Tỉnh Cao Bằng có 53.510 ha đất nương rẫy, chiếm trên 60% tổng diện tích đất nông nghiệp. Nhiều địa phương vẫn trồng cây lúa, ngô, sắn là chính. Sản xuất mang tính tự cung, tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát triển thành hàng hóa. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng chậm và chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Sở NN-PTNT Cao Bằng tham mưu UBND tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của từng địa phương; chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến nhân dân.
Phối hợp với chính quyền các địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch một số cây trồng chính; tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, diện tích không chủ động nước tưới sang trồng các cây trồng cạn cho giá trị kinh tế cao như: ngô, thuốc lá, lạc, mía, chanh leo, thạch đen, trúc sào…
Tập trung chỉ đạo nông dân sản xuất lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Duy trì diện tích đất trồng lúa 30.000 ha/năm; tăng diện tích sử dụng giống lúa thuần, giống lúa có năng suất, chất lượng cao; áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến để tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế.
Đặc biệt, một số địa phương đã đưa vào sản xuất các giống lúa thuần (Khang dân, Tam nông, Bắc thơm, Hương thơm); giống lúa lai (Nhị ưu, Đắc ưu, LS, GS) vào sản xuất; năng suất lúa bình quân đạt 44,78 tạ/ha.
Để phát triển 1.000 ha giống lúa đặc sản, đặc hữu, lúa thuần chất lượng cao, ngành nông nghiệp Cao Bằng hỗ trợ xây dựng vùng lúa chất lượng cao (giống ĐS1, J01, TC26), vùng lúa nếp đặc sản (nếp Pì Pất, nếp Ong, nếp Hương...) tại một số huyện, thành phố.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng khá; cơ cấu cây trồng các địa phương từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều địa phương đã ổn định tập quán sản xuất 3 vụ/năm, sản xuất vụ đông được chú trọng phát triển. Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt đạt từ 45 - 60 triệu đồng/năm. Đến nay, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 282,9/274 nghìn tấn.
Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng cho biết: Để tái cơ cấu trồng trọt theo hướng bền vững, các cấp, ngành, địa phương cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển từng loại cây trồng phù hợp với quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh Cao Bằng.
Mở rộng các hình thức đào tạo nghề cho nông dân, gắn với tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đảm bảo việc làm cho người lao động sau học nghề. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa.