| Hotline: 0983.970.780

"Cây ngửi bom" giúp ngăn chặn khủng bố

Thứ Tư 02/02/2011 , 08:44 (GMT+7)

Các nhà khoa học tác động tới cây cối để chúng chuyển từ màu xanh sang màu trắng khi phát hiện TNT trong không khí.

Khi kẻ khủng bố mang bom vào sân bay, một cây gần hắn đột nhiên chuyển từ màu xanh sang màu trắng và tín hiệu cảnh báo được truyền tới các máy bộ đàm của cảnh sát.

Phong lan và một số loại cây khác trong một sân bay. Nếu đây là"cây ngửi bom", chúng sẽ chuyển thành màu trắng khi phát hiện thuốc nổ TNT trong không khí

Đó không phải là một cảnh trong phim viễn tưởng, mà có thể xảy ra ngoài cuộc sống thực. Fox News đưa tin các nhà khoa học của Đại học Colorado, Mỹ tác động tới cây cối để chúng chuyển từ màu xanh sang màu trắng khi phát hiện một lượng nhỏ thuốc nổ TNT trong không khí. Kỹ thuật tạo "cây ngửi bom", được công bố trên tạp chí khoa học PloS One và do Bộ An ninh nội địa Mỹ tài trợ, có thể được ứng dụng tại các phi trường trong vài năm nữa.

“Ý tưởng tạo ra cây có khả năng phát hiện thuốc nổ tới từ thiên nhiên. Cây cối không thể chạy hay lẩn trốn hiểm họa, vì thế chúng tạo ra những hệ thống phức tạp để bảo vệ bản thân”, giáo sư June Medford, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Colorado, phát biểu.

Medford cùng các đồng nghiệp trong khoa Sinh học tìm ra cách tác động tới các hệ thống tự vệ của thực vật để chất diệp lục biến mất khi chúng phát hiện thuốc nổ, khiến toàn bộ cây chuyển từ màu xanh sang màu trắng. Ngoài thuốc nổ thực vật còn phát hiện được một số chất khác.

Hiện tại nghiên cứu đang ở giai đoạn sơ khai nên cây cần tới vài giờ để phát hiện hóa chất, song Medford hy vọng thời gian đó sẽ chỉ còn vài phút trong tương lai. Cây mà họ tạo ra có độ nhạy đối với thuốc nổ gấp 100 lần trở lên so với những con chó nghiệp vụ được đào tạo để tìm bom.

Do những ứng dụng thực tế của “cây ngửi bom”, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định tài trợ cho nhóm Medford 7,9 triệu USD trong ba năm để họ tiếp tục nghiên cứu.

“Cây ngửi bom sẽ phát hiện chất nổ và bảo vệ binh sĩ của chúng tôi khỏi những quả bom được kích nổ từ xa”, Linda Chrisey, một chuyên gia thuộc Cơ quan Nghiên cứu Hải quân Mỹ, phát biểu.

Mục tiêu xa hơn của Medford và các đồng nghiệp là tác động vào các hệ thống tự vệ của cây để chúng phát hiện cả những chất gây ô nhiễm trong không khí.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.