Cuộc đổ bộ xuống sông
Sông Lô chảy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ dài hơn 50km. Đã từ lâu, nguồn lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động khai thác khoáng sản, cát sỏi đã biến những khúc sông Lô thành những đại công trường khai thác cát. UBND tỉnh Phú Thọ liên tiếp cấp phép cho doanh nghiệp, trong khi những bi kịch, hệ lụy người dân phải gánh chịu, mất đất sản xuất, mất sinh kế, mất an ninh trật tự, mất mồ mả tổ tiên...
Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập ồ ạt khai thác cát trên sông Lô |
Thông tin từ Sở TN-MT Phú Thọ, thời điểm hiện tại, trên sông Lô đoạn chảy qua địa bàn, UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho 5 doanh nghiệp khai thác cát gồm Cty TNHH Cát Vàng tại mỏ cát Soi Dầu (phường Dữu Lâu và xã Trưng Vương, TP. Việt Trì), Cty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn (xã Tử Đà, huyện Phù Ninh), Cty CP xây lắp và cơ khí Phương Nam (xã Hạ Giáp và Tiên Du, huyện Phù Ninh), Cty TNHH xây dựng Tự Lập (xã Sông Lô, TP Việt Trì), Cty TNHH Gia Thịnh Phú Thọ (xã An Đạo và Bình Bộ, huyện Phù Ninh)...
Cánh đồng xứ Ba Hàng là vùng đất bãi rộng lớn thuộc đất nông nghiệp quỹ I Nhà nước giao cho xã viên HTX Nông nghiệp Sông Lô từ năm 1994. Mấy năm gần đây, một số người mạnh dạn thuê lại của các xã viên để đầu tư trồng chuối quy mô lớn, xuất khẩu sang Trung Quốc. Thế nhưng, những cánh đồng chuối bạt ngàn mỗi năm thu nhập tiền tỷ này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ kể từ khi UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép cho Cty TNHH Xây dựng Tự Lập khai thác mỏ cát trên sông Lô.
Liên tiếp trong thời gian ngắn, hàng loạt bờ vở sông, đất đai sản xuất của người dân bị đổ ập xuống sông. Những cánh đồng ngô, đồng chuối, đồng măng tây lần lượt bị đánh sập. Những vệt sạt lở dài cả hàng cây số, bị khoét sâu hàm ếch, chằng chịt vết nứt có thể đổ ập xuống sông bất cứ lúc nào. Người dân mất đất cầu cứu khắp mọi nơi nhưng những bức xúc, khiếu nại của họ chưa được giải quyết thấu đáo.
Dự án khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông Lô thuộc xã Sông Lô được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu (hiện là Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) ký quyết định chủ trương đầu tư ngày 16/11/2017. Đến ngày 23/2/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, ông Hoàng Công Thủy ký quyết định cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Cty TNHH Xây dựng Tự Lập với diện tích 23 ha, thời hạn khai thác là 5 năm, trữ lượng khai thác 278.049 m3 với công suất là 39.400m3/năm...
Giấy phép ghi rõ: “Trong quá trình khai thác, Cty TNHH Xây dựng Tự Lập phải thực hiện khai thác mỏ đúng theo thiết kế mỏ được duyệt và ranh giới. Thực hiện phòng, chống, khắc phục các sự cố về môi trường, sạt lở tầng tuyến, đảm bảo an toàn giao thông. Cty TNHH Xây dựng Tự Lập chỉ được khai thác khi đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật và các quy định trong giấy phép”.
Kể từ khi Cty TNHH Xây dựng Tự Lập được cấp phép khai thác, nơi này trở thành đại công trường khai thác cát, còn đất đai của người dân liên tục bị sạt lở. Dẫn chúng tôi ra khu vực đất đai bị sạt lở vì khai thác cát, người dân xã Sông Lô bức xúc cho biết, chính hoạt động khai thác cát sỏi của Cty TNHH Xây dựng Tự Lập là nguyên nhân khiến đất đai, hoa màu của họ bị đánh sập xuống lòng sông. Trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, người dân mất đất đã nhiều lần có ý kiến nhưng việc khai thác vẫn cứ tiếp diễn. Mỗi ngày, tàu cuốc khai thác náo loạn cả một khúc sông, tại nhiều vị trí, tàu khai thác rất gần vị trí sạt lở nhưng dân không làm gì được.
Trong đơn cầu cứu gửi đi khắp nơi, ông Nguyễn Việt Hùng, người đứng ra thuê 89.680m2 đất nông nghiệp của 300 hộ dân để trồng chuối đã viết: Cty TNHH Xây dựng Tự Lập cho tàu cát khai thác thẳng vào đất bãi của gia đình đang canh tác gây sạt lở gần 10.000m2. Còn những hộ dân mất đất khác đều khẳng định: Trước khi UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cát, việc canh tác của họ bao đời nay vẫn bình thường.
Những vết sạt lở kéo dài cả cây số khiến đất đai, hoa màu người dân đổ xuống lòng sông |
Việc Cty TNHH Xây dựng Tự Lập ồ ạt khai thác cát gây sạt lở đất của nhân dân càng rõ ràng hơn khi UBND xã Sông Lô kiểm tra và báo cáo về việc khai thác cát của công ty này làm sạt lở diện tích đất nông nghiệp của nhân dân, nêu rõ: Tại khu vực đất nông nghiệp của nhân dân khu 1 sạt 20x60m, khu 2 sạt 3x30m. Đặc biệt, tại khu vực điểm cột mốc giáp đất nông nghiệp của nhân dân khu 4 đang trồng chuối phát hiện khai thác cát gần bờ gây ra sạt lở đất thành vở sâu 5m so với mặt nước. Tại khu 5, phát hiện khai thác cát gần bờ gây sạt thành vở sâu 3,5m, rộng khoảng 50m… Việc sạt lở làm mất cả cột mốc giao đất và đang tiếp tục, có nguy cơ lấn thêm vào phần đất nhu cầu của nhân dân. Các cột mốc khi giao đất đã bị thay đổi, lùi sâu vào đất nhận giao khoán của nhân dân.
UBND xã Sông Lô kiến nghị kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo việc khai thác của Công ty Tự Lập không làm sạt lở đất, mất diện tích đất, không ảnh hưởng đến việc sản xuất của bà con nông dân. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng ở mức cầu cứu, kiến nghị. Đất đai vẫn cứ sạt lở còn doanh nghiệp vẫn cứ "móc ruột" dòng sông bình thường.
Bao che vi phạm
Trước những bức xúc, kiến nghị, những lá đơn cầu cứu của nhân nhân, chính quyền Phú Thọ đã nhiều lần tổ chức các đoàn kiểm tra, làm rõ. Tuy nhiên, dù có nhiều hành vi vi phạm nhưng gần như không có bất kỳ một động thái mạnh tay nào đối với hành vi của doanh nghiệp được đánh giá là mạnh nhất nhì tỉnh này.
Theo báo cáo thẩm định của Sở Xây dựng Phú Thọ về thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ cát sỏi lòng sông Lô của Cty TNHH Xây dựng Tự Lập, công nghệ khai thác sử dụng tàu cuốc hoặc tàu hút khai thác lên các thiết bị vận tải chuyển về bãi tập kết và được tập kết lên bờ bằng máy xúc thủy lực. Cty có trách nhiệm, trước khi tiến hành khai thác, phải thông báo kế hoạch khai thác bằng văn bản cho Sở Tài nguyên - Môi trường, đồng thời gửi UBND TP. Việt Trì, UBND xã Sông Lô nơi tiến hành khai thác khoáng sản, với các nội dung như số lượng, chủng loại, máy móc, trang thiết bị sử dụng vào việc khai thác khoáng sản, thời gian khai thác khoáng sản, số lượng công nhân lao động tham gia khai thác…
Tuy nhiên, những quy định của pháp luật đã không được thực hiện đầy đủ. Tại các cuộc kiểm tra về hoạt động của Cty TNHH Xây dựng Tự Lập trên sông Lô, nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng đề cập đến những hành vi vi phạm của doanh nghiệp khai thác, nhưng đã không có quyết định xử lý nào được đưa ra.
Đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường TP Việt Trì khẳng định: Trong khu vực khai thác của Cty Tự Lập, ngoài các phương tiện đã đăng ký còn có nhiều phương tiện khác cùng hoạt động. Tương tự, Công an tỉnh Phú Thọ thông tin: Trên địa bàn khai thác của Cty Tự Lập có nhiều phương tiện qua lại khai thác trái phép vào ban đêm.
Ngoài ra, đại diện của Công an tỉnh Phú Thọ cũng khẳng định: Việc ông Nguyễn Việt Hùng phản ánh là có thật, tuy nhiên, việc sạt lở tại bờ sông có nhiều nguyên nhân, đề nghị Cty tạm dừng khai thác tại các vị trí sạt lở để theo dõi, đến khi ổn định thì tiếp tục khai thác.
Người dân cho rằng, Cty TNHH Xây dựng Tự Lập chính là thủ phạm gây sạt lở đất sản xuất của họ |
Ông Khuất Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Phú Thọ có ý kiến: Có một số vị trí sạt lở giáp ranh với các điểm mốc giới khai thác của Cty Tự Lập, đề nghị tạm dừng khai thác để theo dõi.
Đọng lại cuối cùng, việc UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác khoáng sản cho Cty TNHH Xây dựng Tự Lập chỉ khổ người dân và chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND xã Sông Lô, ông Bùi Mạnh Quảng thừa nhận: Kể từ khi doanh nghiệp trên được cấp phép khai thác cát, đời sống sản xuất, sinh hoạt đều bị đảo lộn. Xã chẳng được lợi ích gì, đất đai sạt lở. Tuy nhiên, khả năng của chúng tôi thì chỉ biết báo cáo lên cấp trên thôi.
Để làm rõ hồ sơ pháp lý và việc quản lý, giám sát của chính quyền đối với Dự án khai thác mỏ cát, sỏi lòng sông Lô, PV NNVN đã đăng ký làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Xây dựng Phú Thọ, tuy nhiên, đã hơn 10 ngày qua những cơ quan này vẫn chưa hồi âm. |