| Hotline: 0983.970.780

Cây ăn quả phía Bắc trước mùa thu hoạch

Thứ Tư 18/05/2022 , 07:25 (GMT+7)

Các vựa cây ăn quả ở phía Bắc đang sắp vào vụ thu hoạch. Việc duy trì giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm vẫn là nền móng cho phát triển bền vững.

LTS. Các vựa cây ăn quả tại các tỉnh phía Bắc đang sắp vào vụ thu hoạch. Bên cạnh công tác phát triển thị trường tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu, việc duy trì các giải pháp tại vùng trồng nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm sẽ vẫn là nền móng quyết định sự phát triển bền vững cho các vùng cây ăn quả.

"3 nhà" cùng quản chặt mã số vùng trồng

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Hải Dương, niên vụ vải 2021 - 2022, toàn tỉnh có hơn 8.900 ha vải, tập trung chủ yếu ở các huyện Thanh Hà, TP Chí Linh. Trà vải sớm (chiếm khoảng 31% tổng diện tích) dự kiến bắt đầu thu hoạch từ ngày 20/5, thu hoạch rộ từ ngày 25/5 - 5/6. Trà vải muộn (chiếm 69% tổng diện tích) dự kiến thu hoạch từ 10/6, thu hoạch rộ từ 15 - 25/6. Sản lượng vải dự kiến trên 60.000 tấn (cao hơn so với 2021 là 55.000 tấn).

Hải Dương đặc biệt chú trọng khâu tổ chức sản xuất, quản lý mã số vùng trồng vải để đảm bảo các yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: Trung Quân.

Hải Dương đặc biệt chú trọng khâu tổ chức sản xuất, quản lý mã số vùng trồng vải để đảm bảo các yêu cầu xuất khẩu. Ảnh: Trung Quân.

Ông Trần Trung Âu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương cho biết: Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã được cấp 96 mã số vùng trồng vải phục vụ xuất khẩu, thuộc 68 vùng với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Trong đó, xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc 63 mã, Hoa Kỳ 13 mã, Nhật Bản 11 mã, Thái Lan 9 mã. Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương đang hoàn thiện các thủ tục để xin cấp mã số thêm cho 37 vùng vải với diện tích 490 ha. Về cơ sở đóng gói, toàn tỉnh hiện có 56 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Âu, để đảm bảo cho quả vải Hải Dương tiếp tục xuất khẩu thuận lợi, nhất là những thị trường khó tính, từ rất sớm, Sở NN-PTNT Hải Dương đã đặc biệt chú trọng khâu tổ chức sản xuất, giao cho Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong việc xin cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... đủ tiêu chuẩn để cấp mã số.

Đồng thời, hỗ trợ các cơ quan chuyên môn cấp huyện, xã trong việc tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác, giám sát các vùng trồng. Lấy mẫu kiểm tra, đánh giá dư lượng thuốc BVTV trong quả vải trước khi thu hoạch. Cung cấp cho các địa phương thông tin liên quan đến quy định của các nước có nhu cầu nhập khẩu quả vải tươi của Việt Nam…

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT cũng có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn quản lý chặt các vùng sản xuất vải phục vụ xuất khẩu. Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn và giám sát việc phòng trừ sâu bệnh, thời gian cách ly sau phun thuốc BVTV, đảm bảo quả vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, đại lý kinh doanh thuốc BVTV không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc cấm…

Các diện tích vải được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, yêu cầu chất lượng. Ảnh: Trung Quân.

Các diện tích vải được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, yêu cầu chất lượng. Ảnh: Trung Quân.

Tại huyện Thanh Hà, thời điểm này, người dân đang tích cực bám sát diễn biến tình hình thời tiết, những quy định, yêu cầu của các nước nhập khẩu để tiến hành chăm sóc các trà vải đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn quy định, sẵn sàng cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Giang, Quản lý Tổ sản xuất vải GlobalGAP số 10 xã Thanh Sơn (Thanh Hà), đồng thời phụ trách kỹ thuật của HTX Ameii Việt Nam (thuộc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam) chia sẻ: Tổng diện tích trồng vải mà ông đang quản lý phục vụ xuất khẩu trên địa bàn xã là 25 ha (tổ sản xuất của xã 10 ha, HTX Ameii Việt Nam 15 ha).

Theo ông Giang, để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu cho quả vải tươi, yếu tố quan trọng nhất là tất cả các hộ tham gia phải thống nhất thực hiện chung một quy trình sản xuất, trong đó việc sử dụng thuốc BVTV phải được đặc biệt lưu ý. Những hộ đã được cấp mã số vùng trồng chỉ được sử dụng những loại thuốc trong danh mục cho phép, tuân thủ đúng quy trình, thời gian phun phòng, có nhật ký ghi chép. Dừng việc phun thuốc BVTV trước khi thu hoạch 10 đến 15 ngày để đảm bảo đủ thời gian cách ly theo quy định.

Ông Giang thông tin thêm: Hiện tại, được sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến xã, tất cả các hộ tham gia sản xuất đều nắm rất vững các yêu cầu về kỹ thuật và chất lượng đối với vải quả xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thu mua như Rồng Đỏ, Ameii Việt Nam… từ đầu vụ đã cử cán bộ kỹ thuật liên tục về kiểm tra, đôn đốc ở tất cả các vườn có ký kết hợp đồng liên kết nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng vải quả xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (bìa trái) cùng lãnh đạo Bộ Công thương, UBND tỉnh Hải Dương thăm các diện tích vải được cấp mã số vùng trồng chuẩn bị xuất khẩu vụ thu hoạch năm 2021. Ảnh: Huy Bình.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (bìa trái) cùng lãnh đạo Bộ Công thương, UBND tỉnh Hải Dương thăm các diện tích vải được cấp mã số vùng trồng chuẩn bị xuất khẩu vụ thu hoạch năm 2021. Ảnh: Huy Bình.

Ngoài ra, hiện đã có khoảng 5 mẫu vải người dân đã chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ. Những diện tích này toàn bộ sử dụng các loại phân hữu cơ (phân hữu cơ công nghiệp, một phần sử dụng cá, đậu tương, phân chuồng ngâm ủ với men vi sinh để bón cho cây) và thuốc BVTV sinh học.

Năm 2021, vải quả trồng theo hướng hữu cơ luôn trong tình trạng cháy hàng, giá bán cao 40.000 đồng/kg (cao hơn vải thông thường 25.000 - 27.000 đồng/kg). Bên cạnh đó, khi canh tác hữu cơ đã giúp đất trở nên tơi xốp, cây vải xanh lâu hơn, sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh...

Theo ông Giang, lợi ích lớn nhất khi thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăm sóc vải phục vụ xuất khẩu là người trồng vừa bảo vệ được sức khỏe của chính mình, môi trường, đất, nguồn nước..., vừa giảm được chi phí sản xuất. Bởi lẽ, việc phun thuốc BVTV đúng thời điểm, theo đợt, có nhật ký ghi chép giúp hạn chế phun tràn lan theo kinh nghiệm như trước đây, gây tốn kém và không hiệu quả.

Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc, người trồng sử dụng phân bón sinh học, hữu cơ nhiều hơn, trong khi các hộ có thể tự tạo ra loại phân bón này bằng việc tận dụng phế phụ phẩm trong chăn nuôi, các loại nguyên liệu sẵn có như đậu tương, cá...

Chuẩn bị phương án trước khó khăn của thị trường

Ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh Quang (Thanh Hà) chia sẻ: Tổng diện tích sản xuất vải của HTX hơn 700 ha, trong đó có 13 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP với tổng diện tích hơn 178 ha. Vụ vải năm 2022, HTX mở rộng thêm 2 vùng với tổng diện tích là 20 ha và 1 vùng nâng cấp sản xuất VietGAP lên GlobalGAP với diện tích là 10 ha. Sản lượng dự kiến khoảng 7.300 tấn.

Dù thị trường dự báo sẽ có nhiều khó khăn, song nông dân và các HTX tại vùng vải Thanh Hà đều tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Huy Bình.

Dù thị trường dự báo sẽ có nhiều khó khăn, song nông dân và các HTX tại vùng vải Thanh Hà đều tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Huy Bình.

Theo ông Hiển, do diện tích và số hộ tham gia lớn nên mỗi vùng sản xuất sẽ có một nhóm trưởng thường xuyên theo dõi, giám sát, hướng dẫn người dân thực hiện đúng các yêu cầu về kỹ thuật, tiêu chuẩn xuất khẩu mà các doanh nghiệp và bạn hàng các nước đặt ra.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng như hầu hết các hộ sản xuất đều chung lo lắng về vấn đề tiêu thụ vải quả năm nay. Vì theo nhiều luồng thông tin, thị trường trong nước và xuất khẩu dự báo sẽ có những biến động khó lường. 

Đối với thị trường xuất khẩu, trước đây phần lớn sản phẩm vải quả tươi được xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện chính sách "zero Covid-19" của nước này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cũng như sản lượng vải xuất khẩu.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam (một trong những đơn vị thu mua và xuất khẩu vải lớn tại địa bàn Hải Dương) cho hay: Năm 2022, các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU... cũng sẽ thắt chặt hơn việc kiểm soát các lô hàng vải trước khi nhập khẩu. Đơn cử thị trường Nhật Bản, thông thường mọi năm chỉ lấy mẫu xác suất trên các lô hàng, nhưng năm nay tất cả các lô hàng đều được kiểm định.

Vụ vải năm nay, các thị trường xuất khẩu quả vải quả tươi của Việt Nam đều thắt chặt hơn việc kiểm soát các lô hàng. Ảnh: Trung Quân.

Vụ vải năm nay, các thị trường xuất khẩu quả vải quả tươi của Việt Nam đều thắt chặt hơn việc kiểm soát các lô hàng. Ảnh: Trung Quân.

Do đó, nếu chỉ cần một khâu nhỏ trong toàn bộ hệ thống từ sản xuất đến đóng gói, bảo quản không tốt hệ lụy sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm tất cả các lô hàng sẽ kéo dài thời gian thông quan, gây áp lực lớn cho công tác bảo quản, chi phí bến bãi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương: Vụ vải năm 2021, ngoài các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU... vải thiều Hải Dương đã mở cửa thành công thêm nhiều thị trường mới như Thái Lan, Anh, Canada, Ý, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Tây ban nha, Đức, Thụy Sĩ, Đan Mạch.

Tổng sản lượng xuất khẩu đi các thị trường cao cấp năm 2021 đạt 5.000 tấn (tăng gấp gần 20 lần so với năm 2020), giá trị theo giá thực tế đạt 1.400 tỷ đồng (tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020). Giá trị sản xuất theo giá cố định hơn 454 tỷ đồng (cao hơn so với vụ vải 2020 là hơn 354 tỷ đồng).

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm