| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện đúng sai ở sân golf Đồi Cù

Thứ Sáu 02/08/2024 , 06:45 (GMT+7)

Sai phạm xây dựng của sân golf Đồi Cù diễn ra ở TP. Đà Lạt, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự chủ quan, nóng vội của doanh nghiệp.

Toàn cảnh Tòa nhà câu lạc bộ golf ở Đồi Cù, Đà Lạt, đang bị đình chỉ thi công. Ảnh: Đức Bình.

Toàn cảnh Tòa nhà câu lạc bộ golf ở Đồi Cù, Đà Lạt, đang bị đình chỉ thi công. Ảnh: Đức Bình.

Sai phạm trên đất rừng phòng hộ

Nguồn cơn của các lùm xùm tại sân golf Đồi Cù ở TP. Đà Lạt, Lâm Đồng, bắt nguồn từ câu chuyện đất rừng phòng hộ nội đô.

Ít nhất từ năm 2021, trong báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Xây dựng cho biết, đơn vị này đã cùng các ngành kiểm tra thực địa, đánh giá chiều cao tối đa, kiến trúc công trình, cảnh quan tại khu vực, tổng hợp ý kiến các Sở, ngành, UBND TP. Đà Lạt, tham vấn ý kiến các cán bộ hưu trí. Sở này đề xuất UBND tỉnh thỏa thuận chỉ tiêu kiến trúc công trình gồm 2 khối: 01 Khối tiếp đón và 02 Khối dịch vụ. So với phương án trước đó, Khối phòng nghỉ với bị hủy bỏ. Chiều cao tối đa công trình từ 13,5m giảm xuống còn 12m.

Văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết đã tổ chức họp nhiều lần với các Sở, ngành, UBND TP. Đà Lạt, cán bộ hưu trí v.v. Báo cáo của Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt, cho thấy qua các buổi tiếp xúc cử tri và các lần công khai lấy ý kiến quy hoạch phân khu 765ha khu trung tâm, thì không có ý kiến gì về hoạt động của sân golf Đồi Cù.

Vướng mắc lớn nhất về thủ tục tại sân golf Đồi Cù, là giấy phép xây dựng. Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, ban đầu doanh nghiệp đã được cấp phép xây dựng Khối dịch vụ golf 1. Phần chưa cấp phép gồm Khối dịch vụ golf 2 và Khối đón tiếp. Nguyên nhân khi chưa được cấp phép là diện tích này nằm trong “đất rừng phòng hộ nội đô TP Đà Lạt”.

Theo văn bản báo cáo của Sở Xây dựng gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, xét về điều kiện cấp giấy phép xây dựng, công trình Tòa nhà câu lạc bộ golf ở Đồi Cù là 1,567ha. Các hạng mục công trình thuộc tòa nhà này phù hợp với quy hoạch dự án, quy mô công trình đã được UBND tỉnh chấp thuận.

Việc xây dựng cũng phù hợp với mục đích sử dụng đất. Theo đó, năm 2022, HĐND tỉnh Lâm Đồng ban hành Nghị quyết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang mục đích khác (trong đó có 5.629m2 đất rừng phòng hộ ở Đồi Cù).

Năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định cho phép Công ty Hoàng Gia xây dựng trên diện tích 9.835m2 để làm Tòa nhà câu lạc bộ golf. Mục đích sử dụng đất là đất thương mại, dịch vụ.

Theo các cơ quan chuyên môn tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích xây dựng trên thực tế ở Tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù là khoảng 20.000m2, vượt gần gấp đôi diện tích được cấp phép trước đó. Cụ thể, phần vượt này chính là công trình Khối đón tiếp và Khối dịch vụ 2.

Theo lý giải của Sở Xây dựng, hai công trình chưa được cấp phép, nằm trong tổng thể quy hoạch Tòa nhà câu lạc bộ golf đã được tỉnh Lâm Đồng chấp thuận về chủ trương.

Tuy nhiên, vướng mắc thứ nhất là chủ đầu tư chưa phê duyệt dự án đầu tư theo luật định. Thứ hai là chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ rừng phòng hộ sang đất thương mại dịch vụ, chưa hoàn thiện các thủ tục hồ sơ nộp xin cấp phép xây dựng.

Tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù có thể bị cưỡng chế, dù được UBND tỉnh Lâm Đồng trước đó chấp thuận về chủ trương. Ảnh: Đức Bình.

Tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù có thể bị cưỡng chế, dù được UBND tỉnh Lâm Đồng trước đó chấp thuận về chủ trương. Ảnh: Đức Bình.

Trước thời điểm doanh nghiệp xin cấp giấy phép xây dựng Tòa nhà câu lạc bộ golf, ngày 20/7/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 4134, nội dung: Chuyển 29,59ha trồng thông năm 1993 trong sân golf Đà Lạt đã đạt tiêu chí thành rừng vào mục đích rừng phòng hộ nội đô TP. Đà Lạt. Giao trách nhiệm cho Công ty Hoàng Gia ĐL quản lý bảo vệ diện tích rừng trên theo quy định (Công ty không phải thuê rừng cho diện tích này là doanh nghiệp tự trồng).

Theo tìm hiểu của PV, Công ty Hoàng Gia chủ quan khi cho rằng: Tòa nhà câu lạc bộ golf đã được UBND tỉnh đồng ý về mặt chủ trương.

Việc đưa 29,59ha rừng tại Đồi Cù vào “rừng phòng hộ nội đô TP. Đà Lạt” là một cách để chính quyền tạo điều kiện cho doanh nghiệp không phải nộp thuế cao.

Đối với việc “đưa vô rồi lại đưa ra” diện tích rừng phòng hộ nêu trên, UBND tỉnh Lâm Đồng cần rà soát lại, xử lý sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Ngày 4/1/2024, UBND TP. Đà Lạt ra quyết định xử phạt với công trình xây dựng không phép tại sân golf Đồi Cù số tiền phạt là 130 triệu đồng. UBND TP. Đà Lạt cũng ban hành quyết định xử phạt với  công trình xây dựng trái phép, số tiền phạt là 110 triệu đồng.

Đà Lạt yêu cầu doanh nghiệp nộp phạt và ngừng thi công, lập hồ sơ thủ tục xin phép xây dựng theo quy định trong vòng 90 ngày (tính từ ngày ra quyết định), nếu bị cơ quan có thẩm quyền từ chối, doanh nghiệp phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm.

Ngày 20/5/2024, UBND TP Đà Lạt ra thông báo về việc thực hiện biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Lý do: Đã quá thời hạn 90 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính mà Công ty Hoàng Gia không xuất trình Giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh của cơ quan có thẩm quyền. Thời gian thực hiện: 15 ngày kể từ khi ra quyết định.

Ngày 10/6/2024, UBND TP Đà Lạt ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Thành phố yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ toàn bộ 2 khối công trình ở thửa đất số 01, tờ bản đồ số 17; vị trí khu vực giáp đường Đinh Tiên Hoàng(sân Golf - lỗ golf số 08), phường 1, TP. Đà Lạt. Thời gian thực hiện 10 ngày kể từ khi ra quyết định.

Phối cảnh Tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù sau khi hoàn thiện. Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đánh giá đây là 'kiến trúc đẹp, hài hòa'. Ảnh: Đức Bình.

Phối cảnh Tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù sau khi hoàn thiện. Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đánh giá đây là "kiến trúc đẹp, hài hòa". Ảnh: Đức Bình.

Có nên cưỡng chế?

Theo Công ty Hoàng Gia, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND TP. Đà Lạt “hoàn toàn đúng”. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho rằng nếu bị cưỡng chế, buộc hoàn lại hiện trạng ban đầu trước khi xây dựng, là chưa hợp tình, hợp lý.

Lý do doanh nghiệp đưa ra là đã được UBND tỉnh chấp thuận về chủ trương, rừng lại do chính tay doanh nghiệp trồng, nên có tâm lý chủ quan, thiếu các thủ tục cần thiết.

Tâm lý chủ quan của doanh nghiệp, cùng với sự thiếu cương quyết của chính quyền các cấp ở Lâm Đồng, là nguồn cơn dẫn đến vụ việc vi phạm ở tỉnh này.

Đối với công trình Tòa nhà câu lạc bộ golf, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng nhận định, đây là công trình “đẹp về kiến trúc, không ảnh hưởng đến cảnh quan danh thắng”.

Vì thế, nếu buộc phải phá dỡ công trình, vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp, lãng phí nguồn lực xã hội, vừa khiến tỉnh mất đi công trình mang tính giải trí phục vụ khách du lịch.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, theo Nông nghiệp Việt Nam tỉnh Lâm Đồng hoàn toàn có thể trở lại khởi nguồn của sai phạm từ năm 2016, thu hồi quyết định chuyển đổi đất thể thao, du lịch sang đất rừng phòng hộ. Một mặt, buộc doanh nghiệp nộp bổ sung thuế chênh lệch trong nhiều năm qua. Mặt khác, có thể tháo gỡ vướng mắc pháp lý về loại đất khi trả về đúng hiện trạng cũ, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển, tiếp tục đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất