Vừa che bóng vừa mang lại nguồn thu lớn
Cây cà phê cần phải có bóng râm nhất định để phát triển. Do đó, trong những vườn cà phê buộc phải trồng cây che bóng. Trước đây, nông dân ở Tây Nguyên thường trồng cây muồng để che bóng cho cây cà phê. Tuy nhiên, cây muồng chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ che bóng chứ chẳng mang lại lợi ích kinh tế.
Khi thực hiện công cuộc tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đã khuyến cáo nông dân nên thay cây muồng bằng các loại cây ăn quả như mít, bơ, sầu riêng để vừa làm nhiệm vụ che bóng vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
“Vườn cà phê cần phải có cây che bóng và cây chắn gió. Cây chắn gió thì trồng xung quanh vườn, cây che bóng trồng trên hàng cà phê.
Trước đây, nông dân chỉ trồng muồng để che bóng, chắn gió cho vườn cà phê. Thế nhưng mấy năm nay, trong công cuộc tái canh cây cà phê, ngành chức năng đã khuyến cáo nông dân thay thế cho cây muồng bằng các loại cây ăn quả với tỷ lệ nhất định, từ 60 – 100 cây/ha”, ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Gia Lai, cho hay.
Theo ông Tuấn, trồng che bóng cho cà phê bằng các loại cây ăn quả phải 6 – 7 năm sau mới có thu hoạch. Tuy nhiên, ghi nhận từ các mô hình ở tỉnh Đăk Lăk cho thấy, cây ăn quả làm nhiệm vụ che bóng, chắn gió trong những vườn cà phê cho thu nhập rất cao, thậm chí còn cao hơn cả cây trồng chính trong vườn.
“Ví như cây sầu riêng năm nay có giá rất “hot”, mang lại thu nhập lớn cho các nhà vườn. Nếu như cây cà phê sau khi trừ chi phí chủ nhà vườn chỉ có lãi từ 80 – 100 triệu đồng/ha thì cây sầu riêng cho lãi ròng đến 200 – 300 triệu đồng/ha”, ông Tuấn cho biết thêm.
Đi thăm vườn cà phê rộng 2,5ha của ông Nguyễn Ngọc Bích ở thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, Gia Lai), chúng tôi được nhìn thấy một màu xanh mới của những cây cà phê đang trong quá trình tái canh và của những loại cây ăn quả thay cho cây muồng làm nhiệm vụ che bóng.
Theo ông Bích, trên diện tích 2,5ha, trước đây ông trồng 2.200 cây cà phê từ năm 1995. Qua 25 năm tuổi, vườn cà phê đã quá già cỗi nên tái canh là điều cần thiết.
Hiện ông đã nhổ bỏ hơn 600 cây cà phê đã hết tuổi khai thác để trồng thay vào đó 350 cây ăn quả gồm bơ và sầu riêng. Những cây ăn quả này thay cho cây muồng làm nhiệm vụ che bóng cho những cây cà phê đã hết tuổi đang được ông “trẻ hóa” bằng cách cưa rồi ghép giống mới vào bên cạnh những cây cà phê trồng mới.
“Do năng lực tài chính không được dồi dào, nên việc tái canh vườn cà phê được tôi làm theo kiểu “bánh tét lột dần”, mỗi năm làm mỗi ít.
Trước đây, tôi làm việc trong ngành cà phê nên kỹ thuật ghép cành rất thông thạo. Trong quá trình tái canh vườn cà phê, theo khuyến cáo của ngành chức năng và dự án VnSAT, tôi trồng 350 cây bơ và cây sầu riêng thay cho cây muồng để vừa làm nhiệm vụ che bóng, chắn gió vừa mang lại kinh tế, trong đó có 240 cây sầu riêng.
Bơ giống tôi mua ở Lâm Đồng, chi phí vận chuyển về đến vườn mỗi cây có giá 110.000 đồng, còn sầu riêng giống tôi mua ở Bến Tre, vận chuyển về đến nhà mỗi cây có giá 190.000 đồng. Trong quá trình tái canh, vườn cà phê của tôi được quy hoạch lại như vườn mới, chi phí khá nhiều nên không thể làm cùng lúc”, ông Bích bộc bạch.
Lấy ngắn nuôi dài
Vườn cà phê tái canh 2.400 cây của ông Nguyễn Văn Nghi (53 tuổi) ở thôn 2, xã Hà Mòn (huyện Đăk Hà, Kon Tum) hiện đã được 20 tháng tuổi đang cho quả bói, bên cạnh đó là vô số cây ăn quả làm nhiệm vụ che bóng, chắn gió với đa chủng loại gồm: Bơ, sầu riêng, mít, cam, quýt, bưởi, ổi, hồng xiêm, xoài, măng cụt, nhãn, chôm chôm… Trên diện tích trồng cà phê ông Nghi còn dành riêng 1 khoảnh đất lớn để trồng đu đủ.
“Cà phê của tôi trồng cây cách cây 3m, hàng cách hàng 3m. Ở giữa 4 hố cà phê sẽ hình thành 1 ngã tư, ngay ngã tư ấy tôi trồng vào cây ăn quả.
Những loại cây bơ, sầu riêng, chôm chôm có tán lá rất rộng nên những loại cây này tôi trồng cây cách cây đến 10m. Khi những loại cây ăn quả nói trên lớn lên, tán của nó tỏa rộng vừa che bóng cho cây cà phê, vừa khiến cỏ không mọc nổi, mình sẽ không mất nhiều công làm cỏ”, ông Nghi chia sẻ.
Dạo quanh vườn cà phê của ông Nghi, chúng tôi nhận thấy những loại cây ăn quả làm nhiệm vụ che bóng cho cà phê nhiều loại đã cho quả, ví như ổi, xoài, cam, quýt.
Theo ông Nghi, 1 cây ổi mỗi năm cho 20kg quả, những năm trước ổi có giá 20.000đ/kg, năm nay ổi hạ giá chỉ còn 10.000đ/kg nên mỗi năm nguồn thu từ loại cây này bị giảm, nhưng cũng còn thu được từ 150.000đ – 200.000đ/cây.
Còn cam, quýt mới ra trái bói nên chỉ cho 10kg/cây, với giá hiện nay là 10.000đ/kg, ông Nghi có thêm khoản thu 100.000đ/cây. Riêng đu đủ chỉ trồng 1 năm là cho quả, hiện mỗi năm 1 cây đu đủ cho ông 50 quả, với giá 20.000đ/quả, mỗi cây đu đủ cho ông Nghi 1 triệu đồng/năm.
“Trong lúc chờ vườn cà phê tái canh đi vào kinh doanh, khoản thu từ những loại cây ăn quả nói trên đã cho gia đình tôi điều kiện xoay sở cuộc sống hàng ngày, đồng thời còn thừa ra để mua phân bón chăm sóc cho vườn cà phê tái canh”, ông Nghi chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Bích ở thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, Gia Lai) đang có 350 cây ăn quả gồm bơ và sầu riêng trong vườn cà phê tái canh phân tích thêm về lợi ích của những loại cây làm nhiệm vụ che bóng, chắn gió cho cây cà phê nói trên.
“Những loại cây ăn quả có mặt trong vườn cà phê mang ý nghĩa là cây che bóng, tuy nhiên trên thực tế chúng cho hiệu quả kinh tế rất cao, thậm chí còn cao hơn cây trồng chính trong vườn là cà phê”, ông Bích khẳng định.
Theo giải thích của ông Bích, cây sầu riêng, loại cây ăn quả “thời thượng” hiện nay khi đã vào thời kỳ kinh doanh sẽ cho năng suất khoảng 2 tạ quả/cây/vụ. Quả sầu riêng hiện nay có giá bán buôn tại vườn là 50.000đ/kg, khi chúng đã ra chợ hoặc vào siêu thị thì giá của nó tăng đến hơn 100.000đ/kg.
Như vậy, cứ 1 tạ sầu riêng chủ nhà vườn có được khoản thu là 5 triệu đồng, mỗi cây sầu riêng mỗi năm cho 2 tạ quả, vị chi chủ nhà vườn cầm trong tay 10 triệu đồng/1 cây sầu riêng.
Đối với cây bơ, nếu được chăm sóc tốt thì từ khi trồng đến 20 tháng sau là ra hoa, đến năm thứ 3 là vào thời kỳ kinh doanh, cho quả rộ. Riêng đối với giống bơ 034 thì mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ, 1 vụ thu hoạch vào tháng 3 và 1 vụ thu hoạch vào tháng 7. Vụ thu hoạch vào tháng 3 hàng năm thì từ tháng 8-9 năm trước đã cho hoa.
Đặc thù của cây bơ là cây đang đeo quả nó vẫn tiếp tục ra hoa , đậu quả, nên chủ nhà vườn có được vụ thu hoạch thứ 2 trong năm. Nếu vụ chính 1 cây bơ cho 1 tạ quả thì vụ thu phụ cho thêm khoảng 20 – 30kg nữa.
Ông Nguyễn Ngọc Bích ở thôn Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, Gia Lai): “Cây ăn quả làm nhiệm vụ che bóng không đầu tư nhiều như cây cà phê tái canh, nhất là công chăm sóc. Cây cà phê “nuốt” rất nhiều công, từ cắt cành đến tưới nước, làm cỏ, bón phân.
Riêng khoản phân mỗi năm phải được bón 5 lần, 3 lần trong mùa mưa và 2 lần trong mùa khô. Đó là chưa nói đến công thu hái khi cà phê đến kỳ cho thu hoạch.
Còn cây ăn quả đến mùa thu hoạch chỉ cần gọi thương lái, họ đến xem vườn, thống nhất giá mua, sau đó họ thuê công hái, mình không đụng chân đụng tay gì đến công đoạn thu hoạch, chỉ đợi quả xuống nằm dưới đất là cân lên tính tiền. Cây che bóng nuôi cà phê tái canh”.