| Hotline: 0983.970.780

Nhiều loại trái cây xuất sang Trung Quốc phải dùng bao bì theo quy định mới

Thứ Tư 10/04/2019 , 11:10 (GMT+7)

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vừa có công văn gửi Cục BVTV và Hiệp hội Rau quả Việt Nam về thời hạn áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu của Trung Quốc.

Từ 1/5, chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải có bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc

Theo công văn nói trên, bắt đầu từ 1/1/2019, các loại nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng, bao bì gửi cho Hải quan Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm đến ngày 13/3, phía Trung Quốc đã cho thông quan 3.890 xe dưa hấu, đơn giản hóa yêu cầu về tem nhãn, bao bì, nên việc thông quan thuận lợi, không bị ách tắc.

Có 3 điểm cần chú ý trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc của Hải quan Trung Quốc. Điểm đầu tiên là dưa hấu Việt Nam xuất sang Trung Quốc có thể sử dụng cách dán tem có mã truy xuất nguồn gốc lên trái dưa hoặc đóng dưa bằng bao bì thùng giấy có thông tin truy xuất nguồn gốc.

Điểm thứ hai là doanh nghiệp xuất khẩu chủ động lựa chọn sử dụng bao bì thùng giấy hoặc tem nhãn dán lên trái cây; chủ động chọn đơn vị in tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Hiện đã có 41 doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng với Tập đoàn Trung Kiểm (CCIC) là đơn vị có năng lực cung cấp lượng lớn tem nhãn cho doanh nghiệp.

Điểm thứ ba là từ 1/5/2019, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Cụ thể, đối với dưa hấu: không cho phép dưa hấu lót rơm thông quan; yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có sinh vật gây hại để bọc trái. Đối với mít: yêu cầu dùng giấy dai Kraft để bọc hoặc dùng bao bì là thùng giấy có in thông tin truy xuất nguồn gốc. Đối với chuối: yêu cầu bao bì là thùng giấy hoặc túi nhựa để bọc (đều phải in mã và thông tin truy xuất nguồn gốc).

Cũng theo công văn của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, đang tồn tại một số vấn đề như hiện tượng làm giả chứng nhận, mở đơn hàng, tờ khai giả; vi phạm tiêu chuẩn chất lượng hàng nông sản. Riêng về việc vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, trong năm 2018, Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) nhập khẩu 1,53 triệu tấn trái cây Việt Nam, trong đó phát hiện 140 lô (chủ yếu là nhãn, chuối, chôm chôm) có sinh vật gây hại, không đạt tiêu chuẩn. Cũng trong năm vừa qua, Nam Ninh nhập khẩu 1,19 triệu tấn tinh bột sắn Việt Nam, thì phát hiện 3 lô không đạt tiêu chuẩn do có hàm lượng chì vượt mức cho phép.

Ngoài ra, phía Trung Quốc còn phát hiện hàng nước thứ 3 mượn xuất xứ Việt Nam để vào Trung Quốc. Cụ thể, cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện ớt nhập khẩu Việt Nam nghi là ớt Ấn Độ (do có kích thước, đặc điểm khác với ớt Việt Nam), trong khi Ấn Độ chưa được phê chuẩn xuất khẩu ớt vào Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ước tính trong tháng 3, xuất khẩu rau quả đạt giá trị 393,818 triệu USD, giảm 8,4% so với tháng 3/2018. Ước tính trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả đạt 878,429 triệu USD, giảm 8,06% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc vẫn là thị trường chủ đạo của rau quả Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 428,045 triệu USD (chiếm 73,11% tổng giá trị xuất khẩu rau quả). Đứng thứ 2 là thị trường Mỹ với 19,479 triệu USD (chiếm 3,3%). Tiếp đó là Hàn Quốc với 18,655 triệu USD (3,19%), Nhật Bản với 16,857 triệu USD (chiếm 2,88%)…

 

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm