| Hotline: 0983.970.780

Cầu Quảng Phú xây 6 tỷ bỏ hoang 20 năm, chi thêm 3 tỷ phá bỏ

Thứ Năm 24/02/2022 , 09:49 (GMT+7)

Sau khi UBND tỉnh Đăk Lăk có chủ trương phá bỏ cầu Quảng Phú, người dân không đồng tình mà đề nghị chính quyền tiếp tục đầu tư.

Đề nghị hoàn thành cầu để tránh lãng phí

Ông Đỗ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đăk Nông) cho biết, vừa ký văn bản gửi UBND huyện đề nghị tiếp tục thực hiện dự án cầu Quảng Phú nằm trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông.

Theo ông Hùng, sau khi nắm bắt thông tin UBND tỉnh Đăk Lăk có chủ trương chi 3 tỷ đồng phá dỡ các mố trụ cầu Quảng Phú, người dân địa phương đã có nhiều ý kiến phản ánh đề nghị giữ nguyên cầu để tiếp tục đầu tư.

“Người dân cho rằng, việc phá dỡ cầu này là không cần thiết, gây lãng phí tiền của nhà nước, gây bức xúc trong dư luận và xã hội. Do đó, người dân đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đầu tư hoàn thành cầu Quảng Phú để phục vụ nhu cầu giao thương của người dân và phát triển kinh tế, xã hội địa phương", ông Hùng nói.

Người dân đề nghị tiếp tục hoàn thiện cầu Quảng Phú để tránh gây lãng phí. Ảnh: Quang Yên.

Người dân đề nghị tiếp tục hoàn thiện cầu Quảng Phú để tránh gây lãng phí. Ảnh: Quang Yên.

Từ tình hình thực tế trên, UBND xã Quảng Phú kính đề nghị UBND huyện Krông Nô xem xét đề xuất lên cấp trên có giải pháp, tiếp tục khôi phục cầu Quảng Phú để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Cầu Quảng Phú nối xã Ea R'Bin, huyện Lăk (Đăk Lăk) và xã Quảng Phú, huyện Krông Nô (Đăk Nông) được khởi công vào năm 1998. Dự án do Sở GTVT Đăk Lăk làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 4,7 tỷ đồng (giá thời điểm đó).

Đến năm 2004, UBND tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo dừng thi công vĩnh viễn. Thời điểm này, đơn vị thi công đã hoàn thành 2 mố cầu, 4 trụ, 4 dầm nhịp 18m, lắp xong 2 nhịp dẫn dài 18m và 70 % khối lượng đường hai đầu cầu phía Quảng Phú. Tổng giá trị hoàn thành, được phê duyệt quyết toán hơn 6 tỷ đồng. Từ đó đến nay cầu này bỏ hoang.

Ông Nguyễn Văn Tình (ngụ xã Quảng Phú) cho biết, việc phá dỡ cầu là không cần thiết, gây lãng phí tiền của và người dân cũng không đồng tình.

Theo ông Tình, từ khi cầu Quảng Phú được đầu tư người dân cứ nghĩ sẽ kết nối giao thông được với xã Ea R’Bin và giúp người dân phát triển kinh tế. “Dự án khởi công rồi bỏ mấy chục năm đến nay chi tiền tỷ để phá là rất lãng phí. Người dân đề nghị chính quyền 2 tỉnh bàn bạc thống nhất giữ lại cầu và tiếp tục đầu tư để dự án hoàn thành”, ông Tình nói.

Đập cầu cũ, xây cầu mới

Theo ghi nhận của phóng viên, cầu Quảng Phú đã xây dựng được 6 nhịp và hoàn thiện toàn bộ phần móng và trụ nằm giữa dòng Krông Nô, có chiều dài hơn 100m.

Phía đầu cầu thuộc xã Quảng Phú, nhà thầu đã lắp được 2 dầm bê tông nhưng bỏ hoang nên cỏ mọc um tùm. Phía đầu cầu tại xã Ea R’bin (huyện Lăk) trụ cầu tiếp giáp bờ chưa được nối, dang dở. Toàn bộ phần sắt bị "phơi nắng phơi sương" suốt hơn 20 năm qua đã hoen gỉ, bê tông phủ rêu cũ kĩ. Theo hồ sơ, dự án cầu Quảng Phú trong quá trình xây dựng cầu có 3 lần tạm dừng thi công do liên quan quy hoạch bậc thang thủy điện trên sông Sêrêpốk.

Cầu Quảng Phú xây dựng và được quyết toán hơn 6 tỷ đồng rồi bỏ hoang lâu nay. Ảnh: Quang Yên.

Cầu Quảng Phú xây dựng và được quyết toán hơn 6 tỷ đồng rồi bỏ hoang lâu nay. Ảnh: Quang Yên.

Sau thời gian tạm dừng, cuối tháng 1/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Nguyễn Tuấn Hà, đã ký kế hoạch quản lý, bảo trì đường bộ hệ thống tỉnh lộ năm 2022, trong đó có chủ trương phá dỡ cầu Quảng Phú, huyện Krông Nô với tổng kinh phí 3 tỷ đồng.

Theo đó, cầu Quảng Phú với kết cấu công trình chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa đưa vào khai thác, sử dụng, hơn 20 năm chịu sự tác động của dòng chảy, thời tiết, địa chất khó lường, việc kiểm định, đánh giá chất lượng khó khăn và tốn nhiều kinh phí, khả năng tận dụng lại các hạng mục đã đầu tư không cao. Phần kết cấu công trình nằm phía dưới mực nước, không nhìn thấy bằng mắt thường và với khoảng thời gian gần 20 năm chịu sự tác động của thời tiết diễn biến phức tạp, sự biến đổi, thay đổi của dòng chảy khó lường nên không có cơ sở đánh giá về khả năng chịu tải của kết cấu hiện hữu.

Đặc biệt, quy mô, kết cấu công trình thấp (đã được phê duyệt tại thời điểm cách đây hơn 20 năm), không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong giai đoạn hiện nay.

Như vậy, UBND tỉnh Đăk Lăk cho rằng việc tiếp tục đầu tư cầu Quảng Phú trong thời điểm hiện tại và tương lai là không cần thiết, quy mô đầu tư thấp, kinh phí đầu tư lớn (dự kiến khoảng 30 tỷ đồng), không có hiệu quả; không còn phù hợp với quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của huyện Lăk và huyện Krông Nô.

Do đó, cơ quan chức năng sẽ tháo dỡ cầu Quảng Phú bằng phương pháp thủ công kết hợp với máy móc xe cơ giới: tổ chức phá dỡ 2 mố cầu, 4 trụ cầu; vận chuyển 4 dầm bê tông cốt thép nhịp 18 m để bàn giao UBND huyện Lăk quản lý.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi UBND tỉnh Đăk Lăk có chủ trương chi 3 tỷ đồng để phá dỡ cầu Quảng Phú thì Sở GT-VT tỉnh này đã có đề xuất cơ quan chức năng quan tâm, xem xét bổ sung danh mục đầu tư dự án cầu bắc qua sông Krông Nô tại xã Ea R’Bin trong kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2021 - 2025. Như vậy việc bỏ hơn 3 tỷ đồng phá bỏ cầu cũ để đầu tư cầu mới khiến dư luận bức xúc vì lãng phí.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.