| Hotline: 0983.970.780

Cây mì mắc bệnh... nan y

Thứ Hai 18/05/2009 , 08:15 (GMT+7)

Trong khi chuẩn bị thu hoạch thì hàng ngàn ha mì (sắn) ở Quảng Ngãi nhiễm phải một bệnh lạ, gây thiệt hại cho người trồng mì khoảng 15 tỉ đồng.

* Giống mì KM94 có vấn đề?

Cán bộ Chi cục BVTV và C.ty kiểm tra một rẫy mì bị bệnh lạ

Trong khi chuẩn bị thu hoạch thì hàng ngàn ha mì (sắn) ở Quảng Ngãi nhiễm phải một bệnh lạ, gây thiệt hại cho người trồng mì khoảng 15 tỉ đồng.

Theo chân đoàn kiểm tra Chi cục BVTV tỉnh và Cty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, chúng tôi leo lên huyện miền núi Sơn Hà. Với diện tích gần 5.000ha, nơi đây được xem là thủ phủ mì của Quảng Ngãi. Mặc dù đang là thời vụ thu hoạch, nhưng khác với không khí tất bật vụ mì năm ngoái giờ đây là sự ảm đạm khó tả.

Tại một rẫy mì nằm thôn Hà Bắc, xã Sơn Thành, lau vội những giọt mồ hôi chảy dài trên mặt, bà Đinh Thị Nhu (38 tuổi) chỉ vào số mì chưa nhổ nhưng phần thân đã chết khô nằm phơi dưới nắng lắc đầu: "2 năm rồi tao trồng mì nhưng có thấy cây mì như thế này đâu".

Không riêng hộ nào, tình trạng cây mì bị nhiễm bệnh lạ xảy ra ở tất cả các địa phương của Quảng Ngãi, nặng nề hơn cả là vùng miền núi. Trầm trọng nhất phải kể đến huyện Sơn Hà với diện tích cây mì bị bệnh chiến 2.000/5.000ha. Riêng các xã Sơn Thành, Sơn Cao khoảng 1.000ha mì bị bệnh. Kế đến là huyện Minh Long, với tỉ lệ mì nhiễm bệnh chiếm 60-70% diện tích, huyện Trà Bồng từ 40- 50%...Ông Huỳnh Tấn Sinh, NM Chế biến mì Sơn Hải- Cty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi cho biết: Bình thường năng suất mì ở Sơn Hà từ 15-17 tấn/ha, độ bột đạt khoảng 28 độ. Tuy nhiên khi bị bệnh thì cả sản lượng và độ bột giảm 30- 50%, thiệt hại 3 triệu đồng/ha. Nhiều trường hợp giảm đến 80%, không ít rẫy mì bị bệnh làm hư 100%.

Không những nông dân bị thiệt hại, mà các NM chế biến mì cũng khốn khổ. Ông Ngô Văn Tươi, Phó TGĐ Cty CP NSTP Quảng Ngãi lo lắng: Vụ năm 2009 này, tổng sản lượng mì củ DN thu mua giảm 15.000 tấn. Bên cạnh đó, chất lượng bột cũng không bằng so với trước. Tuy nhiên điều đáng lo nhất là nếu không sớm tìm được chính xác tác nhân gây bệnh sẽ phá huỷ cả vùng trồng mì. Theo KS Lê Nhi cũng thuộc Cty CP NSTP Quảng Ngãi thì cách đây 3 năm cây mì cũng đã bị bệnh này.

Thế nhưng mức độ không nghiêm trọng và diện tích mì bị nhiễm không nhiều lắm. Hồi đó Cty cũng đã gởi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm nhưng người ta nói mẫu bệnh không thích hợp nên chưa xác định được "thủ phạm". Qua quan sát, cây mì thường nhiễm bệnh giai đoạn 6- 8 tháng tuổi cho đến khi thu hoạch. Khi bị bệnh, phần thân cây nứt xì mủ, đẻ nhánh và chết dần.

Ông Phạm Bá, Phó Chi cục trưởng BVTV tỉnh cho biết: Bệnh do một loại virút gây ra và chỉ gây hại trên giống mì KM94 ở miền núi, còn đồng bằng tỷ lệ nhiễm bệnh ít hơn. Bệnh lan rộng và phát triển mạnh vào những năm mưa kéo dài, độ ẩm cao. Muốn xác định chính xác loại virút gây hại cần lấy mẫu bệnh phẩm trong thời điểm thích hợp, việc này Chi cục không thể làm được (!?). Trước mắt Chi cục chỉ biết hướng dẫn người dân xử lý hom giống bằng vôi, điều chỉnh thời gian trồng thích hợp để có thể thu hoạch trước mùa mưa. Được biết không chỉ Quảng Ngãi mà cây mì Quảng Nam, Bình Dương và các tỉnh Tây Nguyên...cũng đã bị nhiễm bệnh này. 

Người trồng mì chưa hoàn hồn sau vụ mì xuống giá đến đáy cuối năm ngoái thì lại vướng một vụ mì dịch bệnh. Ở huyện Minh Long và huyện Sơn Hà, nông dân để mì chết khô ngoài đồng không thèm thu hoạch. Theo thông tin cuối giờ chiều qua NNVN nhận được thì bệnh trên cây mì có thể không còn là lạ nữa mà khả năng đây là bệnh xì mủ.

Hải Yến - Phương Trà

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Mưa dông khiến nhiều diện tích sầu riêng bị gãy đổ, rụng quả la liệt

Những cơn mưa dông đầu mùa đã khiến nhiều diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị gãy đổ, quả rụng la liệt trước sự bất lực của người dân.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.