| Hotline: 0983.970.780

Cấp bách chuyển đổi cây trồng: Cây trồng cạn 'đẻ' ra tiền

Thứ Năm 25/07/2019 , 13:05 (GMT+7)

Trước bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan, mùa mưa thì mưa tối mặt, còn mùa nắng thì hạn hán kéo dài khiến cây trồng khốn đốn vì thiếu nước tưới, tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Đặc biệt là chuyển những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa tiết kiệm được nước tưới.
 

Luân canh, xen canh đậu phộng

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cây đậu phộng (lạc) là một trong những loại cây trồng chính có hiệu quả nhất hiện nay tại Bình Định. Nông dân SX đậu phộng đa dạng hình thức, luân canh, xen canh với các cây trồng khác, nâng cao hiệu quả sử dụng đất rõ rệt.

15-12-33_1
Đậu phộng, cây trồng chủ lực tại Bình Định mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

“Năng suất bình quân cây đậu phộng ở Bình Định cao hơn các tỉnh trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ và đứng thứ 2 so với cả nước. Bình Định là trung tâm đầu mối thu mua đậu phộng từ các tỉnh trong khu vực và Tây Nguyên; đồng thời có nhiều cơ sở chế biến dầu thực vật. Hiện đã có doanh nghiệp liên kết với nông dân SX đậu phộng làm nguyên liệu chế biến”, ông Hổ chia sẻ.

Từ thực tế trên, nhiều địa phương trên địa bàn Bình Định đã đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng áp dụng phương pháp luân canh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đơn cử như ở xã Cát Hải (huyện Phù Cát). Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hải, Ông Đỗ Hoàng Phong cho hay: “Xã có 198ha đất SX 1 vụ lúa kém hiệu quả đã được nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng cạn. Diện tích này được nông dân xoay chuyển liên tục, hết canh tác đậu phộng, đến hành và ngược lại, thu nhập đạt từ 150 - 180 triệu đồng ha/năm. Nhờ vậy đời sống của người dân ngày càng khá, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu”.

Nông dân Võ Kế Ku ở thôn Vĩnh Hội (xã Cát Hải) chia sẻ: “Làm lúa tiêu tốn nhiều nước, chi phí đầu vào cao, mà thu nhập chẳng là bao, nên tui đã chuyển hết 6 sào đất (500m2/sào) SX lúa sang trồng hành và đậu phộng. Bình quân mỗi năm, gia đình tui có lãi trên 70 triệu đồng từ phương pháp luân canh nói trên, cao gấp 3 lần so với trồng lúa”.

Riêng vụ ĐX và vụ HT 2019, nông dân huyện Phù Cát đã chuyển đổi hơn 2.100ha đất SX lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn. Cách làm này đã giảm được áp lực về nước tưới, công lao động, đồng thời hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả SX.

Ông Phan Trọng Hổ cho biết thêm: “Bình Định sẽ tập trung ưu tiên phát triển cây đậu phộng trên chân đất cát pha, có điều kiện thâm canh, luân canh, xen canh với một số cây trồng khác; đồng đời chuyển 1 phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích trồng đậu phộng ở Bình Định sẽ đạt 16.000ha, sản lượng đạt khoảng 50.000 tấn/năm và sẽ xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng đậu phộng”.

Theo ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích lúa bấp bênh, mở rộng diện tích các loại cây trồng cạn, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Phù Cát phấn đấu đến năm 2020 sẽ SX ổn định khoảng 1.200ha bắp, 4.400ha đậu phộng, 550ha ớt và 450ha hành, những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa.
 

Giải pháp cấp bách đối phó hạn hán

Nói đến công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định đây là giải pháp cấp bách để đối phó với hạn hán.

Theo nhận định của ông Châu, thời gian vừa qua trên địa bàn Bình Định nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao hơn nhiều so những năm trước đây. Trong khi đó, Bình Định là tỉnh dẫn đầu khu vực về trồng rừng keo, chính loại cây trồng này đã hút hết nước trong lòng đất, do đó càng ngày lượng nước chảy về các hồ chứa càng giảm mạnh.

Cũng theo ông Châu, thời gian gần đây thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, vào mùa mưa lũ thì mưa tối mặt tối mày, còn vào mùa khô thì nắng nóng khốc liệt nên lượng nước trong các hồ chứa bị bốc hơi và thấm số lượng lớn.

Ông Châu ví dụ: “Sông Kôn có lưu vực 3.500m2, trước đây, dòng chảy vào hồ tại thời điểm thấp nhất cũng đạt 10 khối/giây, nhưng nay dòng chảy đến tịnh không còn một giọt”.

Để sử dụng nước hiệu quả trong điều kiện thời tiết cực đoan, Bình Định xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp là giải pháp bức thiết.

15-12-33_2
Nông dân Bình Định phát triển mạnh trồng bắp lấy cây để nuôi bò.

“Những vùng trồng lúa tưới bằng trạm bơm nhất thiết phải chuyển sang trồng các loại cây màu, cây trồng cạn ngắn ngày có hiệu quả kinh tế cao như bắp, mè (vừng), đậu phộng. Như vậy lượng nước sẽ tiêu tốn ít hơn, theo đó điện sử dụng cho trạm bơm cũng giảm theo, vừa tiết kiệm được nước vừa tiết kiệm năng lượng.

Hoặc những diện tích trồng lúa không được ăn nước hồ thủy lợi, chỉ trông chờ nước đập dâng rất bấp bênh cũng phải được chuyển đổi. Những diện tích thiếu nước nghiêm trọng thì chuyển sang trồng mè”, ông Trần Châu chia sẻ.

Trong 5 năm qua Bình Định đã chuyển đổi trên 5.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng những loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao như đậu phộng, mè và các loại rau. Riêng đậu phộng và mè thương phẩm là 2 mặt hàng không bao giờ ế, có bao nhiêu doanh nghiệp bao tiêu hết bấy nhiêu...

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 2] Sinh viên ngồi ghế nhà trường đã khỏi lo đầu ra

Đào tạo ngành chăn nuôi và thú y là yếu tố quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững với nguồn nhân lực chất lượng.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.