Cao Bằng là địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp, nông thôn đa dạng, phong phú, nhiều sản phẩm là đặc sản mang đậm bản sắc vùng miền. Tuy nhiên, những năm trước đây, việc tiêu thụ các sản phẩm còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân do đa số các sản phẩm được sản xuất theo dạng hộ gia đình hoặc nhóm hộ nhỏ lẻ, tự phát.
Hiểu biết về thị trường còn hạn chế, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất còn thô sơ; mẫu mã các sản phẩm còn đơn giản, chưa được thương mại hóa, không có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận đủ tiêu chuẩn, bảo hộ nhãn hiệu nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Các hợp tác xã (HTX) chưa tạo được liên kết sản xuất, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún.
Giống lúa nếp Hương huyện Bảo Lạc được trồng nhiều tại các xã Xuân Trường, Phan Thanh, Khánh Xuân với diện tích hơn 100 ha. Năng suất trung bình đạt từ 4,5 - 5 tấn/ha, với giá bán thóc khoảng 20 nghìn đồng/kg, mỗi ha đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng, gấp đôi giá trị gạo tẻ.
Nguồn giống nếp hương chủ yếu do người dân tự giữ từ năm nay dùng sang cho năm sau. Trước đây, nhà ai cũng trồng giống nếp này nhưng chủ yếu chỉ để dùng trong gia đình vào những dịp lễ, tết hoặc làm quà biếu cho khách quý. Giống nếp này hạt to và tròn, trăm hạt đều tăm tắp như nhau và có mùi thơm rất lạ.
Đến khi xát thành gạo, mùi thơm quyến rũ vẫn đọng lại trong từng hạt gạo trắng ngần. Xôi nấu bằng thứ gạo quý hiếm này để đến 2 - 3 ngày vẫn dẻo, thơm. Đặc biệt, xôi nấu bằng nếp hương thì khách đi thoáng qua đã ngửi thấy mùi thơm rất đặc trưng.
Năm 2020, gạo nếp Hương Bảo Lạc được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể đã nâng cao uy tín, hình ảnh của gạo nếp Hương Bảo Lạc đối với thị trường.
Đặc biệt, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được triển khai thực hiện đã hỗ trợ cải thiện chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, xúc tiến thương mại, nhờ vậy, sản phẩm ngày càng nâng cao chất lượng, được nhiều khách hàng tại các tỉnh, thành trong cả nước biết đến.
Gia đình 4 đời làm nghề rèn, từ năm 15 tuổi, ông Nông Minh Tuấn, Giám đốc HTX Minh Tuấn, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa đã thành thạo rèn dao và các sản phẩm nông cụ khác. Sau hơn chục năm làm nghề, ông quyết định thành lập HTX Minh Tuấn, tập hợp các thợ rèn giỏi để nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa thương hiệu rèn Phúc Sen vươn xa.
Ông Tuấn chia sẻ: Tham gia Chương trình OCOP, quá trình sản xuất tại HTX được quản lý chặt chẽ, đảm bảo chất lượng. Năm 2020, sản phẩm dao của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, được khách hàng tin dùng, đánh giá cao và đã có mặt trên kệ của nhiều siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại thị trường ngoài tỉnh như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, khách hàng biết đến sản phẩm của HTX nhiều hơn, sức tiêu thụ cao hơn trước. Thời gian tới, HTX dự định đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị để mở rộng sản xuất, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Nhiều sản phẩm khác của tỉnh Cao Bằng được nâng cao giá trị từ Chương trình OCOP, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm được quan tâm về mẫu mã, bao bì, kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sản xuất nên chất lượng sản phẩm nâng cao. Hiện toàn tỉnh Cao Bằng có gần 200 sản phẩm có lợi thế thuộc 6 nhóm sản phẩm, gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; đồ lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Qua đánh giá phân hạng, năm 2020 có 24 sản phẩm của 21 chủ thể sản xuất đạt tiêu chuẩn sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Năm 2021, toàn tỉnh 1 sản phẩm OCOP 3 sao đăng ký nâng hạng lên 4 sao; 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm 3 sao cấp tỉnh.
Tổng nguồn vốn được giao thực hiện Chương trình OCOP năm 2021 là gần 1,4 tỷ đồng. Các nguồn vốn được tập trung hỗ trợ để hình thành các sản phẩm OCOP như: phát triển vùng nguyên liệu, tư vấn xây dựng liên kết sản xuất, hỗ trợ nhãn mác, bao bì sản phẩm...
Các sản phẩm OCOP đều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Một số doanh nghiệp, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh đặt hàng, ưu tiên các sản phẩm OCOP đưa vào hệ thống phân phối, được tiêu thụ ổn định.
Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, từng bước tiếp cận thị trường xuất khẩu, điển hình có 2 sản phẩm chè Hồng Trà A1 và Lục Trà A1 được Công ty TNHH Kolia xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Đài Loan, Australia.
Để thúc đẩy hơn nữa, từng bước thúc đẩy cho các sản phẩm OCOP vươn xa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện Chương trình OCOP; tập trung quán triệt, tuyên truyền thay đổi nhận thức của chủ thể sản xuất và người dân trong sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm, thay đổi quy mô và tập quán canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với việc đầu tư phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025, phát huy hiệu quả, thương hiệu các sản phẩm OCOP đã được công nhận.
Ông Nông Thanh Mẫn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết: Chương trình OCOP tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết. Nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý.
Cùng với việc lựa chọn và phát triển sản phẩm mới, tỉnh tập trung nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, hướng đến chất lượng cao, sản xuất và tiêu thụ ổn định, bền vững, không dàn trải, làm theo phong trào.
Chú trọng việc hỗ trợ chủ thể đầu tư chế biến sâu theo chuỗi liên kết và đẩy mạnh công tác quảng bá, khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP trên thị trường. Chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến hết năm 2025, tỉnh có trên 150 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm chủ lực đạt 4 - 5 sao, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP Cao Bằng thành thương hiệu, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa và từng bước hướng tới xuất khẩu…