Mỗi vụ thu về hơn 100 triệu đồng/ha
Giống lúa tím than là loại lúa thảo dược có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều vitamin và khoáng chất như: Omega, sắt, các nhóm vitamin... rất tốt cho sức khỏe. Gạo sản xuất từ lúa tím hiện đang được nhiều thị trường ưa chuộng.
Hiện nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Long Hải (ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) có 20 xã viên và tổng diện tích hơn 145 ha, chủ yếu sản xuất giống lúa tím kết hợp nuôi tôm, cua, cá xen canh. Huyện Phước Long nằm tại khu vực giáp ranh mặn – ngọt nên rất thuận tiện cho việc nuôi tôm và trồng lúa.
Theo ông Lê Văn Liêm, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Long Hải, giống lúa tím có 3 ưu điểm lớn. Một là chịu mặn, chịu hạn, chịu khô rất mạnh. Hai là ít sâu bệnh và không đạo ôn. Ba là năng suất cao và giá ổn định.
“Về đầu ra bao tiêu cho bà con, HTX đã liên kết với một số doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng và Tiền Giang hàng năm đầu tư giống, phân, thuốc; đến khi lúa chín thì mua với giá thị trường. Hiện các ruộng lúa của người dân xã viên HTX đều triển khai xen canh tôm, cua. Mỗi vụ có thể mang lại tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha”, ông Lê Văn Liêm chia sẻ.
Là một trong những xã viên của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Long Hải, với diện tích 3 ha, gia đình ông Nguyễn Văn Chung đã sản xuất giống lúa tím trên đất tôm được 3 năm nay. Với kinh nghiệm của nhà nông, ông Chung đánh giá giống lúa tím rất dễ trồng, sinh trưởng tốt, phát triển nhanh, ít sâu bệnh, năng suất khá, chi phí sản xuất không quá cao.
“Nhược điểm duy nhất của giống lúa này là hay bị nhiễm khuẩn. Thế nhưng vấn đề này hiện nay lại rất dễ xử lý, chỉ cần xịt một lần thuốc diệt khuẩn là ổn”, ông Nguyễn Văn Chung cho hay.
Theo người nông dân, với 3 ha trồng lúa tím, mỗi vụ ông Chung sẽ chỉ cần sử dụng từ 35 - 40kg phân bón và 2 lần phun thuốc BVTV. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Long Hải cũng như ngành nông nghiệp địa phương, người dân đã và đang dần chuyển hướng sang bón phân sinh học theo hướng hữu cơ.
“Hiện nay vấn đề đầu ra đã được HTX liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu 100%. Năm nay lúa tím của chúng tôi được mua với giá 5.900 đồng/kg. Với mức giá ổn định như vậy, người nông dân có thể yên tâm sản xuất”, ông Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Mở rộng 15.000 ha sản xuất lúa - tôm
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, năm 2021, địa phương triển khai sản xuất nuôi trồng thuỷ sản với diện tích trên 22.000 ha, trong đó diện tích sản xuất theo mô hình lúa - tôm xấp xỉ 14.000 ha. Thời gian qua, huyện đã được tỉnh Bạc Liêu chấp nhận chủ trương đầu tư mở rộng diện tích lúa trên đất tôm lên 15.000 ha.
Chia sẻ với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Mến, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phước Long, cho biết: “Mô hình lúa - tôm là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, rất phù hợp triển khai tại vùng giáp ranh mặn - ngọt. Những năm qua, Phòng Nông nghiệp huyện đã khuyến khích bà con nông dân mở rộng mô hình trồng lúa trên đất tôm. Đến thời điểm hiện tại, đã có trên 11.000 ha diện tích sản xuất lúa ổn định trên đất tôm.”
“Thời tiết năm nay rất thuận lợi cho việc phát triển lúa trên đất tôm do có lượng mưa đều. Đặc biệt năm nay nước đầu nguồn về rất sớm, đến nay nước đã về hết trên địa bàn huyện Phước Long. Đây là điều kiện tốt để lúa trên đất tôm phát triển ổn định”, ông Nguyễn Hồng Mến nhận định.
Cũng theo Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phước Long, những năm qua, huyện đã phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu triển khai các mô hình sản xuất các giống lúa mới trên nền đất nuôi tôm. Cụ thể, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư hỗ trợ diện tích sản xuất lúa ST24, ST25 trên nền đất nuôi tôm với 1.500 ha trong năm 2020 và 3.000 ha trong năm 2021.
Bên cạnh đó, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn cũng tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp lúa gạo để đưa một số giống mới như lúa tím vào sản xuất trên đất tôm. Với diện tích sản xuất khoảng 100 ha, hiện giống lúa tím đang phát triển tốt.
Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp của người nông dân trên địa bàn huyện Phước Long vẫn còn phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Tuy diện tích sản xuất mô hình lúa - tôm dự kiến mở rộng lên đến 15.000 ha nhưng chỉ 12.000 ha có thể ổn định sản xuất.
Từ đó, Phòng Nông nghiệp huyện Phước Long kiến nghị tỉnh Bạc Liêu cũng như Bộ NN-PTNT đầu tư, hỗ trợ công tác đưa nước ngọt về để đảm bảo phục vụ sản xuất tại những vùng chuyển đổi cơ cấu, đặc biệt là vùng sản xuất lúa – tôm.
“Đợt hạn mặn năm 2019-2020 rất khắc nghiệt. Tuy nhiên sau khi cống âu thuyền Ninh Quới được đưa vào hoạt động, công trình đã kịp thời đưa nước ngọt về, ngăn mặn và giúp người nông dân chủ động nguồn nước, đảm bảo sản xuất”, ông Nguyễn Hồng Mến, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.