Sau đúng 10 năm chờ đợi (2011-2021), thông tin việc đường sắt Cát Linh- Hà Đông được bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội và được đưa vào khai thác thương mại đúng vào ngày lễ 30/4 khiến người dân náo nức.
Thế nhưng đáp lại lòng trông ngóng của toàn dân lại là lời “xin lỗi” và “xin nhân dân thông cảm” của Bộ GTVT vì đường sắt Cát Linh- Hà Đông vẫn không thể đưa vào vận hành được.
Đây là lần lỡ hẹn thứ 10 của “con rắn xấu xí” giữa Thủ đô, đã đội vốn đến gấp hơn 2 lần. Lời phân bua này khiến dư luận chán ngán đến mức “chẳng thèm nói nữa”.
Theo quý Bộ, thì “các điều kiện kỹ thuật của dự án đã đảm bảo có thể vận hành”. Lạ thật, các điều kiện kỹ thuật của dự án “đã đảm bảo có thể vận hành”, thế thì vì sao không cho vận hành đi?
Nhưng (lại nhưng, lần “nhưng” này là lần thứ 10) “thời điểm dự án khởi công xây dựng (2011) chưa có quy định về đánh giá hệ thống an tòan đường sắt trước khi đưa vào sử dụng. Đến năm 2016 mới có, nên năm 2017 chủ đầu tư mới ký hợp đồng thuê tư vấn độc lập ACT đánh giá an toàn đường sắt”.
Thật là kỳ lạ, đến người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể hiểu được. Cả một hệ thống đường sắt trên cao, mỗi ngày chở hàng chục ngàn người đi lại trên 13 km, thế mà lại chưa có quy định về đánh giá hệ thống an toàn trước khi sử dụng.
Thế nghĩa là cứ làm xong lúc nào thì đưa vào sử dụng ngay lúc đó, bất chấp nó có an toàn hay không, bất chấp hành khách sống hay chết? Người nào lập dự án mà ngô nghê, kém cỏi đến vậy? Người nào phê duyệt dự án mà thiếu trách nhiệm đến vậy ?
Tuy Bộ GTVT nói rằng “các điều kiện kỹ thuật của dự án đã đảm bảo có thể vận hành” nhưng ngay sau đó Bộ GTVT lại cho biết thêm rằng “còn 16 khuyến cáo được ACT nêu ra, cần được Bộ GTVT và các đơn vị liên quan thực hiện hoặc cam kết thực hiện”.
Khuyến cáo, tức là một hình thức báo động, một thứ “đèn vàng” trong giao thông hay “thẻ vàng” trong bóng đá. Nếu không chú ý đến những tín hiệu đó, thì đèn vàng hay thẻ vàng rất dễ trở thành đèn đỏ hay thẻ đỏ.
Một khi còn những khuyến cáo đó, không ai dám đưa công trình vào khai thác thương mại. Bởi chẳng có hành khách nào dám ngồi lên những đoàn tàu lúc nào cũng mấp mé bờ vực nguy hiểm, không phải chỉ một mà có đến những 16 cái nguy hiểm rập rình.
Nói khác đi, muốn đưa dự án vào khai thác thương mại, cần khắc phục được những khuyến cáo đó. Vấn đề là bao giờ thì bắt tay vào khắc phục? Và khắc phục đến bao giờ thì xong? Thực trạng cho thấy lần lỡ hẹn này vẫn chưa phải là lần lỡ hẹn cuối cùng.
“Xin nhân dân cả nước thông cảm”. Câu nói thật êm tai. Nhưng còn những đồng tiền thuế của nhân dân, nó có thông cảm hay không, lại là chuyện khác.