Theo các chuyên gia, hiện nay, các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị tim mạch của Việt Nam đã ngang bằng với các nước trong khu vực và vươn tầm thế giới với đầy đủ các loại thuốc điều trị, những phương tiện và kỹ thuật tiên tiến nhất đã được áp dụng thành công.
Qua đó, giúp người bệnh không cần ra nước ngoài điều trị, không phải chịu đựng các ca mổ lớn, giảm thiểu rủi ro và nhanh chóng bình phục. Bên cạnh đó, ý thức phòng ngừa bệnh lý tim mạch trong cộng đồng cũng ngày càng được nâng cao.
Nhằm giúp đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, cập nhật những phương pháp, kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực nội tim mạch, can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mạch người lớn và phẫu thuật tim mạch trẻ em, qua đó, phát triển hơn nữa lĩnh vực tim mạch học của Việt Nam, trong hai ngày (10-11/5), Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức Hội nghị khoa học “Xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch năm 2024”.
Hội nghị thu hút hơn 1.500 đại biểu gồm các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, phẫu thuật tim mạch, tim mạch can thiệp, nội tổng hợp, nội tiết, lão khoa, y học gia đình, bác sĩ đa khoa…
Hội nghị gồm 240 bài báo cáo của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch - chuyển hóa của Việt Nam và quốc tế với nhiều chuyên đề về suy tim, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, bệnh van tim, bệnh động mạch chủ, rối loạn nhịp tim, rối loạn lipid máu, tim mạch can thiệp sang thương mạch vành phức tạp, tim mạch can thiệp mạch ngoại biên, hồi sức tim, bệnh cơ tim, phục hồi chức năng tim mạch, phòng ngừa tiên phát bệnh tim mạch do xơ vữa, siêu âm tim trong thực hành lâm sàng, thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, gene và bệnh tim mạch…
Đặc biệt, nhiều kỹ thuật mới như thay van động mạch chủ, thay van động mạch phổi qua ống thông và các kỹ thuật can thiệp động mạch vành tiên tiến...
Bên cạnh việc cập nhật về phương pháp điều trị, các chuyên đề về chẩn đoán, phòng ngừa, quản lý bệnh tim mạch cũng là một điểm nhấn quan trọng của Hội nghị năm nay.
Trong đó, các bài báo cáo liên quan đến gen di truyền là một điểm mới, thể hiện xu hướng tác động vào các hệ gen để chẩn đoán, dự phòng bệnh tim mạch tốt hơn. Không chỉ tập trung điều trị cho người bệnh trong bệnh viện, các chương trình quản lý người bệnh về tới cộng đồng, đặc biệt là người bệnh suy tim có ý nghĩa quan trọng nhằm chăm sóc toàn diện, duy trì hiệu quả điều trị cũng như phòng ngừa các biến cố nguy hiểm cho người bệnh.
Theo GS.TS.BS Trương Quang Bình, Nguyên Phó Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, sự phát triển của lĩnh vực tim mạch học Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực.
Theo GS Trương Quang Bình, thông qua mỗi kỳ hội nghị, nhiều kinh nghiệm từ chẩn đoán, điều trị và thực tế lâm sàng được chia sẻ, nhiều khuyến cáo và tài liệu hướng dẫn từ các hiệp hội, chuyên gia uy tín được đưa ra giúp việc thực hành của các bác sĩ ngày càng dễ dàng hơn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả điều trị, chăm sóc cho người bệnh tim mạch.
Đặc biệt trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kết hợp hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom đã giúp đội ngũ y bác sĩ, nhân viên có thể liên tục cập nhật xu hướng mới trong điều trị, nâng cao năng lực chuyên môn trong phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho người bệnh.
Ngoài ra, hội nghị cũng lan tỏa thông điệp khuyến khích người dân tăng cường vận động, nâng cao sức khỏe và phòng ngừa bệnh tim mạch với chương trình “Đi bộ vì trái tim khỏe”.