| Hotline: 0983.970.780

Lâm Đồng gánh hệ lụy vì giúp doanh nghiệp 'né' thuế?

Thứ Tư 31/07/2024 , 07:00 (GMT+7)

Năm 2016, sân golf Đồi Cù xin chuyển 30ha đất quy hoạch cơ sở thể thao sang đất rừng để giảm thuế, sau đó lại xây dựng trên đất rừng theo thiết kế phê duyệt...

Toàn cảnh tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù bị đình chỉ do thiếu giấy tờ, thủ tục cần thiết. Ảnh: Đức Bình.

Toàn cảnh tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù bị đình chỉ do thiếu giấy tờ, thủ tục cần thiết. Ảnh: Đức Bình.

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất để doanh nghiệp né thuế?

Sân golf đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng là Đà Lạt Palace Golf Club. Sân còn có tên gọi khác là sân golf Đồi Cù, được khởi công từ năm 1920.

Qua nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, đến nay, Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL đang quản lý và điều hành Sân Golf Đà Lạt.

Tháng 7/2024, Công ty Hoàng Gia ĐL phản ánh việc doanh nghiệp này đứng trước nguy cơ phá sản bởi các quyết định xử phạt của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND TP. Đà Lạt.

Theo đó, tháng 3/2023, chính quyền TP Đà Lạt kiểm tra tổ hợp công trình Tòa nhà câu lạc bộ golf nằm sát hồ Xuân Hương, phát hiện nhiều vi phạm xây dựng không phép và sai phép, diện tích hơn 17.000 m2 nên yêu cầu dừng thi công để rà soát.

Công ty Hoàng Gia ĐL bị phạt 240 triệu đồng, đồng thời phải liên hệ cơ quan chức năng xin cấp phép phần xây vượt quy định. Trong trường hợp được cấp phép, công ty phải tháo dỡ toàn bộ phần công trình vi phạm ngoài phần được phê duyệt.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường , công trình này xây trên hơn 5.629 m2 đất rừng phòng hộ không được thực hiện dự án sân golf, theo điều 6 và 7 Nghị định 52. Vì vậy diện tích đất này không đủ điều kiện chuyển mục đích làm công trình dự án sân golf.

Nguồn cơn của việc “xây công trình kiên cố trên đất rừng phòng hộ nội đô TP. Đà Lạt”, bắt nguồn từ việc doanh nghiệp được tạo điều kiện “né” tiền thuê đất cơ sở thể dục thể thao (đất sân golf).

Theo tài liệu PV có được, ban đầu, UBND tỉnh Lâm Đồng ký với doanh nghiệp hợp đồng thuê đất sân golf là 0,35USD/m2/năm. Tuy nhiên, sau đó việc thay đổi giá thuê đất trở thành gánh nặng với doanh nghiệp.

Giá tiền thuê đất sân golf Đà Lạt theo các chu kỳ, thống kê của Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL. Ảnh: Đức Bình.

Giá tiền thuê đất sân golf Đà Lạt theo các chu kỳ, thống kê của Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL. Ảnh: Đức Bình.

Ngày 28/6/2016, Công ty Hoàng Gia ĐL có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho chuyển khoảng 30ha từ “đất cơ sở thể thao” sang “đất rừng”. Diện tích này trước đó là đồi trọc, sau đó được Công ty Hoàng Gia ĐL trồng cây thông tạo cảnh quan.

“Đúng là có việc chúng tôi xin chuyển mục đích sử dụng đất. Một là do lịch sử để lại, khu đó là đất trống đồi trọc. Hai là do tiền thuê đất quá cao, diện tích đó chỉ để tạo cảnh quan, nên chúng tôi xin chuyển để giảm bớt gánh nặng thuế”, ông Trần Quốc Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Hoàng Gia ĐL, nói.

Ngày 20/7/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 4134, nội dung: Chuyển 29,59ha trồng thông năm 1993 trong sân golf Đà Lạt đã đạt tiêu chí thành rừng vào mục đích rừng phòng hộ nội đô TP. Đà Lạt. Giao trách nhiệm cho Công ty Hoàng Gia ĐL quản lý bảo vệ diện tích rừng trên theo quy định (Công ty không phải thuê rừng cho diện tích này là doanh nghiệp tự trồng).

Việc này, có thể hiểu là UBND tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện cho doanh nghiệp đỡ phải chịu gánh nặng tiền thuê đất.

Tuy nhiên, ngày 12/7/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng lại ra văn bản số 5805, quyết định thu hồi, hủy bỏ văn bản số 4134.

Phối cảnh hoàn thiện tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù, được lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đánh giá là kiến trúc đẹp. Ảnh: Đức Bình.

Phối cảnh hoàn thiện tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù, được lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đánh giá là kiến trúc đẹp. Ảnh: Đức Bình.

Vi phạm vì đâu?

Việc để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tại sân golf Đồi Cù, có lỗi của bản thân Công ty Hoàng Gia ĐL và UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND TP. Đà Lạt.

Ông Hùng thừa nhận việc doanh nghiệp tổ chức xây dựng công trình với quy mô lớn như vậy mà chưa có giấy phép hoặc vượt quá giấy phép xây dựng là hoàn toàn sai với các quy định của pháp luật.

Theo các hợp đồng từ năm 1993, UBND tỉnh Lâm Đồng cho thuê đất ở Đồi Cù trong thời hạn 50 năm, nhưng tiền thuê đất theo chu kỳ đến nay đã tăng gấp 200 lần.

Trước năm 2006, tiền thuê đất kinh doanh sân golf Đồi Cù là trên 700 triệu đồng/năm, nhưng trong giai đoạn 2007-2011 khoản tiền này là gần 2,2 tỷ đồng/năm…

Đến năm 2022, giá thuê đất tại Đồi Cù lên tới hơn 87 tỷ đồng và năm 2023 là hơn 137 tỷ đồng.

Ông Hùng nói “phí thu của người chơi golf không thể tăng nhanh như vậy”. Năm 2023, sân golf chỉ đạt doanh thu khoảng 30 tỷ đồng/năm, chưa kể các chi phí vận hành. Như vậy, công ty đã phải bù lỗ rất lớn, ngày càng khó bảo đảm hoạt động kinh doanh.

Vì vậy, doanh nghiệp phải triển khai cơ cấu các hạng mục kinh doanh để đảm bảo đủ doanh thu nộp ngân sách nhà nước.

Ngày 11/8/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản Số 5667/UBND-QH với nội dung: Thống nhất chủ trương Công ty Cổ phần Hoàng Gia ÐL được đầu tư hạng mục công trình tòa nhà Câu lạc bộ Golf tại Sân Golf Đồi Cù, diện tích xây dựng mới 6.120m2 (khối đón tiếp, khối dịch vụ golf 1,2); diện tích bãi đậu xe 3.900m2; giao thông nội bộ, sân bãi 4.850m2; bãi xe buggy 650m2; bãi xe khách VIP 150m2..."

Tại văn bản số 1341/UBND-QH ngày 11/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chấp thuận bổ sung diện tích tầng hầm của công trình tòa nhà Câu lạc bộ Golf.

Tại Thông báo số 63/TB-UBND ngày 22/2/2022, thông báo Kết luận của ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng có nội dung: Về cơ bản, UBND tỉnh ủng hộ đề xuất điều chỉnh quy hoạch tại khu vực sân golf Đà Lạt…

Tháng 12/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành Nghị quyết 160/NQ-HĐND thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án.

Tại Nghị quyết này, Dự án Tòa nhà Câu lạc bộ Golf có diện tích thực hiện 15.670m2; trong đó, chuyển mục đích 5.629m2 đất rừng phòng hộ sang đất thương mại dịch vụ.

Các quyết định này trùng khớp với hồ sơ xin cấp phép xây dựng của Công ty cổ phần Hoàng Gia ĐL. Cụ thể, Giai đoạn 2 của dự án là Tòa nhà câu lạc bộ golf bao gồm 03 khối công trình liên kết với nhau là khối đón tiếp, khối dịch vụ golf 1, khối dịch vụ golf 2 với tổng diện tích 6.120 m2 trên tổng phần diện tích để thực hiện giai đoạn 2 là 15.670m2.

Tuy nhiên, khi khởi công năm 2023, dự án mới chỉ được cấp phép xây dựng khối dịch vụ golf 1. Việc để doanh nghiệp tiếp tục xây dựng khi chưa có giấy phép, là do sự thiếu trách nhiệm, thiếu cương quyết của UBND TP. Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. Công trình có diện tích hàng nghìn m2, nhưng khi xây xong phần thô, thì chính quyền mới vào cuộc.

Doanh nghiệp cho rằng đã được UBND tỉnh chấp thuận về chủ trương, rừng do chính tay doanh nghiệp trồng, nên có tâm lý chủ quan, thiếu các thủ tục cần thiết. Tâm lý chủ quan của doanh nghiệp, sự thiếu cương quyết của chính quyền các cấp ở Lâm Đồng, là nguồn cơn dẫn đến vụ việc vi phạm ở tỉnh này.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.