| Hotline: 0983.970.780

ĐBSCL: Thả tôm trong ruộng lúa hữu cơ, lợi nhuận kép

Thứ Năm 18/11/2021 , 17:46 (GMT+7)

Những sản phẩm nông nghiệp đến từ mô hình lúa - tôm đều được đánh giá là mặt hàng nông sản chất lượng cao, hoàn toàn đủ khả năng chinh phục thị trường quốc tế.

Mô hình thả tôm trong ruộng lúa mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mô hình thả tôm trong ruộng lúa mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thu về 100 triệu đồng mỗi năm từ mô hình lúa - tôm

Vừa chèo chiếc thuyền nhỏ đi thăm lúa, vừa kéo lú tôm để khoe với chúng tôi, người đàn ông 70 tuổi tỏ vẻ hài lòng khi năm nay, cả ruộng lúa và đàn tôm của ông đều phát triển tốt.

Đó là ông Phạm Thành Vân ở ấp Nam Quý, xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Từ năm 2017 đến nay, gia đình ông đã tham gia vào HTX Nông nghiệp Nam Quý để sản xuất một vụ lúa, một vụ tôm với diện tích gần 12ha, mỗi năm thu về khoảng 70 - 80 triệu đồng lợi nhuận.

“Sản xuất theo mô hình lúa - tôm, tôi không dùng phân hóa học mà chỉ dùng phân sinh học nhưng lúa vẫn khỏe mạnh, không thấy sâu bệnh hại. Năm nay thời thiết khá thuận lợi nên cả lúa và tôm đều phát triển tốt”, ông Phạm Thành Vân phấn khởi.

Hiện tại, các thành viên của HTX Nông nghiệp Nam Quý có liên kết hợp đồng với 2 đơn vị doanh nghiệp là Công ty Hồ Quang Trí Sóc Trăng và Công ty TNHH tôm lúa hữu cơ nông nghiệp An Giang. Công ty sẽ đầu tư giống, phân bón gốc, phân bón lá. Đến khi thu hoạch Công ty sẽ đến thu mua, sau khi trừ đi các khoản vật tư thì trả lợi nhuận cho bà con nông dân.

HTX Nông nghiệp Nam Quý có 16 thành viên, mỗi năm sản xuất một vụ tôm một vụ lúa trên tổng diện tích 67ha. Trong đó, 30,5ha đã được chứng nhận chuẩn hữu cơ trong 3 năm liên tiếp.

Theo ông Phạm Chí Thương, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Quý, vùng đất nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, mỗi năm đều có cả nước mặn và nước ngọt.

“Trước đây mỗi năm có 3 tháng mặn và 9 tháng ngọt nhưng do biến đổi khí hậu nên hiện giờ có 8 tháng mặn, 4 tháng ngọt. Dưới sự hướng dẫn của ngành nông nghiệp địa phương, người nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất một vụ tôm một vụ lúa để phù hợp với tình hình thực tế”, ông Phạm Chí Thương cho biết.

Cũng theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Quý, người nông dân hiện đang sản xuất 2 giống lúa ST25 và ST tím. Sản lượng lúa hàng năm là 7 tấn/ha, sản lượng tôm là 2 - 3 tấn/ha. Với mức giá bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp là 9.000 đồng/kg cho giống ST25 và 10.000 đồng/kg cho giống ST tím, lợi nhuận bình quân của mỗi thành viên HTX là khoảng hơn 40 triệu đồng/ha/vụ. Còn đối với tôm là 70 - 90 triệu đồng/ha/vụ.

Ông Phạm Chí Thương nhận định: “Nhìn chung việc sản xuất lúa của người dân ổn định do có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Hiện nay bà con đang rất mong muốn được hỗ trợ về mặt kỹ thuật để nâng cao hơn nữa hiệu quả trồng lúa, nuôi tôm; đồng thời cũng muốn tìm những doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho sản phẩm tôm sạch, chất lượng cao”.

Người nông dân nhận định thời tiết năm nay thuận lợi cho cả trồng lúa lẫn nuôi tôm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Người nông dân nhận định thời tiết năm nay thuận lợi cho cả trồng lúa lẫn nuôi tôm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cũng mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất lúa - tôm từ 10 năm nay, ông Đặng Hoài Thanh (ấp Mười Chợ, xã Đông Hưng, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) có gần 2ha diện tích trồng lúa một bụi đỏ và nuôi tôm sú.

Tuy không phải sử dụng thuốc BVTV nhưng cây lúa của ông Thanh vẫn khỏe mạnh, chất lượng đạt yêu cầu. Người nông dân cho rằng tình hình thời tiết năm nay khá thuận lợi cho sản xuất lúa, độ mặn không quá cao nên lúa phát triển tốt.

“Mỗi năm cứ đến đầu tháng 11, sau khi thu hoạch lúa tôi sẽ xử lý nước để thả tôm. Đến tháng 8 sang năm sẽ quay vòng sản xuất lúa trở lại. Ngoài nuôi tôm tôi còn thả thêm cua để tăng thu nhập. Mỗi năm lợi nhuận thu về khoảng 100 triệu đồng”, ông Đặng Hoài Thanh chia sẻ.

Nâng cao chất lượng nông sản, hướng đến thị trường xuất khẩu

Những năm gần đây, trước tình hình xâm ngập mặn ngày càng gia tăng, ngành nông nghiệp huyện An Biên đã thực hiện chủ trương chuyển đổi sản xuất nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện đã chuyển đổi gần 15.000ha diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang mô hình một vụ tôm một vụ lúa. Đến nay đã có 20.000ha diện tích sản xuất theo mô hình lúa - tôm.

Thời điểm hiện tại, toàn huyện An Biên đã kết thúc vụ tôm, bà con đã cải tạo ruộng và gieo sạ được 18.000 tấn. Qua triển khai mô hình sản xuất một vụ tôm một vụ lúa, người nông dân đều đánh giá mang lại hiệu quả cao hơn so với chỉ sản xuất một vụ lúa như trước đây.

Sản phẩm nông nghiệp của người nông dân hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sản phẩm nông nghiệp của người nông dân hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trang Minh Tú, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Biên, cho biết, nhờ việc công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng và bắt đầu đưa vào vận hành, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều mô hình sinh kế cho bà con như: mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình sản xuất lúa - tôm thích ứng biến đổi khí hậu, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP.

Theo trưởng phòng NN-PTNT huyện An Biên, mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương là lúa và tôm sú. Hiện nay, đối với con tôm, dưới sự chỉ đạo của Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, huyện đang đẩy mạnh những mô hình sản xuất tôm sạch, đồng thời triển khai việc cấp mã số vùng nuôi để phục vụ cho truy xuất nguồn gốc.

Đối với lúa, huyện đang triển khai trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ và VietGAP để cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch cho người tiêu dùng, hướng tới nâng cao giá trị cây lúa, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích sản xuất của người nông dân.

“Bên cạnh đó, trên thực tế, với việc sản xuất lúa - tôm theo hướng chất lượng cao, những sản phẩm nông nghiệp của người nông dân hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu của các thị trường xuất khẩu trên thế giới”, ông Tranh Minh Tú nhận định.

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Thương hiệu quốc gia Việt Nam 'Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh'

Tối 4/11, tại Hà Nội diễn ra Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 với chủ đề ‘Vươn mình tiến vào kỷ nguyên Xanh’.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...