Năm 2021 là lần đầu tiên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La) xuất khẩu nhãn đi châu Âu. Ngay trong chuyến hàng đầu tiên xuất đi hồi đầu tháng 7/2021, HTX đã được bao tiêu khoảng một tấn rưỡi giống nhãn chín sớm T6.
Do được trồng từ vùng nguyên liệu đạt chuẩn, đóng hộp với đầy đủ mã truy xuất nguồn gốc, bảo quản ở nhiệt độ và độ ẩm tiêu chuẩn, sản phẩm được bán trên kệ siêu thị tại châu Âu với giá khoảng 18 Euro/kg (tương đương gần 500.000 đồng).
Tiếp nối thành công ấy, anh Lường Văn Mười, Giám đốc HTX Hoa Mười tiếp tục đôn đốc thành viên HTX thực hiện nghiêm túc hơn nữa từ khâu chăm sóc, tỉa cành tạo tán cho đến thu hái và vận chuyển.
"Câu đầu tiên tôi muốn nói với thành viên mới trong HTX luôn là "bạn có muốn sống lâu không?". Đó là cái cớ để tôi động viên họ, từ đó đưa ra những tư vấn về thuốc BVTV cũng như quy trình canh tác theo chuẩn hữu cơ", anh Mười nói.
Từ những bỡ ngỡ ban đầu, thành viên HTX Hoa Mười giờ đã nằm lòng các nguyên tắc trong canh tác nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn để quả nhãn có thể xuất khẩu sang trời Âu...
"Trong quá trình thuyết phục bà con, có lúc cũng gặp ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, tôi kiên trì quan điểm sống lâu, sống khỏe của mình. Sống lâu để tận hưởng cuộc sống", anh Mười nói tiếp.
Nhờ phương châm "sống khỏe" này, hơn 20ha nhãn của HTX cho sản lượng đều đặn khoảng 200 tấn. Nhãn đạt nhiều chứng chỉ, trong đó có VietGAP, xuất sang được sang châu Âu và tiếp tục nhận đặt hàng trong niên vụ 2022.
Bên cạnh việc thuyết phục, anh Mười còn đến từng hộ gia đình tuyên truyền về việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ. Anh bảo: "Để thay đổi cách chăm sóc cố hữu của bà con rất khó, cần rất nhiều cố gắng. Tôi kiên trì vừa làm vừa sửa, sửa đến khi nào được mới thôi. Từ những mô hình nhỏ cho năng suất tốt, bán được giá, bà con bị thuyết phục. Hi vọng những đợt xuất khẩu sang châu Âu sẽ mang tới cú hích và một cái nhìn tích cực hơn về nông nghiệp sạch".
Anh Lò Văn Châm, một thành viên trong HTX Hoa Mười, là người hiểu rõ nhất tác dụng của quy trình canh tác mới. Anh kể trước đây sử dụng nhiều thuốc BVTV, đất bị chai cứng, nhãn cho năng suất thấp, còn sức khỏe bị ảnh hưởng. Từ năm 2015, khi anh tham gia HTX và cải tạo, cắt ghép, trồng nhãn chín sớm T6, 150 gốc nhãn của gia đình cho năng suất đều đặn khoảng 15 tấn mỗi vụ.
"Anh Mười dặn tôi kỹ lắm. Bỏ thuốc BVTV không những tốt cho sức khỏe mình, mà còn giúp sản phẩm dễ bán hơn. Giờ tôi không phải mặc đồ bảo hộ đi phun thuốc lúc cây mới ra quả nữa. Đơn hàng của tôi ngày một nhiều. Anh Mười bảo, đó là do mình quan tâm khách hàng, họ sẽ quan tâm lại và tìm tới mình", anh Châm bày tỏ.
Chung niềm vui với bà con, nhưng ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Sơn La vẫn chưa quên những ngày đầu khó khăn đi thuyết phục chuyển đổi phương thức canh tác. Phải mất một vài vụ, người dân mới hiểu bản thân họ mới chính là những người cho ra “trái ngọt”, thay vì cán bộ khuyến nông hay phòng nông nghiệp.
"Để nâng cao sức khỏe cây trồng, chúng tôi tập trung vào các biện pháp như tỉa cành, tạo tán, giúp cây khỏe, sạch bệnh. Ngoài ra, những phương pháp sinh học như bẫy bả, thiên địch cũng được khuyến khích, nhất là với cây ăn quả khi chín", ông Định cho biết.
Sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp Sơn La đã thu được hiệu quả. Ngay trong hai năm đầu triển khai, từ 2018 đến 2020, tỉnh đã xây dựng được hơn 5.000 bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, thu gom được hơn 40 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV tại 12 huyện, thành phố. Ngoài ra, Chi cục Trồng trọt – BVTV còn tăng cường công tác dự báo tình hình sâu hại, tránh hình thành những ổ dịch như đã xảy ra với châu chấu tre lưng vàng năm 2017 - 2018 hay sâu keo mùa thu hại ngô năm 2019.
Song song với đó, Chi cục Trồng trọt - BVTV Sơn La cũng triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn về sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng" trên các phương tiện truyền thông của huyện, tỉnh nhằm nâng cao ý thức của người dân.