| Hotline: 0983.970.780

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông: Băn khoăn về hiệu quả của PPP

Thứ Năm 11/06/2020 , 18:46 (GMT+7)

Đa số các đại biểu Quốc hội đều đặt câu hỏi liệu 5 dự án PPP còn lại của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông có thể bị điều chỉnh tiếp hay không?

Ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể trình bày trước Quốc hội phương án điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét chuyển đổi sang đầu tư công đối với 3 dự án thành phần, gồm Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây. Trong khi đó, 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP.

Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 11/6 về vấn đề này, mặc dù đồng tình với chủ phương của Chính phủ nhưng các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tiến độ, huy động vốn hay khả năng thu hồi vốn với tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông trước khi nhận được giải trình từ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Các đại biểu đặt vấn đề liên quan tiến độ, huy động vốn hay khả năng thu hồi vốn với tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông. Ảnh mang tính chất minh họa.

Các đại biểu đặt vấn đề liên quan tiến độ, huy động vốn hay khả năng thu hồi vốn với tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông. Ảnh mang tính chất minh họa.

5 dự án PPP có khả thi?

Đại biểu Đinh Văn Nhã (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) nêu ý kiến, 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP còn lại của cao tốc Bắc Nam phía đông chủ yếu là các nhà đầu tư xây dựng chuyện nghiệp, có chuyên môn, thi công giỏi nhưng có hạn chế về khả năng tài chính, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào ngân hàng.

"Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy vốn tín dụng dài hạn cho các dự án công tư thời gian tới cũng không dễ như 5-10 năm trước, khả năng huy động không nhiều.

Vì vậy nhiều khả năng Chính phủ lại phải trình Quốc hội điều chỉnh một vài dự án trong 5 dự án PPP còn lại sang 100% vốn Nhà nước trong các kỳ họp tới", ông Nhã nêu giả thiết.

Đại biểu đoàn Phú Yên cho rằng, nếu điều này trở thành sự thực thì có lẽ cao tốc Bắc Nam phía Đông phải đến 2025 mới có thể hoàn thành, thậm chí là sau 2025. Điều đó đặt ra câu hỏi về việc đánh giá và lựa chọn phương án đầu tư của Quốc hội.

Vì vậy, ông Đinh Văn Nhã đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh cả 2 giai đoạn của cao tốc Bắc Nam phía Đông từ hình thức PPP là chính sang đầu tư công là chủ yếu, tư nhân chỉ tham gia vào một số đoạn với cam kết chấp nhận rủi ro, lời ăn lỗ chịu theo cơ chế thị trường.

Theo bà Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) việc thay đổi hình thức đầu tư 3/8 dự án của tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông gây ảnh hưởng đến nhiều vấn đề như ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư.

Điều này cũng ảnh hưởng đến tính chủ động của ngân sách Nhà nước, lãng phí cơ hội, thời gian, chi phí và sức lực của con người, ít nhiều tác động đến dư luận xã hội và tạo tiền lệ về sau.

Nữ đại biểu cho biết, tờ trình của Chính phủ nói cần 7.350 tỷ đồng trong năm 2020 để triển khai thi công, lấy từ các dự án giải ngân chậm, tuy nhiên cần cân nhắc thận trọng thế nào là giải ngân chậm, vì có nhiều nguyên nhân khách quan trong thời gian vừa qua, ví dụ như nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Covid-19.

Liên quan đến phương án thu hồi vốn nhà nước, tờ trình của Chính phủ chưa có phương án cụ thể. Đại biểu Mai cho rằng, Chính phủ cần làm rõ 3 điểm, đầu tiên là trách nhiệm thu hồi vốn, thứ hai là lộ trình thực hiện và cuối cùng đưa hoàn toàn số vốn thu được về ngân sách nhà nước.

Với 5/8 dự án còn lại, bà Mai đặt câu hỏi, liệu trong tương lai liệu có phải điều chỉnh từ PPP sang đầu tư công thêm lần nữa hay không? Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần quy định rõ hình thức đầu tư cho 5/8 dự án còn lại và tiến độ và lộ trình thực hiện của các dự án này.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) thì cho rằng, việc chuyển 3 dự án sang đầu tư công, cần bổ sung hơn 23.000 tỷ đồng sẽ phần nào gây khó khăn cho Chính phủ trong vấn đề đảm bảo nguồn vốn.

Ông Trí cho rằng, Bộ GT-VT cần rút kinh nghiệm trong việc trình dự án, cần xem xét thấu đáo vì các khó khăn, hạn chế nêu trong tờ trình điều chỉnh hình thức đầu tư của 3 dự án nói trên rất hợp lý nhưng tại sao lại không đưa ra được ngay từ thời điểm bắt đầu dự án mà thông qua rồi lại phải điều chỉnh.

Đại biểu này cũng nói cần xây dựng các phương án, biện pháp minh bạch nhằm thu hồi vốn, nhất là vốn Nhà nước để cao tốc Bắc Nam phía Đông phát huy được hiệu quả về kinh tế, xã hội và tái đầu tư vào các dự án khác.

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ và sớm hoàn thiện để sớm có đường cao tốc Bắc Nam.

"Tôi đề nghị Chính phủ phải có nghiên cứu để thực hiện dự án cho đồng bộ. Trước đây có 8 đoạn đầu tư PPP, 3 đoạn sử dụng vốn Nhà nước, bây giờ chỉ còn 5 đoạn đầu tư PPP và 6 đoạn sử dụng vốn nhà nước.

Nhưng điều lạ ở đây là, tờ trình của Chính phủ về thực hiện 8 đoạn theo PPP cũng hợp lý mà tờ trình điều chỉnh 3 đoạn trong đó sang đầu tư công cũng rất thuyết phục. Như vậy, vấn đề ở đây là khi làm báo về chủ trương đầu tư và tính khả thi của dự án thì độ chính xác được đến mức độ nào? Đây là điều chúng ta cần rút kinh nghiệm", ông Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.

Đại biểu này cũng nêu giả thiết 5 dự án còn lại đầu tư theo hình thức PPP không khả thi, phải chuyển sang đầu tư công thì phải có giải pháp như thế nào, để sớm có được con đường cao tốc từ Bắc và Nam.

Ngoài ra, ông Hạ cho rằng, cần rà soát lại hệ thống chính sách đối với hình thức đầu tư PPP, vì sao chưa hấp dẫn, chưa thu hút được nhà đầu tư, chưa tận dụng được nguồn lực cả trong nước và quốc tế.

Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội về các vấn đề liên quan cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Quochoi.vn.

Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể giải trình trước Quốc hội về các vấn đề liên quan cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ảnh: Quochoi.vn.

Làm đúng quy định nên chậm

Giải trình trước Quốc hội về tiến độ dự án bị chậm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, mặc dù việc đầu tư 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam được quyết định chủ trương đầu tư từ tháng 11/2017, nhưng phải làm nhiều quy trình, thủ tục, đến tháng 6/2019 mới đấu thầu quốc tế.

"Khi trình chủ trương đầu tư, chúng ta xác định là thu hút nhà đầu tư nước ngoài, vì nguồn lực trong nước có hạn. Đến tháng 9/2019 có 32 nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh. Nhưng cân nhắc nhiều mặt, trong đó có yếu tố an ninh - quốc phòng nên quyết định chỉ lựa chọn nhà đầu tư trong nước", ông Thể giải thích.

Theo ông, từ tháng 10/2019 đến nay, sau 5, 6 tháng Bộ GT-VT đã thực hiện xong toàn bộ công tác sơ tuyển và có được khoảng 20 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. Trong đó, 7 dự án có từ 2-5 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển và 1 dự án không có nhà đầu tư.

"Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện theo Luật Đầu tư và theo các quy định của pháp luật và đặc biệt đây là dự án trọng điểm quốc gia. Chúng tôi cũng xác định là sẽ thanh tra, kiểm toán, thậm chí là điều tra. Do đó, chúng tôi phải làm đúng quy định của pháp luật. Xin báo cáo chậm là lý do như vậy", Bộ trưởng GT-VT trình bày trước Quốc hội.

"Chúng tôi rất đồng tình với nhiều đại biểu nói 5 dự án còn lại liệu thành công hay không. 5 dự án còn lại chúng ta phải huy động hơn 22.000 tỷ, bình quân mỗi dự án phải thu hút hơn 4.000 tỷ, một dự án BOT trước đây khoảng 1.000 -1.500 tỷ. Như vậy, đây cũng là một vấn đề rất khó khăn", ông Nguyễn Văn Thể nêu vấn đề.

Theo Bộ trưởng GT-VT, nếu không thu xếp được vốn tín dụng, không đủ điều kiện thì không khởi công được và không khởi công được thì muốn khởi công phải báo cáo lại Quốc hội.

Khi chuyển qua đầu tư công, Bộ GT-VT đã chuẩn bị điều chỉnh thiết kế, phân chia gói thầu và hoàn thành dự toán, chỉ chờ Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ là phê duyệt dự án điều chỉnh không phải đấu thầu nữa.

Người đứng đầu ngành Giao thông vận tải khẳng định, nếu chuyển sang đầu tư công thì toàn bộ các gói thầu của 3 dự án này sẽ khởi công trong năm nay. Còn nếu làm theo hình thức PPP thì đến tháng 11-12/2020 mà không có nhà đầu tư thì phải quay lại báo cáo, tới tháng 6/2021 mà không thu xếp được tín dụng cũng phải báo cáo và như thế sẽ dẫn đến tiến độ tiếp tục bị chậm.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất