| Hotline: 0983.970.780

Cao thủ nuôi cá tầm trên dãy Hoàng Liên Sơn

Thứ Ba 11/01/2022 , 06:45 (GMT+7)

LÀO CAI Với kỹ thuật đặc biệt, 100% cá tầm cái ở trại của TS Lê Thanh Lựu đều cho trứng, trong khi tỷ lệ này khi nuôi theo cách thông thường chỉ 20 - 30%.

Ở trại cá của TS Lê Thanh Lựu có những con cá nặng 10 - 15kg. Ảnh: Tùng Đinh.

Ở trại cá của TS Lê Thanh Lựu có những con cá nặng 10 - 15kg. Ảnh: Tùng Đinh.

Sau hơn 10 năm hoạt động, hiện nay trại cá tầm của TS Lê Thanh Lựu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NN-PTNT) ở xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn (Lào Cai) cho khoảng 18 tấn cá thịt và đang ấp ủ nhiều dự định sản xuất trứng cá tầm xuất khẩu sang Mỹ và các nước.

Trại cá tầm này nuôi 3 loài là Nga, Siberia và Sterlet với nguồn trứng giống hoàn toàn nhập từ Nga và Hungari. Trong đó cá Nga và Siberia nuôi lấy thịt còn cá Sterlet nuôi lấy trứng.

Nuôi cá cái 100% có trứng

Theo TS Lê Thanh Lựu, cá tầm Sterlet được chọn nuôi lấy trứng vì đặc điểm sinh học của loài này cho trứng sớm, chỉ cần 4 năm là có thể thu hoạch, trong khi đó các loài khác như cá tầm Nga, cá tầm Siberia phải cần đến 8 năm, còn cá tầm Beluga thì phải 13 năm mới cho thu hoạch trứng.

Không chỉ cho trứng sớm, người nuôi cá tầm Sterlet có thể khai thác đều và lâu dài. “Cá tầm Sterlet cho trứng mỗi năm 1 lần, nếu điều kiện tốt có thể 2 năm 3 lần và mỗi con cá có vòng đời lên đến 20 năm”, TS Lê Thanh Lựu cho biết.

Là người có kiến thức đồ sộ và kinh nghiệm hàng chục năm với cá tầm, điều đặc biệt mà TS Lê Thanh Lựu làm được ở đây là 100% cá cái chọn nuôi đều cho trứng. Trong khi đó, nếu nuôi theo các phương pháp thông thường thì tỷ lệ này chỉ vào khoảng 20 – 30%.

TS Lê Thanh Lựu (trái) giới thiệu cách thu hoạch trứng cá tầm. Ảnh: Tùng Đinh.

TS Lê Thanh Lựu (trái) giới thiệu cách thu hoạch trứng cá tầm. Ảnh: Tùng Đinh.

Cũng với nền tảng đó, ông Lựu còn có bí kíp để thu được trứng nhưng cá vẫn sống. “Thông thường người ta mổ cá để lấy trứng nhưng chúng tôi có cách để vuốt được trứng mà cá vẫn sống, chất lượng trứng vẫn tươi, ngon và sạch”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 chia sẻ.

Đối với cá tầm Sterlet sau khi thành thục, chúng sẽ không lớn nữa mà chỉ ra trứng theo chu kỳ hàng năm. Trọng lượng trưởng thành của loài cá này dao động từ 2 - 5kg, cá biệt trong tự nhiên có thể lên đến 7 kg nhưng rất hiếm.

Với cá cái trưởng thành, trứng có thể chiếm từ 15 - 20% trọng lượng cơ thể và giá bán trứng cá tầm Sterlet hiện nay tại trại của TS Lê Thanh Lựu là 800 USD/kg, tính ra tiền Việt vào khoảng 1,8 triệu đồng/lạng.

Theo chia sẻ của ông Lựu, trại của ông từng có đến 5 tấn cá tầm Sterlet toàn bộ đều đã có trứng với dự định thu 150kg trứng/năm, rất buồn trận lũ lụt lớn tháng 8/2018 đã làm mất của ông toàn bộ số cá quý đó. 

Cá giống khỏe, cá thịt ngon

Có kỹ thuật và nguồn trứng giống ở Châu Âu, TS Lê Thanh Lựu tự làm giống cho mình và bà con nuôi cá tầm trong vùng. Ông cho biết, trứng cá được nhập về từ Nga và Hungari sau đó tự ấp, tự ương cá bột cho đến khi đạt chiều dài khoảng 20cm thì nuôi và bán giống.

Cá tầm Sterlet cái ông Lựu nuôi đã đến kỳ cho trứng. Ảnh: Tùng Đinh.

Cá tầm Sterlet cái ông Lựu nuôi đã đến kỳ cho trứng. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện nay, cá giống của trại được bán với giá 1.200 đồng/cm, trong khi giống cá Trung Quốc là 1.000 đồng/cm. Tuy nhiên, ông Lựu khẳng định về chất lượng cá giống của mình không chỉ có tỷ lệ sống đạt xấp xỉ 100% mà còn phát triển tốt.

Từ cá giống, cứ sau 2 tháng người nuôi cần phân loại và tách đàn để đảm bảo độ đồng đều. Thậm chí những con yếu, có khuyết tật trong lúc ấp còn được thả vào bể riêng để tiện cho việc chăm sóc.

Hiện nay, sản lượng cá giống của trại vào khoảng 250.000 - 300.000 con/năm. Tuy nhiên, hạn chế của trại là chưa có điện lưới nên vẫn phải lệ thuộc hoàn toàn tự nhiên, chưa ứng dụng được nhiều công nghệ vào sản xuất.

“Nếu có điện lưới, chúng tôi có thể đầu tư máy lọc, sục, máy làm oxy thì đảm bảo oxy cho cá và tăng mật độ, giúp năng suất nâng gấp đôi. Sản lượng cá giống có thể đạt được 500.000 con/năm còn cá thịt có thể nuôi đến 4 - 5 tấn/100 m2, gấp đôi hiện nay”, TS Lê Thanh Lựu bày tỏ.

Ra đời từ năm 2012, trại cá của TS Lê Thanh Lựu có diện tích nhà xưởng 3.000m2, trong đó gồm 1.000m2 mặt nước là các bể xi măng. Hai giống cá được ông nuôi lấy thịt tại đây là cá tầm Nga và cá tầm Siberia với mật độ trung bình 2,5 tấn/100 m2.

Hai giống này có các đặc tính bổ sung cho nhau, trong khi cá tầm Siberia lớn nhanh và thịt mềm thì cá tầm Nga lớn chậm nhưng cho thịt chắc và trắng hơn. Theo ông Lựu, cá tầm Siberia chỉ cần 18 tháng để có thể đạt trọng lượng 2,5 - 3kg nhưng với cá tầm Nga cần ít nhất là 2 năm.

Trại cá của TS Lê Thanh Lựu hiện nay tập trung vào làm cá giống và cá thịt. Ảnh: Tùng Đinh.

Trại cá của TS Lê Thanh Lựu hiện nay tập trung vào làm cá giống và cá thịt. Ảnh: Tùng Đinh.

Với diện tích hiện có, mỗi năm ông và đồng nghiệp có thể nuôi được 18 tấn cá tầm thịt chất lượng rất cao, bán tại chỗ với giá trung bình 200.000 đồng/kg. Cũng như cá giống, nếu có điện lưới để đưa công nghệ vào sản xuất thì sản lượng cá có thể lên được 20 tấn/năm.

Hiện nay, trại nuôi cá tầm của TS Lựu mới chỉ có máy phát điện nhỏ phục vụ sinh hoạt nên không thể đưa các công nghệ cao vào sản xuất.

“Mùa đông ở đây thường ít nước, kèm theo đó là mật độ oxy trong nước giảm gây khó khăn cho người sản xuất. Nếu có điện lưới, chúng tôi hoàn toàn có thể đầu tư hệ thống máy lọc, sục và thậm chí là sản xuất oxy để bổ sung”, TS Lựu cho biết.

Theo ông, nếu có điện để ứng dụng công nghệ thì sản lượng cá giống, cá thịt và cá trứng của trại có thể tăng mạnh, thậm chí có khả năng gấp đôi hiện nay.

Ngoài ra, ông cùng các đồng nghiệp có thể đầu tư thêm để xây dựng những khu ăn ở, biến trại cá thành mô hình sản xuất để lan tỏa, hướng dẫn cho nhiều người cùng học theo.

Tuy nhiên, để người khác có thể tiếp cận với kỹ thuật của mình, TS Lê Thanh Lựu cũng có những điều kiện nhất định: “Điều kiện hợp tác của tôi là phải có cơ sở nuôi đảm bảo an toàn sinh học, chưa có tôi có thể hỗ trợ thiết kế với lượng vật tư không đáng kể. Ngoài ra, cần có hợp đồng rõ ràng để ràng buộc về độ tương đồng trong giống, thức ăn, cách chăm sóc để chúng tôi bao tiêu sản phẩm”.

Những con cá tầm giống Châu Âu nuôi ở đây được đánh giá cao về chất lượng thịt. Ảnh: Tùng Đinh.

Những con cá tầm giống Châu Âu nuôi ở đây được đánh giá cao về chất lượng thịt. Ảnh: Tùng Đinh.

Lưu ý khi nuôi cá tầm

Theo TS Lê Thanh Lựu, các địa phương ở Tây Bắc của Việt Nam có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho nuôi cá tầm vì loài này nếu nước dưới 12 độ C sẽ kém ăn.

Với nguồn nước lạnh tự nhiên, chỉ cần đầu tư vào hạ tầng đảm bảo an toàn sinh học và sử dụng nguồn giống tốt thì đảm bảo sẽ thu được lợi nhuận tốt từ cá tầm.

“Cá tầm cần nguồn nước sạch nên khi nuôi cần chú ý về mật độ và nguồn nước. Nước suối tự nhiên trước khi cho vào bể nuôi cần qua hệ thống lắng, lọc để loại bỏ tạp chất. Nước thải cũng cần có hệ thống lắng, lọc để loại bỏ chất thải trước khi xả ra môi trường”, TS Lê Thanh Lựu tư vấn.

Theo ông, nếu nhiều hộ cùng nuôi mà không đảm bảo chất lượng nước thải ra thì nhà sau sẽ bị ảnh hưởng của nhà trước. “Nước bẩn khiến hàm lượng Nitrat nhiều, khiến cá chết nên cần phải xử lý nước và qua hệ thống lọc có vi khuẩn sử dụng Nitrat để giảm hàm lượng này”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 cho biết thêm.

Hiện nay, cá tầm chưa có loại bệnh nào nguy hiểm, tuy nhiên nếu chất lượng nước kém có thể gây nấm. Nếu bị nấm, cần tắm cho cá bằng nước pha các chế phẩm chuyên dụng.

Ngoài ra, địa hình những nơi chọn nuôi cá thường cạnh suối, gần núi nên có khả năng xảy ra lũ cao hơn bình thường, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, do đó người nuôi cá cần lưu ý để phòng tránh nguy cơ từ thiên tai.

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.