Việc giống lúa TBR97 cho năng suất cao, thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở huyện Nông Sơn không chỉ được bà con tham gia mô hình thừa nhận mà các hộ dân khác trong huyện từng canh tác cũng cùng chung nhận xét. Chị Nguyễn Thị Lộc (trú xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn) chia sẻ, vụ đông xuân 2019 -  2020, gia đình chị cũng lần đầu tiên sản xuất giống lúa TBR97 và đạt năng suất cao hơn so với các giống khác.

Chính vì vậy, vụ đông xuân năm nay, chị Lộc tiếp tục tin tưởng và xuống giống lúa này trên đồng ruộng nhà mình. “Vừa rồi tôi thu hoạch thấy lúa trúng lắm. Đám ruộng nhà tôi không rõ chính xác diện tích bao nhiêu nhưng khi trồng các giống khác thì mùa cao nhất cũng chỉ được 20 bao nhưng giống TBR97 lại thu được đến 26 bao.

Về chất lượng thì giống lúa này cho hạt gạo trắng, trong, cơm mềm có mùi thơm. Thấy thế nên tôi cũng khuyến khích mọi người nên mạnh dạn chọn lúa TBR97 để sản xuất. Tôi cũng mong muốn Cty đầu tư giống về cho bà con để họ làm có năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế”, chị Lộc kiến nghị.

Theo ông Trần Văn Lưu, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn, giống lúa TBR97 còn có ưu điểm là cây thấp, cứng cây, hầu như không có diện tích nào đổ ngã. Ngoài ra, giống còn đẻ nhánh khỏe nên chỉ cần sạ thưa, giúp bà con tiết kiệm được giống.

“Thổ nhưỡng ở địa điểm thực hiện mô hình là ruộng xấu, bà con thâm canh ở mức độ bình thường nhưng mà rất đạt năng suất. Trong khi đó, giống TBR97 là giống ưa thâm canh, nếu bà con mạnh dạn đầu tư thì sẽ còn cho năng suất cao hơn nữa.

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với Cty để thực hiện tiếp 1 mô hình trình diễn nữa ở chân ruộng đất trũng thấp để xem khả năng thích nghi của giống trên từng chân đất. Nếu chủ trương của tỉnh cơ cấu giống lúa này vào bộ giống thì chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con sản xuất giống lúa này nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gạo để ổn định sản xuất”, ông Lưu nói.

Ông Phạm Hữu Huế, Phó Giám đốc Cty CP Tập đoàn Thaibinh  Seed – Chi nhánh Miền Trung  - Tây Nguyên cho biết, giống lúa TBR97 đã trình diễn qua 3 vụ ở tỉnh Quảng Nam. Trong vụ đông xuân 2020 – 2021, giống này được trình diễn tại 4 huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Nông Sơn.

“Ở các địa phương khác, giống lúa TBR97 đều phát huy những ưu điểm như chống chịu đỗ ngã, sạch sâu bệnh và đạt năng suất, được người dân đánh giá cao. Tại huyện Nông Sơn, chúng tôi rất vui vì giống lúa này cũng đã đem lại sự hài lòng cho bà con. Đến cuối năm nay, khi giống TBR97 được công nhận chính thức và có thể sản xuất đại trà, Cty sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bà con để từ đó tăng hiệu quả kinh tế từ cây lúa”, ông Phạm Hữu Huế.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.