Brazil sản xuất ra 4/5 sản lượng nước cam xuất khẩu của thế giới, 1/2 sản lượng đường xuất khẩu, 1/3 sản lượng cà phê xuất khẩu và 1/3 sản lượng đậu tương, ngô dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Vì vậy, khi mùa màng của Brazil bị cháy, đóng băng và chịu thêm đợt hạn hán tồi tệ nhất trong một thế kỷ đã khiến thị trường hàng hóa toàn cầu rung chuyển.
Giá cà phê Arabica tăng 30% trong vòng 6 ngày vào cuối tháng 7; nước cam tăng 20% trong ba tuần; và đường đạt mức cao nhất trong 4 năm vào tháng 8.
Giá cả tăng vọt đang góp phần làm tăng lạm phát lương thực quốc tế - chỉ số lạm phát lương thực đã tăng 33% trong 12 tháng qua - điều đó làm tăng thêm khó khăn tài chính trong đại dịch và buộc hàng triệu gia đình có thu nhập thấp phải giảm quy mô mua hàng.
Hơn nữa, những dấu hiệu này đang gửi một cảnh báo đáng ngại về những gì sắp xảy ra khi các nhà khoa học dự đoán nhiệt độ toàn cầu tăng, kèm theo đó là độ ẩm đất giảm sẽ ngày càng tàn phá các vùng đất nông nghiệp ở Brazil - và phần lớn phần còn lại của thế giới.
Marcelo Seluchi, nhà khí tượng học tại Trung tâm Cảnh báo và Giám sát Thiên tai của Brazil cho biết: “Đó là một vòng luẩn quẩn. Không có mưa vì không có độ ẩm, và không có độ ẩm vì không có mưa".
Ông cho biết việc phá rừng Amazon, nơi mà các chủ trang trại chặt cây để chăn nuôi gia súc và trồng trọt, là nguyên nhân lớn. Theo tính toán của Seluchi, Brazil không có một mùa mưa bình thường kể từ năm 2010.
“2021 là một năm rất đặc biệt”, ông nói. "Lũ lụt ở Đức và Trung Quốc và vấn đề hạn hán rất nghiêm trọng ở Brazil".
Ngoài ra còn có hạn hán qua biên giới ở Argentina và ở Chile, Canada, Madagascar, Mexico và Nga. Hoa Kỳ bị chia cắt hai nửa trong mùa hè này: phía Tây bị tàn phá bởi những đợt nắng nóng kỷ lục, cháy rừng và hạn hán nghiêm trọng giống như ở Brazil; trong khi đó, phía Đông lại bị nhấn chìm bởi các cơn bão nhiệt đới và lũ lụt chết người kỷ lục.
“Thế giới đang đi trên một con đường rất nguy hiểm", Seluchi cảnh báo.
Tất cả những điều này, theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Quản lý và Kinh tế Môi trường, sẽ dẫn đến năng suất cây trồng giảm 10% trong ba thập kỷ tới, một thời kỳ mà dân số toàn cầu dự kiến sẽ tăng hơn 20%.
Sự tàn phá ở Brazil dự báo trước tương lai đó. Do hạn hán và băng giá, mùa màng trên diện tích 1,5 triệu km2 bị hư hại. Những tổn thất về cà phê là đáng kinh ngạc nhất: có tới 1,3 tỷ pound hạt cà phê bị phá hủy - số lượng cà phê đủ cho người Mỹ uống trong khoảng 4 tháng.
Điều này đã gây ra các hoạt động tranh giành điên cuồng giữa các nhà bán lẻ cà phê lớn nhất thế giới - các công ty như Starbucks Corp. và Nestle SA - để đảm bảo nguồn cung.
Jack Scoville, một nhà giao dịch tại Price Futures Group ở Chicago cho biết các công ty này đang giành giật nhau nhưng ông cũng cảnh báo rằng việc chốt giá thành công không có nghĩa là đủ cà phê trong thời gian dài.
"Vụ thu hoạch kém của Brazil sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong nhiều năm", Scoville dự đoán. Ông nhận thấy những người thường mua cà phê từ Brazil và Việt Nam nay đột nhiên chuyển sang nơi khác để cố gắng bù đắp sự thiếu hụt.
Ở Austin, Texas, Greater Goods Coffee Co., một hãng rang xay cà phê đặc biệt, đang có kế hoạch sớm tăng giá để bù đắp chi phí cao hơn mà họ phải trả cho hạt cà phê. Sara Gibson, phụ trách công ty, gọi đó là lời cảnh tỉnh cho khách hàng. Bà nói, họ sẽ phải chấp nhận các hóa đơn cao hơn để giúp nông nghiệp bền vững hơn trong thời đại biến đổi khí hậu.
Brazil hiện dự đoán sản lượng cà phê của họ sẽ giảm hơn 25% trong năm nay. Caconde, một ngôi làng ở phía tây bắc bang Sao Paulo có sản lượng cà phê chiếm tới 80% nền kinh tế đang ảnh hưởng nặng nề do giá lạnh.
Antonio Ribeiro Goulart, một cựu nhân viên ngân hàng 70 tuổi, có khu đất trồng cà phê tại đây mất hết tất cả khi đợt giá lạnh ập đến. 11.000 cây cà phê của ông chuyển từ màu xanh sang màu nâu xỉn chỉ trong 24 giờ do giá lạnh.
Ông không thể dành một phần sản lượng năm nay và năm sau để chi trả cho chiếc máy làm cỏ mua từ năm 2019 như dự tính. Năm 2023, ông cũng sẽ không thu hoạch được gì. Goulart sẽ phải chặt bỏ tất cả các cành với hi vọng thân cây ra chồi mới.
Hạn hán khắc nghiệt xảy ra vào tháng thứ bảy giết chết hi vọng về vụ thu hoạch tốt. Độ ẩm của đất chỉ còn 20%. Ademar Pereira, người đứng đầu hiệp hội những người trồng cà phê địa phương, cho biết lý tưởng nhất là con số đó sẽ gần 60%.
Pereira nói chưa bao giờ thấy thời tiết khô hạn như vậy
Theo ONS, nhà điều hành lưới điện quốc gia, thống kê lượng mưa tích lũy trong thập kỷ qua trên nhiều lưu vực ở Brazil cho thấy lượng mưa tương đương khoảng một năm trước kia. Các đợt gió mùa mà nông dân trông cậy vào thường đến muộn hơn mỗi năm. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc dự đoán xu hướng này sẽ xấu đi trong những năm tới, với các mùa khô kéo dài hơn từ miền trung Brazil đến tận Amazon.
Vào một ngày tháng 7, Cleverson Bertamoni đã chứng kiến những cánh đồng ngô của mình bốc khói nghi ngút ở một thị trấn có tên là Nova Mutum, nằm dọc theo rìa ngoài của khu rừng mưa.
Bertamoni điên cuồng dùng hai xe chở nước dập lửa nhưng không được. Bertamoni cầu xin sự giúp đỡ. Hàng xóm của ông vội vã hỗ trợ 13 chiếc xe tải nước nữa. Cuối cùng, vào thời điểm ngọn lửa bị dập tắt, khoảng sáu giờ sau, diện tích trồng ngô hơn 100 héc-ta bị phá hủy hoàn toàn.
Ông chưa bao giờ thấy ngọn lửa như vậy. "Mặt đất bây giờ rất khô, nên một tia lửa nhỏ cũng đủ để làm bùng đám cháy. Nó lây lan quá nhanh", Bertamoni buồn bã.