Thiếu "gậy" quản giá thịt lợn
Tại cuộc làm việc giữa Bộ NN-PTNT với đại diện Bộ Công thương, Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) ngày 16/3 về vấn đề liên quan tới tình hình giá thịt lợn và tình hình cung cầu mặt hàng thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công thương) cho biết:
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ liên quan tới vấn đề giá thịt lợn và nguồn cung thịt lợn trên thị trường, thời gian qua, đơn vị này phối hợp với các đơn vị của Bộ NN-PTNT, tiến hành làm việc, kiểm tra tình hình cung ứng cũng như một số vấn đề liên quan tới giá lợn.
Cụ thể: Chi phí sản xuất (giá thành) lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện nay mức cao nhất vào khoảng 44 – 45 nghìn đồng/kg.
Trong khi đó, nếu tính giá lợn hơi xuất chuồng thấp nhất vào khoảng 72-73 nghìn đồng/kg, thì mỗi con lợn hơi xuất chuồng (trọng lượng bình quân 100kg/con), các doanh nghiệp thu lãi tối thiểu bình quân từ 2,7-3 triệu đồng/con. Đây là mức lợi nhuận cao.
Liên quan tới giải pháp nhằm điều chỉnh giá thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng theo các quy định hiện hành, chưa có chế tài để yêu cầu buộc các doanh nghiệp phải hạ giá bán thịt lợn, bởi thịt lợn hiện chưa có mặt trong danh sách các mặt hàng bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá 2012.
Vì vậy thời gian tới, để có cơ chế chủ động điều chỉnh được giá thịt lợn, thì cần thiết phải đưa mặt hàng này vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá 2012.
Ông Tuấn dẫn chứng thời gian qua, giá cả mặt hàng thịt lợn rất thiếu ổn định, lúc thì phải “giải cứu”, lúc lại tăng quá cao. Đây lại là mặt hàng thực phẩm thiết yếu của đời sống, chiếm tới khoảng 60 - 70% trong tiêu dùng thịt của người dân.
Vì vậy rất cần thiết phải có kiến nghị đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá để có chế điều chỉnh giá, ổn định thị trường bền vững...
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cũng ái ngại việc giá thịt lợn tăng cao kéo dài có thể tác động xấu tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong năm 2020.
Bởi hiện tại, giá thịt lợn bán tới tay người tiêu dùng vẫn đang quá cao (thịt ba chỉ tại siêu thị của Công ty C.P hiện trên 200 nghìn đồng/kg, ba chỉ tại chợ lẻ vẫn từ 150-160 nghìn đồng/kg). Đặc biệt, giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng hiện cao gấp 1,7 lần so với giá lợn hơi.
Trước tình hình này, đại diện Vụ Thống kê giá cho rằng: Hiện nay, do mặt hàng thịt lợn không phải là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nên các doanh nghiệp chăn nuôi, cung ứng mặt hàng này không phải chịu các chế tài về biện pháp bình ổn giá như đăng ký giá, các chế tài kiểm tra về yếu tố hình thành giá... cũng như các biện pháp điều tiết giá khác của Nhà nước khi xảy ra tình trạng biến động giá bất thường, ảnh hưởng tới đời sống – xã hội... Việc đưa thịt lợn vào danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong thời gian tới là rất cần thiết.
Tiếp tục khuyến khích nhập khẩu thịt lợn
Theo Cục Thú y, đến thời điểm này, cả nước đã có gần 99% số xã trên cả nước đã qua 30 ngày không có dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), trong đó nhiều tỉnh đã tái đàn, tăng đàn thuận lợi và có tổng đàn xấp xỉ so với trước khi xảy ra DTLCP.
Một số địa phương có tiến độ tái đàn, tăng đàn tốt tại phía Bắc (điển hình như Bắc Giang, Phú Thọ...) ngoài việc cung ứng cho nhu cầu thịt lợn trong tỉnh, đã có lượng lợn hơi đáng kể để xuất bán sang các tỉnh khác...
Cục Thú y dự báo với tình hình DTLCP được kiểm soát tốt như hiện nay, khoảng từ 1-2 tuần tới, cả nước sẽ có 100% số xã hết dịch.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, các địa phương sắp hết dịch, cần sớm công bố để người dân có điều kiện và cơ chế tăng đàn, tái đàn lợn trên cơ sở đảm bảo các điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lí Thị trường siết chặt việc kiểm tra, xử lí (nếu có) đối với tình trạng thẩm lậu thịt lợn qua biên giới Trung Quốc trong bối cảnh nguồn cung trong nước đang thiếu hụt.
Về giải pháp ổn định thị trường thịt lợn trong năm 2020, tại cuộc họp, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT cũng như các bộ ngành liên quan cùng thống nhất cho rằng, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tiếp tục tăng đàn lợn nhằm chủ động nguồn cung trong nước.
Tuy nhiên để giải quyết nguồn cung thịt lợn thiếu hụt cục bộ trong giai đoạn đầu năm 2020, trước mắt, cần tiếp tục đẩy mạnh việc nhập nhẩu thịt lợn...
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, thời gian qua, mặc dù lượng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn nhập khẩu về Việt Nam đã tăng mạnh, tuy nhiên lượng thịt xẻ đông lạnh nhập khẩu về vẫn không lớn, mà chủ yếu là các sản phẩm phụ từ giết mổ như chân, thịt vụn... phục vụ chế biến là chính. Thói quen tiêu dùng thịt nóng của Việt Nam chính là rào cản khiến việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh khó khăn trong việc tiếp cận thị trường nước ta.
“Trước đây khi giá lợn xuống thấp, phải giải cứu, cũng đã có giải pháp bàn phương án tích trữ cấp đông thịt lợn. Tuy nhiên các doanh nghiệp không mặn mà do cấp đông rất nhiều rủi ro, bởi thị hiếu tiêu dùng nước ta rất khó tiêu thụ thịt đông lạnh” – ông Trọng dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y khẳng định Cục luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục kiểm dịch cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn.
Cũng liên quan tới việc nhập khẩu thịt lợn, ngày 11/3 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình nguồn cung và kiểm soát giá thịt lợn, trong đó cho biết: Từ tháng 1/2020, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thú y làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Lào và Campuchia để xúc tiến các thủ tục nhập khẩu lợn sống từ các nước này theo nguyên tắc bảo đảm tuân thủ các quy định và không có nguy cơ về dịch bệnh...
Theo Luật Giá năm 2012 của Quốc hội, Chính phủ quyết định chủ trương và biện pháp bình ổn giá khi hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá (gọi tắt là Danh mục) phải thực hiện các biện pháp bình ổn giá khi có biến động bất thường; khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội...
Hàng hóa thuộc Danh mục phải thực hiện đăng ký giá; kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có; định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp..
Ngoài ra, Nhà nước có thể lập và sử dụng quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng cần bình ổn giá thuộc Danh mục nhằm mục tiêu hỗ trợ cho bình ổn giá...
Bên cạnh đó, có biện pháp điều hòa cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; hàng hóa giữa các vùng, các địa phương trong nước thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa; mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, hàng dự trữ lưu thông...
Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh Danh mục, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.