Người hùng… không biết chữ của trạm bơm Cống Bún
Sau hành động dũng cảm của hai cha con lặn xuống độ sâu hơn chục mét để đóng cửa cống Bún ngăn nước sông Thương tràn vào vùng dân cư (chiều ngày 12/9), anh Nguyễn Văn Hai (SN 1987, xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang) đã trở lại công việc thường ngày.
Nhà có ao rộng 7 sào, trồng trọt chăn nuôi thêm để có đồng ra đồng vào, ngày nông nhàn, Nguyễn Văn Hai đi làm thuê cho một xưởng cơ khí. Nhắc lại câu chuyện lặn xuống dòng nước lũ đang lên để đóng cửa cống Bún xảy ra mấy ngày trước đó, anh Hai “nhẹ tênh” như chưa có sự việc xảy ra.
“Mấy ngày sau bão, Bắc Giang mưa lớn, ngập trắng nhiều vùng. Ngày 12/9, tôi đang dọn dẹp khu ao nuôi cá rộng 7 sào của gia đình thì bố tôi (ông Nguyễn Văn Lúa - PV) gọi bảo về gấp. Một lúc sau thì anh Mạnh, Chủ tịch xã Đồng Sơn gọi cho tôi, bảo: bể xả trạm bơm Cống Bún nước đang rò rỉ, về hỗ trợ cùng bà con. Tôi vội bỏ hết việc ở ao, về chỗ đang chống lũ” - anh Hai kể chuyện.
Lúc đó khoảng 16h chiều. Mọi người đang hối hả mang bao cát, đất đá… gia cố công trình đang gặp sự cố. Cống Bún được xây từ thời Pháp, tuổi đời cả trăm năm nối sông Thương với trạm bơm Cống Bún, là nơi nước ra - vào.
Câu chuyện của anh Hai: “Lúc về tới nơi, bố tôi đang ở đó. Ông lão đã mấy lần lặn xuống dưới để kiểm tra cửa cống, nhưng áp lực mạnh quá khiến ông bị hộc cả máu mồm, máu tai. Tôi bảo, lặn vo xuống như thế không được, phải có thiết bị”.
Nhưng, trong lúc nước sôi lửa bỏng, lấy đâu ra thiết bị lặn? Một lúc, có người mang tới một cái mặt nạ người nhái bằng cao su, nhưng đã rách bươm; điểm tiếp nối với đầu vòi oxy đã han rỉ. Anh Hai nhờ người đến cửa hàng cơ khí mượn dụng cụ, rồi mày mò tự chế thiết bị lặn.
Điều thú vị nhất là anh Hai không biết chữ. Nhắc đến việc này, anh Hai thật thà chứ không hề tỏ ra ngại ngùng: “Lúc tôi còn nhỏ, nhà nghèo, điều kiện khó khăn nên không có tiền đi học, đành ở nhà lao động”. Không biết đọc, nhưng anh có kinh nghiệm mấy chục năm va chạm với công việc, cộng với kinh nghiệm làm hàn xì, thao tác mãi cũng thành quen.
“Bình thở, tôi mượn cái máy sục khí của chị bán cá ngoài chợ. Người ta vẫn thòng dây để bơm oxy, sục khí cho cá nó tươi, khỏe. Thế mà chế được cái bình lặn” - anh Hai khoe.
Có bình lặn, cha con ông Lúa - anh Hai hì hụp ngụp lặn ngoài cửa sông Thương, mực nước lúc này lên cao hơn chục mét từ đáy cửa cống. Khi đã xác định được các điểm an toàn, anh ra hiệu để những người bên trên hợp lức kéo cánh cửa cống khép lại, rồi tiếp tục gia cố bằng dây chão.
Cánh cửa cống khép xong, bao tải cát đã đóng sẵn được đưa xuống xếp thành một bức tường vững chắc trợ giúp cho cửa cống. Mọi việc hoàn tất khoảng lúc 4h sáng, sau gần 10 giờ đồng hồ.
Ở Đồng Sơn, cha con ông Lúa được bà con đặt cho biệt hiệu “người nhái” bởi biệt tài bơi lội. Nhà gần sông, cha con ông làm nghề chài lưới. Gắn bó với sông nước nên cha con ông thông thổ địa hình, hiểu rõ khúc sông Thương như thể bàn tay.
Cống Bún được xây dựng từ năm 1908, đến nay đã hơn 100 năm. Điều thú vị, người xây dựng công trình này, theo lời của anh Hai, lại là các cụ nhà anh.
“Bố tôi kể, cụ Cai Thi nhà tôi - người làng Diềm chính, là người 'trúng thầu' và xây dựng cửa cống Cống Bún cho người Pháp. Công trình thủy lợi này suốt một thời gian dài giúp người dân ổn định cuộc sống, vừa cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, vừa tiêu úng cho nội đồng. Vừa rồi cha con tôi tham gia cùng bà con gia cố cống Cống Bún, đúng là tình cờ”, người hùng không biết chữ Nguyễn Văn Hai chia sẻ.
Cứu được cả vùng dân cư và các khu công nghiệp
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, thời gian qua, mực nước trên các sông (sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam) dâng cao ở trên mức báo động số III. Chiều 12/9, tại Phủ Lạng Thương, mực nước sông Thương đạt 7,21m (trên báo động 3 là 0,91m). Trong thời gian này, trạm bơm Cống Bún thường xuyên phải bơm tiêu ra sông Thương với lưu lượng lớn.
Tại trạm bơm Cống Bún xảy ra sự cố nứt bể xả. Đây là sự cố đặc biệt nguy hiểm, nếu không khắc phục kịp thời sẽ nguy hiểm cho đê sông Thương, đe dọa đến sự an toàn của hàng nghìn hộ dân và hoạt động của các khu công nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ô Pích đã trực tiếp đến hiện trường, chỉ đạo công tác khắc phục.
Vị trí xuất hiện vết nứt ở thân bể xả cần được gia cố bao cát, tấm thép lớn để chằng chống, tăng lực giữ vững cho tường bể. Do bể xả thông trực tiếp với sông Thương, nếu xảy ra vỡ bể coi như vỡ đê sông Thương, gây hậu quả khôn lường. Trước tình thế cấp bách, Bắc Giang đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện khắc phục sự cố. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng và nhân dân được huy động khẩn trương vào cuộc.
Với sự tham gia ứng cứu của cha con ông Lúa, 6 cánh cống cuối cùng đã được đóng lại. Những công đoạn chính khắc phục sự cố tiếp tục được đơn vị quản lý vận hành trạm bơm Cống Bún tiếp tục thi công trong ngày 13/9.
Ông Đặng Đình Hoan, Chủ tịch UBND TP Bắc Giang nhận định: việc làm dũng cảm của cha con ông Lúa thể hiện tinh thần đoàn kết, lan tỏa ý thức trách nhiệm vì cộng đồng, xứng đáng được biểu dương. Để động viên kịp thời những đóng góp xuất sắc của hai cha con ông Nguyễn Văn Lúa, ngày 13/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định khen thưởng đột xuất.
Ông Trần Thọ (Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Sông Thương - đơn vị chủ quản trạm bơm Cống Bún) đánh giá: “Hành động của cha con ông Lúa là rất dũng cảm. Thời điểm lũ sông Thương đang lên, mực nước ở độ sâu trên chục mét. Bình thường, các cánh cống đều đóng tự động nhưng do có sự cố rò rỉ, nứt bể xả nên phương án đưa ra là phải đóng cửa cống sớm, và đóng thủ công bằng tay, sau đó tiếp tục gia cố bằng bao tải cát, rọ đá”.
Cũng theo ông Thọ, cống Bún xây dựng từ thời Pháp, năm 1908, đến nay đã hơn 100 năm. Công trình trạm bơm Cống Bún được xây dựng về sau, khoảng năm 1978 đến nay đã nhiều lần được trùng tu, gia cố nâng cấp. Đây là công trình thủy lợi có ý nghĩa quan trọng đảm bảo tưới tiêu cho các vùng nội đồng của thành phố và các huyện lân cận.
Sau này, tỉnh chủ trương xây dựng các khu công nghiệp, trạm bơm Cống Bún lại có vai trò điều tiết nước cho khu công nghiệp. Chúng tôi cũng tính tới các phương án dự phòng nếu như nước sông Thương tràn qua đê, nhưng nhờ nỗ lực ứng phó, giữ được công trình an toàn giúp giảm thiểu thiệt hại rất nhiều” - ông Thọ chia sẻ và xuýt xoa mãi về hành động dũng cảm, trách nhiệm của cha con ông Lúa.
Bắc Giang công bố tình huống khẩn cấp sự cố rò rỉ tại bể xả trạm bơm Cống Bún
Ngày 16/9, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố rò rỉ tại bể xả trạm bơm Cống Bún. Cống Bún có vị trí tại K38+150 đê hữu Thương (đê cấp III) TP Bắc Giang được xây dựng năm 1908 với kết cấu bê tông và gạch xây. Cống có nhiệm vụ chống lũ sông Thương và tiêu nước cho trạm bơm Cống Bún khi bơm tiêu ra sông Thương.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và TP Bắc Giang cần tập trung triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp; giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Sông Thương tổ chức khảo sát, lập phương án xử lý khẩn cấp theo đúng quy định; UBND TP Bắc Giang tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân trong tình huống thiên tai; cảnh báo, giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm; thực hiện các nhiệm vụ khác tùy theo tính chất của tình huống thiên tai xảy ra và chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.