Đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của Khánh Hòa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu vào tháng 3/2011.
Từ TP. Nha Trang chúng tôi vượt hàng trăm km đến huyện miền núi Khánh Sơn, “thủ phủ” trồng sầu riêng. Thời điểm này nông dân tập trung chăm sóc để chuẩn bị thu hoạch cuối tháng 8 tới. Đây là thời điểm trái vụ so với những vùng trồng sầu riêng khác.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn cho biết, cuối năm 1999, sau khi nghiên cứu về các yếu tố khí hậu, chất đất địa phương và đặc tính của cây sầu riêng, huyện đặt mua hơn 1.000 cây giống của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam về trồng thử nghiệm.
Không ngờ cây hợp với chất đất, sầu riêng Moong Thoong (Thái Lan) cho trái rất lớn, trọng lượng trung bình 4 - 5 kg/trái, cá biệt có nhiều trái đạt 7 - 8 kg; mắt gai to, vàng hơn; múi đều, to, căng mọng và vàng ươm. Vị ngọt thanh, bùi bùi, còn hạt rất lép. Người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn hẳn sầu riêng ở nhiều vùng khác.
Cũng theo ông Hiếu, một lợi thế nữa của sầu riêng nơi đây là ra hoa, kết trái muộn hơn so với các tỉnh Nam bộ từ 1,5 - 2,5 tháng. Đây cũng chính là ưu thế cạnh tranh của sầu riêng Khánh Sơn.
“Khi sầu riêng Nam bộ hết mùa thì sầu riêng Khánh Sơn mới bắt đầu có mặt trên thị trường. Các thương lái sẵn sàng ứng vài trăm triệu đồng khi cây sầu riêng vừa trổ bông mà không cần biết giá bán đích thực khi thu hoạch là bao nhiêu”, ông Hiếu chia sẻ.
Đến nay, Khánh Sơn đã có hơn 500 ha sầu riêng, sản lượng bình quân hàng đạt 1.500 - 1.800 tấn với giá thu mua ổn định từ 18.000 - 35.000 đ/kg. Sầu riêng đã trở thành một cây chủ lực giúp nhiều hộ dân xoá đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn sầu riêng rộng chừng 1 ha (tương đương 150 cây) được trồng từ năm 2006 cho lãi ròng trên 100 triệu đ/năm của hộ ông Lương Tí (tổ dân phố Hạp Thạnh, thị trấn Tô Hạp), chị Bo Thị Kiên, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn cho biết, xét về hiệu quả kinh tế, cây sầu riêng hiện nay là cây làm giàu của nông dân. Bình quân 1 ha sầu riêng đầu tư khoảng 40 triệu đồng, sau 3 - 4 năm bắt đầu cho thu hoạch, lãi ròng có thể đạt từ 70 - 90 triệu đồng, cá biệt có hộ đạt 100 - 150 triệu đ/ha, nếu đầu tư thâm canh cao.
Nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển, mở rộng diện tích sầu riêng, huyện Khánh Sơn có chính sách hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% cây giống, những hộ khác được cung cấp theo chương trình trợ giá trợ cước. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, mở rộng mạng lưới khuyến nông tại các xã, thị trấn để hướng dẫn bà con chăm sóc… |
Chị Kiên còn cho biết, sầu riêng được trồng nhiều nhất ở xã Sơn Bình vì khí hậu và chất đất ở đây rất phù hợp. Nhờ trồng sầu riêng mà đời sống bà con nơi đây trở nên khấm khá và xuất hiện nhiều “đại gia” như hộ ông Cao Văn Sang, Đậu Dương Trần Nguyễn, Nguyễn Văn Dư…
Đến thăm vườn sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Dư, thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình, chúng tôi thật sự trầm trồ trước những cây sầu riêng giống Moong Thoong, Chín Hóa đứng ngay hàng thẳng lối, trái treo lúc lỉu. Ông Dư cho biết: “Với diện tích 6 ha sầu riêng, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch đạt 80 - 100 tấn, bán với từ 20.000 - 21.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí có lãi từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng”.
Còn gia đình anh Cao Văn Sang, người cùng thôn có 12 ha sầu riêng, trong đó 6 ha ở thời kỳ kinh doanh được đầu tư thâm canh cơ bản, áp dụng hệ thống tưới phun cho cây, có đội ngũ kỹ thuật trực tiếp làm vườn. Riêng vụ sầu riêng năm nay vườn nhà ông ước năng suất đạt 200 tấn. Hiện thương lái ở Đồng Nai đã xem vườn ngả giá thu mua từ 25.000 - 27.000 đ/kg. Như vậy ông có thu nhập hàng tỷ đồng.
Ông Lê Quang Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Bình chia sẻ, toàn xã có khoảng 200 hộ trồng sầu riêng với diện tích gần 200 ha, trong đó có 5 hộ thu nhập tiền tỷ, 20 hộ thu nhập hàng trăm triệu... Đây quả là con số ấn tượng ở vùng miền núi này. (Còn nữa)