Báo động suy thoái môi trường vịnh Nha Trang
Vịnh Nha Trang là một trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới, chứa đựng các giá trị toàn cầu và quốc gia. Đây cũng là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia phải được bảo vệ hiệu quả.
Thế nhưng điều đáng thất vọng khi thời gian qua, môi trường vịnh Nha Trang nói chung, rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun nói riêng có biểu hiện suy thoái bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Tại buổi kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, làm rõ thông tin liên quan tới việc san hô bị chết mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nhận thức bảo tồn địa phương chưa tới. Mặc dù tỉnh chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến rạn san hộ bị chết như biến đổi khí hậu, do khai thác, môi trường nuôi và dòng chảy, nhưng không thể đổ thừa hết cho nguyên nhân này. Bởi nếu tỉnh thực hiện việc bảo tồn tốt thì cần phải phân khu rõ ràng, nhưng tại đây chưa phân khu và chưa phân định ra được khu nghiêm ngoặt, khu bảo vệ, khu phát triển, vùng đệm. Ngay vào khu nghiêm ngoặt là vùng lõi Hòn Mun hiện địa phương còn làm hạ tầng, cho khách tham quan lặn biển.
Do đó, để thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tỉnh Khánh Hòa cần phải có chương trình, trong đó có nhiều đề án khác nhau, quy định trách nhiệm các sở ngành, doanh nghiệp và ngư dân. Từ đó thực hiện với tinh thần xã hội hóa, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, du lịch là ngành kinh tế "không khói" rất quan trọng của vùng biển, nhưng không có nghĩa để khu lịch đè vào bảo tồn; khai thác, xây dựng cũng đè vào bảo tồn và ngư dân săn bắt cũng vào khu bảo tồn để đánh bắt được. Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa cần phải phân định rõ ràng. Đặc biệt, vai trò bảo tồn và hệ sinh thái san hô rất quan trọng, sẽ phát huy rất hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường nếu biết bảo vệ, bảo tồn tốt. Và, tỉnh Khánh Hòa không thể để suy thoái các rạn san hô vì nhiều nguyên nhân và cần sớm có chương trình cụ thể để bảo vệ, bảo tồn. Bộ NN-PTNT luôn sẵn sàng hỗ trợ tỉnh trong công tác này.
16 nhiệm vụ, giải pháp phục hồi vịnh Nha Trang
Trước tầm quan trọng và cấp thiết về việc giữ gìn và phục hồi rạn san hô trong vịnh Nha Trang nói chung và khu vực biển Hòn Mun nói riêng, mới đây, ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký quyết định ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030.
Theo kế hoạch này, tỉnh Khánh Hòa đưa ra 16 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó nhiều giải pháp đáng chú ý như: Nâng cao nhận thức, tạo sự thay đổi hành vi của cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp, du khách và các thành phần xã hội khác có liên quan để ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang; tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển ở các địa điểm rạn san hô bị suy thoái ở Hòn Mun và các địa điểm khác (nếu có); nghiêm cấm theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động xâm hại đến môi trường sống và rạn san hô ở khu vực biển Hòn Mun, ở các vùng lõi khác trong vịnh Nha Trang.
Đồng thời, tạm thời giữ nguyên diện tích và tăng cường kiểm soát hoạt động nuôi trồng thủy sản hiện có trên vịnh Nha Trang; di chuyển hoạt động lưới đăng ra khỏi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt tại phía nam Hòn Mun; tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực bảo tồn Hòn Mun, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại môi trường tại khu vực vịnh Nha Trang.
Đối với phục hồi san hô tại khu vực Hòn Mun và vịnh Nha Trang, tỉnh sẽ tiến hành làm sạch môi trường khu vực biển Hòn Mun, loại bỏ rác thải nhựa trong rạn san hô, sắp xếp các cành vụn gãy của san hô để san hô có cơ hội tự phục hồi. Khảo sát, đánh giá nhanh rạn san hô tại các địa điểm du lịch lặn biển quanh Hòn Mun, các vùng lõi khác trong vịnh để xác định mức độ và nguyên nhân suy thoái. Triển khai thực hiện giải pháp kỹ thuật phục hồi phù hợp đối với rạn san hô khu vực biển Hòn Mun và vịnh Nha Trang…
Để thực hiện việc này, UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND TP Nha Trang, Ban Quản lý vịnh Nha Trang chủ trì và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa tham gia mời Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Chi nhánh Nha Trang), Viện Hải dương học phối hợp và thực hiện phục hồi rạn san hô, cũng như mời Viện Khoa học và công nghệ Khai thác thủy sản thuộc Trường Đại học Nha Trang thử nghiệm phục hồi san hô bằng công nghệ “Đá sinh học” (Biorock) tại vịnh Nha Trang.
Cũng trong kế hoạch này, tỉnh cũng sẽ khảo sát, phân vùng chức năng khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và hỗ trợ phục hồi, bảo tồn rùa biển trong Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và vùng biển lân cận. Cùng với đó, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng gắn với bảo tồn rạn san hô khu vực Hòn Mun, vịnh Nha Trang bằng cách củng cố tổ chức và đào tạo nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ và khai thác hợp lý hệ sinh thái rạn san hô cho các tổ chức cộng đồng dân cư tại vịnh Nha Trang.
Song song đó, xây dựng các cách thức phân nhiệm quản lý, giám sát, bảo vệ rạn san hô cho cộng đồng tại Tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên) trong vịnh Nha Trang; xây dựng mối liên kết hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức cộng đồng trong và ngoài Tổ dân phố Bích Đầm trong hoạt động đồng quản lý, bảo vệ rạn san hô vịnh Nha Trang. Huy động sự đóng góp của cộng đồng và các bên liên quan góp phần tạo nguồn tài chính bền vững cho hoạt động quản lý, bảo vệ rạn san hô của cộng đồng Tổ dân phố Bích Đầm và thử nghiệm mô hình phát triển du lịch sinh thái cộng đồng đảo xanh, sạch, văn minh, góp phần từng bước chuyển nghề cho ngư dân ở Tổ dân phố Bích Đầm.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ triển khai các giải pháp khác như rà soát, khoanh vùng bảo vệ các khu vực biển ở Hòn Mun, Hòn Chồng - Vĩnh Hòa và Vĩnh Hải có san hô đang phục hồi, có bãi giống và bãi đẻ của thủy sản; nâng cao năng lực cho Ban Quản lý vịnh Nha Trang và Đội Công tác liên ngành trên vịnh Nha Trang; kiểm soát các nguồn xả thải vào vịnh Nha Trang.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý nhà nước đối với các hoạt động trong vịnh Nha Trang; quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa trong khu bảo tồn biển hướng tới phát triển kinh tế biển xanh tại vịnh Nha Trang. Thiết lập và thử nghiệm phương thức quản trị công ty khu vực sinh thái biển quốc tế trong vịnh Nha Trang; thực thi phương thức phối hợp liên ngành trong quản lý vịnh Nha Trang và tạo nguồn tài chính bền vững cho hoạt động quản lý vịnh Nha Trang.