4 giờ sáng nơi rẻo cao Tây Bắc, khi mặt trời bắt đầu chiếu những tia nắng le lói đầu tiên xuyên qua tán lá, cũng là lúc anh Lù Văn Tiếp ở bản Lạn Bông, xã Tông Lạnh (huyện Thuận Châu, Sơn La) thức dậy để đi cạo mủ cao su như thường ngày. Mặc lên người bộ đồ công nhân cạo mủ của Công ty Cổ phần Cao su Sơn La, trước khi lên đường, chàng trai 26 tuổi không quên giắt con dao cạo mủ vào bên hông.
Tuy mới tham gia vào “gia đình” cao su được hơn 1 năm, thế nhưng anh Lù Văn Tiếp đã được giao phụ trách cạo mủ cho hơn 2.000 gốc cao su. Mỗi ngày, anh sẽ cạo khoảng 1.000 gốc. Sau mỗi đường cạo chính xác và thành thục, từng dòng
mủ trắng chảy ra, nhỏ từng giọt xuống hũ đựng cao su được treo sẵn dưới gốc cây.
“Cái nghề cạo mủ cao su này hay bị ảnh hưởng bởi thời tiết, mưa nắng. Nếu trời mưa thì công nhân chúng tôi sẽ không thể đi cạo mủ được. Trời nắng quá thì mủ sẽ bị khô, chảy không nhiều nên khó cạo hơn rất nhiều. Đó là chưa kể đến việc nếu cây đủ khỏe thì phải từ 2 - 3 ngày sau mới có thể cạo tiếp”, anh Lù Văn Tiếp chia sẻ.
Khó khăn là vậy nhưng những công nhân cạo mủ cao su nơi đây đều có những cách riêng để thích nghi với công việc. Đặc biệt, họ còn có những sáng kiến thông minh để nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian cũng như sức lao động.
Điển hình như sáng kiến dùng móc sắt để lấy mủ đông từ hũ cao su của anh Ngần Văn Bảy, công nhân khai thác mủ cao su tại Nông trường Châu Quỳnh. Là một công nhân gương mẫu, luôn ở tốp đầu "về đích" sản lượng công ty giao hàng năm, sáng kiến của anh Bảy đã được áp dụng rộng rãi toàn nông trường, giúp công tác thu mủ tiết kiệm thời gian hơn.
Cũng như người đồng nghiệp của mình, anh Quàng Văn Minh, Tổ trưởng tổ 2 của Nông trường Châu Thuận đã có sáng kiến dùng xe rùa để vận chuyển mủ cao su trong đường lô về điểm tập kết, góp phần tăng năng suất lao động lên gần 3 lần.
“Do địa hình trồng cao su chủ yếu là đồi dốc nên trước đây, mỗi khi thu hoạch mủ, công nhân chúng tôi thường dùng 2 chiếc xô để xách. Mỗi lần chỉ xách được khoảng 12 - 15kg mủ. Nhưng từ khi dùng xe rùa, mỗi lần chúng tôi chuyển được hơn 40kg. Tôi rất vui khi sáng kiến này đã được áp dụng tại các nông trường trong toàn Công ty. Từ đó, giúp công nhân tiết kiệm sức lao động và thời gian hơn”, anh Minh phấn khởi.
Chảy từng dòng giữa núi rừng Tây Bắc bao la, đó không đơn thuần chỉ là những giọt mủ cao su, đó là tâm huyết, là kỳ vọng, niềm tin của bà con đồng bào thiểu số. Những dòng “vàng trắng” giúp cuộc sống bớt khó khăn hơn, nhà cửa được sửa sang, con cái được đến trường.
Theo ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Tông Lạnh, trên địa bàn xã có hơn 2.500 hộ dân với gần 12.000 nhân khẩu, sinh kế chủ yếu là làm nông nghiệp như trồng lúa, ngô, cà phê và làm cao su. Những năm gần đây, số hộ nghèo trên địa bàn đã giảm xuống con số dưới 10%, điều kiện sống so với các xã lân cận nhỉnh hơn trông thấy.
“Có được kết quả như vậy là do người dân được tham gia lao động tại những nông trường và nhà máy chế biến của Cao su Sơn La. Bên cạnh đó, khi đầu tư trồng cao su, Tập đoàn và Công ty đã hỗ trợ nhiều cho địa phương như xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, xây dựng trụ sở làm việc ủy ban, trường mầm non và các hoạt động xã hội khác; cho công nhân vay vốn ưu đãi để mua trâu, bò về nuôi; hỗ trợ hộ nghèo và các gia đình chính sách trong vùng trồng cao su”, ông Lò Văn Sâm chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Quý, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sơn La cho biết, qua từng năm, việc năng suất và chất lượng sản phẩm không ngừng nâng cao bước đầu đã đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động. Bên cạnh đó, Công ty đã đảm bảo các chế độ như bảo hiểm, bảo hộ lao động để công nhân yên tâm công tác, lao động sản xuất…
Năm 2021, thu nhập bình quân của người lao động tại Công ty đạt gần 5,7 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có rất nhiều công nhân có mức lương 15 - 20 triệu đồng. Đối với một tỉnh miền núi như Sơn La, đây là con số không hề nhỏ, qua đó từng bước tạo niềm tin để bà con vùng cao an tâm gắn bó với cây cao su cũng như vững tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần ổn định an sinh xã hội, quốc phòng tại địa phương.