| Hotline: 0983.970.780

Vải thiều được mùa, nhưng chi phí tăng cao

Thứ Hai 16/05/2022 , 06:45 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Năm nay, vùng vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được mùa, song chi phí sản xuất tăng cao, thời vụ thu hoạch dự kiến muộn hơn 10 - 12 ngày so với năm trước.

Sản lượng cao hơn 5 - 10% so với năm trước 

Bà Trịnh Thị Nguyên, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Thanh Hà (Hải Dương) cho biết: Năm 2022, toàn huyện có hơn 3.200 ha vải. Năm nay, thời tiết đầu vụ có các đợt rét sớm đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây vải phân hóa mầm, ra hoa. Trà vải sớm gặp thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả cao (riêng giống vải u trứng trắng đạt thấp, khoảng 20%). Dự kiến sản lượng vụ vải năm nay cao hơn từ 5 -10% so với năm 2021.

Năm 2022, toàn huyện Thanh Hà có hơn 3.200 ha vải, dự kiến sản lượng vải cao hơn từ 5 - 10% so với năm 2021. Ảnh: Trung Quân.

Năm 2022, toàn huyện Thanh Hà có hơn 3.200 ha vải, dự kiến sản lượng vải cao hơn từ 5 - 10% so với năm 2021. Ảnh: Trung Quân.

Vụ thu hoạch năm nay, thời gian cho thu hoạch vải dự kiến muộn hơn từ 10 - 12 ngày so với năm trước. Theo đó, trà vải u hồng, tàu lai cho thu hoạch từ khoảng 25/5 - 5/6; trà vải chính vụ cho thu hoạch từ 10 - 25/6.

Theo bà Nguyên, năm 2022, ngoài duy trì 420 ha đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, huyện Thanh Hà tiếp tục quy hoạch xây dựng mở rộng sản xuất thêm 250 ha để được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, đưa tổng số diện tích vải được cấp giấy chứng nhận lên 670 ha.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, theo dõi, khuyến cáo, hướng dẫn các hộ dân chăm sóc vải theo quy trình, đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Lê Văn Phác, thôn Phúc Giới, xã Thanh Quang (Thanh Hà) cho biết: Gia đình ông trồng 2 mẫu vải theo tiêu chuẩn VietGAP. Mặc dù thời tiết rét đậm, rét hại thời điểm đầu vụ làm nhiều diện tích vải u trứng trắng (trà vải sớm nhất) không đậu quả, một số cây đậu quả nhưng bị rụng. Tuy nhiên, diện tích trà vải này không nhiều nên không ảnh hưởng đến sản lượng chung vì những trà vải chiếm diện tích lớn như trứng gai, u hồng, tàu lai... khi ra hoa đậu quả gặp thời tiết thuận lợi nên năng suất dự kiến cao hơn so với mọi năm.

“Năm trước, trà vải u trứng trắng giá bán cao từ 65.000 - 70.000 đồng/kg, năm nay sản lượng trà vải này thấp hơn cũng hơi hụt hẫng. Tuy nhiên, có các trà vải khác bù lại nên cũng không quá lo lắng”, ông Phác bộc bạch.  

Theo ông Lê Văn Phác, thôn Phúc Giới, xã Thanh Quang (Thanh Hà), vụ vải năm nay sâu đục cuống quả mật độ không cao, nhưng luôn phải cảnh giác, thực hiện phun phòng theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Lê Văn Phác, thôn Phúc Giới, xã Thanh Quang (Thanh Hà), vụ vải năm nay sâu đục cuống quả mật độ không cao, nhưng luôn phải cảnh giác, thực hiện phun phòng theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Phác, đến thời điểm hiện tại, các chủ vườn vẫn theo dõi sát diễn biến thời tiết, tình hình sâu bệnh gây hại trên cây vải để kịp thời xử lý, đảm bảo năng suất và chất lượng vải. Riêng sâu đục cuống quả mật độ năm nay không cao nhưng vẫn phải cảnh giác, thực hiện phun phòng theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, mới đảm bảo sản xuất thắng lợi.

Chị Quách Thị Phượng, Tổ trưởng Tổ sản xuất số 6, thôn 3, xã Thanh Xá (Thanh Hà) chia sẻ: Tổ sản xuất vải do chị quản lý có diện tích 12,6 ha, với số lượng 80 hộ, trồng chủ yếu là vải thiều chính vụ. Năm nay, tỷ lệ đậu quả đạt 70 - 80%. Dự kiến sản lượng năm nay cao hơn so với trung bình các năm.

Vụ vải năm 2021, Tổ sản xuất do chị Phượng quản lý cung cấp 30 tấn vải quả cho các đơn vị xuất khẩu. Sản lượng còn lại được đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng... Trên cơ sở đó, năm nay Tổ sản xuất tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp thu mua kiểm soát nghiêm ngặt 6 ha vải theo quy định để tạo vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

Cũng theo chị Phượng, vụ vải năm nay, sản lượng vải dự kiến cao hơn nên các hộ trồng đều phấn khởi. Tuy nhiên, vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo điệp khúc "được mùa mất giá" rất có thể xảy ra.

Chị Quách Thị Phượng, Tổ trưởng Tổ sản xuất số 6, thôn 3, xã Thanh Xá (Thanh Hà) cho biết năm nay, các chi phí sản xuất vải đều tăng cao so với mọi năm. Ảnh: Trung Quân.

Chị Quách Thị Phượng, Tổ trưởng Tổ sản xuất số 6, thôn 3, xã Thanh Xá (Thanh Hà) cho biết năm nay, các chi phí sản xuất vải đều tăng cao so với mọi năm. Ảnh: Trung Quân.

"Thông thường, vải thiều Thanh Hà thường thu hoạch sớm hơn vải của các tỉnh thành khác từ 10 - 12 ngày. Năm nay, thời gian thu hoạch vải muộn hơn nên chúng tôi đang lo sẽ trùng với khung thời vụ thu hoạch của các địa phương khác, sự cạnh tranh về giá rất dễ xảy ra, giá bán vải có thể sẽ không cao như mọi năm", chị Phượng lo ngại.

Bên cạnh đó, giá các loại vật tư như phân bón, thuốc BVTV, công phun thuốc, thu hái... năm nay cũng đều tăng cao hơn so với mọi năm, do đó nếu tính chi ly thì chi phí sản xuất sẽ cao hơn khoảng 20%, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của các hộ trồng.

Sẵn sàng phương án tiêu thụ

Theo bà Trịnh Thị Nguyên, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Thanh Hà, thời gian thu hoạch vải đang tới rất gần. Để đảm bảo vụ vải thắng lợi, UBND huyện Thanh Hà đã chỉ đạo tất cả đơn vị liên quan bám sát tình hình thực tế, chủ động sẵn sàng các phương án thu hoạch, tiêu thụ vải thiều.

Theo đó, Phòng NN-PTNT đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Huyện cũng chỉ đạo có kế hoạch tuyên truyền trước, trong mùa vải; chủ động đề xuất với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Dương xây dựng các tuyến du lịch kết nối với du lịch sinh thái Sông Hương, các di tích lịch sử, cùng các tiểu vùng du lịch của huyện để quảng bá vải thiều và hình ảnh huyện Thanh Hà với du khách thập phương.

Tổ chức quảng cáo sản phẩm vải thiều của huyện đến các doanh nghiệp, siêu thị, đại lý, các thương nhân và các cơ quan, ban ngành liên quan trên khắp mọi miền đất nước về thu mua sản phẩm của huyện. Phối hợp các cơ quan liên quan của huyện tăng cường kiểm tra tại các xã, thị trấn trong việc thống nhất các điểm thu mua, các hộ kinh doanh đá đông lạnh, đảm bảo cân đúng, cân đủ. Đồng thời, tổ chức lực lượng kiểm tra các điểm cân bằng phép đo lường đối chứng theo quy định của pháp luật.

Hiện tại, công tác chuẩn bị thu hoạch, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều của huyện Thanh Hà đã cơ bản sẵn sàng. Ảnh: Trung Quân.

Hiện tại, công tác chuẩn bị thu hoạch, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều của huyện Thanh Hà đã cơ bản sẵn sàng. Ảnh: Trung Quân.

UBND huyện Thanh Hà cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với các xã Thanh Quang, Thanh Thủy, Thanh Xá, Thanh Cường và Công an huyện trong việc bố trí bãi đỗ xe về thu mua sản phẩm quả vải đảm bảo an toàn giao thông, không để tình trạng ùn tắc giao thông và các hộ thu mua vải quả lấn chiếm lòng lề đường trong vụ thu hoạch vải năm 2022. Tổ chức tham gia tuần lễ vải thiều năm 2022 tại Hà Nội và tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, nhằm quảng bá sản phẩm vải thiều Thanh Hà...

Không thu hoạch khi quả còn xanh

UBND huyện Thanh Hà đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch đảm bảo tiêu thụ sản phẩm quả vải thuận lợi, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền để nhân dân không được thu hoạch sản phẩm khi quả còn xanh, không bán sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đảm bảo an toàn giao thông, quy hoạch bãi tập kết, đỗ xe, lập cam kết với các hộ thu mua, kinh doanh sản phẩm vải quả đảm bảo cân đúng, đủ, ổn định giá cả của sản phẩm. Đặc biệt, đối với thương nhân là người nước ngoài về tham gia kinh doanh sản phẩm trên địa bàn của địa phương phải kiểm tra báo cáo lên các cơ quan liên quan của huyện để tổng hợp báo cáo UBND huyện (qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng) theo quy định của pháp luật...

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.