Đã có giai đoạn, cây su su có giá, cây mận bị phá đi để trồng su su. Nhưng rồi su su có năm chỉ 400 - 500 đồng/kg, người Vân Hồ lại bỏ su su quay lại trồng mận.
Quả mận ngày càng có giá nên từ năm 2015 - 2016 trở lại đây, bên cạnh các diện tích mận đã có, người dân bắt đầu chuyển mạnh sang trồng mận.
Theo UBND xã Vân Hồ, nếu như năm 2016, diện tích mận toàn xã chỉ khoảng trên dưới 100 ha thì đến nay đã tăng lên gần 300 ha, gấp 3 lần. Cùng với đó những năm gần đây, hàng loạt cây ăn quả mới như nhãn, xoài, các loại cây có múi như cam, bưởi... cũng ào ạt thế chân các diện tích ngô.
Đến năm 2020, diện tích ngô toàn xã giảm tới 60% so với năm 2019, cả xã gần như cây ngô không còn đáng kể.
Ông Mùi Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hồ bảo rằng ngay trong huyện Vân Hồ, nhưng không phải chỗ nào cũng trồng được mận. Xã Vân Hồ chỉ cách xã Chiềng Khoa cùng huyện vài km, nhưng cây mận đưa sang Chiềng Khoa trồng dù rất tốt nhưng lại chẳng ra quả, hoặc có quả thì bé, ăn có vị đắng.
Trời phú cho Vân hồ khí hậu mát mẻ quanh năm, nên cây bỏ lay lắt trên nương, trước kia chẳng ai chăm bón, trồng như cây rừng mà năm nào cũng ra quả trĩu trịt. Không thấy năm nào mận mất mùa, dù nắng hạn hay giá rét tới mấy.
Những năm qua, diện tích cây ăn quả của xã tăng tốc liên tục, đặc biệt là kể từ khi nhà máy chế biến rau quả của Tập đoàn TH triển khai xây dựng ở xã Vân Hồ, nhiều diện tích cây có múi, xoài, nhãn tăng rất nhanh chóng.
Tuy nhiên trên thực tế, cây mận vẫn đang là cây ăn quả chủ lực, chiếm trên 1/3 tổng diện tích cây ăn quả toàn xã, cho thu nhập bình quân trên 350 triệu đồng/ha/năm, đứng hàng đầu trong các loại cây trồng.
Mặc dù vậy những năm gần đây, trong khi hàng năm đều có rất nhiều chương trình, dự án tập huấn về kỹ thuật cho bà con trong xã về các loại cây ăn quả mới như xoài, nhãn, cây có múi, rau củ, thì cây mận lại gần như không có chương trình hay dự án nào để phổ biến kỹ thuật thâm canh cho bà con để nâng cao năng suất, chất lượng.
Vì thế nên trong khi các vùng trồng mận tại Mộc Châu hiện nay đã có kỹ thuật rất cao, tỉa cành tạo tán, bón phân, thậm chí tưới nhỏ giọt, đầu tư lưới che mưa đá... rất bài bản, thì vùng mận của Vân Hồ lại đang bị bỏ lơ, quả nhỏ, năng suất, chất lượng còn thua xa so với Mộc Châu.
Bản Chiềng Đi 1 và 2 là vùng mận tập trung lớn nhất hiện nay của xã Vân Hồ, với diện tích hàng trăm hecta.
Những năm qua, chuyện kiếm tiền trăm triệu từ cây mận đối với đồng bào người Mông ở đây không còn là việc khó. Nhưng hầu hết các hộ ở đây vẫn chỉ đang trồng mận theo kiểu được chăng hay chớ.
Ngoài 2ha mận trồng từ thập niên 90, vài năm trở lại đây, cũng như nhiều hộ dân trong bản, hộ ông Vàng A Lừ đã chuyển toàn bộ gần 6ha ngô sang trồng mận.
Nhưng nói về kỹ thuật, ông Lừ thổ lộ mới chỉ từ vụ mận năm 2020, ông mới biết tỉa cành, chú ý đầu tư phân bón cho cây mận, chứ từ trước tới nay chẳng mấy ai quan tâm.
Những vườn mận ở Chiềng Đi lá vàng ố, gầy guộc, cành thưa, vươn dài loằng ngoằng, quả khá sai, nhưng không đều, đa số quả bé, ăn chua, chứ không như những vườn mận to như chén trà, đều tăm tắp như ở các vùng mận tại Mộc Châu.
Phó Chủ tịch UBND xã Mùi Văn Thủy cũng băn khoăn, đa số diện tích mận được trồng trước năm 2000, đã già cỗi, có những vườn trồng từ những năm 90, thân đã rỗng ruột, chết ruột. Bà con phá đi thì tiếc, nhưng giữ lại thì năng suất thấp, thu hái rất khó khăn.
Mận tam hoa được trồng phổ biến ở Vân Hồ, ngoài trà chính vụ (thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 6 hàng năm), còn có trà mận trái vụ (thu hoạch vào cuối năm). Mận trái vụ thường có giá bán cao gấp 3-4 lần so với mận chính vụ, có năm 100 nghìn đồng/kg tại vườn, tuy nhiên do chưa có kỹ thuật xử lí ra hoa đậu quả, nên năng suất rất thấp...
Vì vậy, xã đang rất cần có các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ bà con về cây giống mận đảm bảo chất lượng để tái canh, trồng mới, đồng thời hỗ trợ kỹ thật canh tác, thâm canh cây mận nhằm tăng hơn nữa giá trị cho bà con.