| Hotline: 0983.970.780

'Vương quốc dược liệu' ở vùng căn cứ cách mạng

Chủ Nhật 07/05/2023 , 18:14 (GMT+7)

KON TUM Huyện Tu Mơ Rông được xem là 'vương quốc dược liệu' của Kon Tum. Bà con người Xơ Đăng nơi đây đã mạnh dạn bán trâu bò để trồng dược liệu, trở thành tỷ phú.

Những tỷ phú dược liệu người Xơ Đăng

Tu Mơ Rông là vùng căn cứ cách mạng, nơi có tỷ lệ người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95%. Những năm qua, người dân bán bò, heo để lấy tiền trồng cây dược liệu, nhờ đó đã thoát nghèo, thậm chí trở thành tỷ phú.

Đến xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông), câu chuyện được chúng tôi nghe người dân bàn tán rôm rả là việc chuẩn bị cây giống dược liệu cho vụ mùa mới. Họ say sưa nói về địa điểm mua giống, cách làm đất để cây không bị bệnh, cũng như kỳ vọng về một cuộc sống sang trang mới.

Người dân huyện Tu Mơ Rông giàu lên nhờ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Đăng Lâm.

Người dân huyện Tu Mơ Rông giàu lên nhờ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Đăng Lâm.

A Khoa (31 tuổi, thôn Tân Ba, xã Tê Xăng) hớn hở cho biết, với gia đình anh, cây dược liệu có vai trò rất lớn. “Trước kia, nhà mình thuộc diện hộ nghèo, quanh năm chỉ trồng mì (sắn), lúa, bời lời, cà phê..., thu nhập không đủ ăn. Rồi xã vận động trồng dược liệu như sơn tra, sâm dây, mình thấy có lý nên nghe theo, trồng luôn 2 sào (sào 1.000m2). Kết quả, mỗi năm thu nhập thêm 50 triệu đồng, nhờ đó gia đình đã thoát nghèo”, A Khoa kể.

Ông Dương Thái Khoa, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tu Mơ Rông cho biết, trên địa bàn, cây dược liệu được xác định là cây “3 trong 1” gồm cây chủ lực, cây giảm nghèo và cây làm giàu. Thực tế, cây dược liệu đã thay đổi bộ mặt đời sống của nông dân tham gia trồng. Đơn cử, giai đoạn 2019 - 2021, huyện có 1.761 hộ thoát nghèo. Trong số đó, có 70% số hộ thoát nghèo nhờ trồng dược liệu.

Cũng từ cây dược liệu mà nhiều người đã trở thành tỷ phú như anh A Ly (thôn Ngọc La, xã Măng Ri) trồng 4.000 gốc sâm Ngọc Linh, 3ha sâm dây. Tổng thu năm 2022 của gia đình A Ly liên quan đến dược liệu ước tính hơn 1 tỷ đồng.

Nói về “bí kíp” làm giàu, A Ly cho biết: “Mình trồng sâm Ngọc Linh từ năm 2014, cây lớn lên thì lấy hạt ươm rồi mở rộng diện tích. Mình cũng làm thuê cho công ty sâm. Tiền công, tiền hỗ trợ sâm mình dồn hết để đầu tư vườn sâm. Những năm tới, cây lớn lên thì hạt sẽ cho nhiều hơn, vườn của mình sẽ được nhân rộng, khi đó thu nhập còn cao hơn nữa”.

Tỷ phú sâm A Ly (bên trái) chia sẻ về cách trồng sâm. Ảnh: Đăng Lâm.

Tỷ phú sâm A Ly (bên trái) chia sẻ về cách trồng sâm. Ảnh: Đăng Lâm.

Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, ông Võ Trung Mạnh cho biết, năm 2022, chỉ tính riêng 3 xã chuyên trồng dược liệu là Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây có 67 hộ được xếp vào diện nông dân tiêu biểu. Những hộ này có thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 10 tỷ đồng. Trong đó, tỷ phú dược liệu có thể phân thành 2 dạng: Lớp tiên phong với những cái tên “vang bóng một thời” như A Sỹ, A Tôn, còn lại là những người người trẻ dám dấn thân, nhanh nhạy với thời cuộc, số lượng tỷ phú thuộc lớp này rất nhiều. Điểm chung là họ biết khai thác giá trị của cây dược liệu, biến loại cây thế mạnh của quê hương trở thành cây làm giàu.

Tại huyện Tu Mơ Rông, 11 xã trên địa bàn đều có thể trồng cây dược liệu. Đến nay, diện tích cây dược liệu đã phát triển được khoảng 2.937ha, trong đó, sâm Ngọc Linh là 1.715ha. Ông Võ Trung Mạnh cho biết, từ tiềm năng, huyện đã biến vùng đất này thành một trong ba vùng trồng dược liệu của tỉnh. Trong đó, huyện có nhiều cái nhất như: Diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất, nhiều tỷ phú người Xơ Đăng nhờ sâm Ngọc Linh nhất, nhiều diện tích dược liệu nhất, nhiều sản phẩm dược liệu được chế biến nhất.

Đưa dược liệu Tu Mơ Rông ra biển lớn

Không chỉ người dân làm giàu nhờ dược liệu, mà Tu Mơ Rông còn "trải thảm đỏ" mời gọi những "cánh chim đầu đàn" là các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào dược liệu. Chính những đơn vị này đã xây dựng được vùng trồng rộng hàng nghìn ha, cũng như tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để xuất khẩu, góp phần đưa thương hiệu dược liệu Tu Mơ Rông vươn xa. Trong sự thành công của doanh nghiệp nói trên, người dân đồng bào Xơ Đăng giữ vai trò trung tâm và được hưởng lợi trực tiếp.

Người dân xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông trồng sâm dưới tán rừng. Ảnh: Đăng Lâm.

Người dân xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông trồng sâm dưới tán rừng. Ảnh: Đăng Lâm.

Tại 3 xã chuyên trồng dược liệu như Măng Ri, Tê Xăng và Ngọc Lây, có khoảng 400 hộ dân tham gia liên kết trồng sâm với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Gia đình A Chen (thôn Chung Tam, xã Măng Ri) có cuộc sống khấm khá từ 8 năm trước khi tham gia liên kết trồng sâm Ngọc Linh.

Trước đó, dù sống tại "thánh địa sâm" nhưng anh A Chen gặp khó trong việc phát triển vườn sâm vì không có cây giống. Đến khi doanh nghiệp mời gọi liên kết, anh đồng ý tham gia. Cú “bắt tay” này đã mang lại lợi ích cho đôi bên.

“Mỗi tháng họ trả 3 triệu đồng tiền công, bao ăn uống, Tết lại được tặng heo. Cuối năm, công ty còn hỗ trợ thêm 100 cây sâm giống trị giá 30 triệu đồng. Nhờ số giống hỗ trợ hằng năm, đến nay, mình đã gây dựng được vườn sâm khoảng 5.000 cây, giá trị khoảng 600 triệu đồng”, A Chen nói.

Theo ông Nguyễn Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri, có khoảng 300 hộ thường xuyên liên kết trồng sâm với công ty sâm, chiếm khoảng 80% hộ dân trên địa bàn. Doanh nghiệp nhận được từ dân kinh nghiệm trồng sâm, còn người dân được hưởng lương từ 3 – 7 triệu đồng/tháng, kèm thêm 100 gốc sâm giống. Nhờ sự hỗ trợ, người dân có nguồn lực để xây dựng vườn sâm. Ngoài ra, việc liên kết giúp người dân ý thức phải giữ rừng mới trồng được sâm.

Lợi thế của dược liệu có nguồn gốc từ Tu Mơ Rông là có thể xuất ngoại, kể cả thị trường khó tính như châu Âu. Ông Hà Văn Phương, Giám đốc HTX Nông sản và Thảo dược Tu Mơ Rông cho biết: “Trong năm 2022, HTX đã bán cho đơn vị liên kết 15,3 tấn gừng, nghệ, chanh rừng, tỏi để chế biến sâu phục vụ xuất khẩu sang châu Âu. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng vùng trồng để tạo ra số lượng sản phẩm nguyên liệu nhiều hơn nhằm phục vụ cho chế biến, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”, ông Phương nói.

Người dân xã Tê Xăng phơi sấy sâm dây trước khi đóng gói xuất bán. Ảnh: Đăng Lâm.

Người dân xã Tê Xăng phơi sấy sâm dây trước khi đóng gói xuất bán. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, ngoài HTX Nông sản và Thảo dược Tu Mơ Rông xuất bán dược liệu phục vụ xuất khẩu, trong năm 2022, Công ty InnovGreen cũng đã xuất khẩu sang Trung Quốc 1,7 tấn tinh dầu Màng Tang. Hiện có một nhà máy chế biến đã được đầu tư, đang hoàn thiện để đưa vào vận hành, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều sản phẩm dược liệu có giá trị, giúp sản phẩm có nguồn gốc từ Tu Mơ Rông sẽ xuất đi khắp các nơi.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cũng đang tính đến việc đưa sản phẩm xuất ngoại. Công ty này hiện đã đưa ra thị trường trong nước hàng loạt sản phẩm như rượu sâm, nước tăng lực, viên nén, trà, tổ yến, dịch chiết, phở sâm, mật ong sâm, đồng thời mở hàng loạt các đại lý phân phối ở nhiều tỉnh thành.

Ông Trần Hoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết: “Sâm Ngọc Linh đã qua giai đoạn bảo tồn, cơ bản đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Bản thân công ty luôn ý thức phải đưa sâm Ngọc Linh vươn ra thế giới. Mục tiêu của Công ty là phải để thế giới biết đến sâm Ngọc Linh của Việt Nam. Chiếc lược sắp tới của Công ty là kiểm soát quy trình gieo trồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hoá để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu”.

Tháng 2/2023, đích thân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã lên thị sát vùng trồng sâm Ngọc Linh ở xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông). Tại đây, Bộ trưởng đã chia sẻ về cây sâm Ngọc Linh cũng như vấn đề phát triển du lịch địa phương.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, những gợi ý của Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong buổi thị sát đã giúp huyện định hướng phát triển dược liệu gắn với du lịch. Đó là phát triển nông nghiệp xanh, du lịch trải nghiệm dược liệu, du lịch khám phá rừng, thiên nhiên, qua đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.