| Hotline: 0983.970.780

Chấm dứt tàu cá vi phạm chống đánh bắt IUU

Thứ Sáu 03/07/2020 , 07:10 (GMT+7)

Tàu cá vi phạm về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (IUU) sẽ bị xử lí mạnh tay.

Các lực lượng chức năng sẽ xử lí nghiêm các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong thời gian tới. Ảnh: TL.

Các lực lượng chức năng sẽ xử lí nghiêm các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong thời gian tới. Ảnh: TL.

Tại báo cáo giám sát ngày 19/12/2019, Đoàn công tác của Ủy ban Châu Âu (EC) đã tiếp tục đưa ra các khuyến nghị cụ thể tại 4 nhóm vấn đề, đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục để chống khai thác IUU gồm: Khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác và thực thi pháp luật.

Nhằm quyệt liệt triển khai các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế theo 4 nhóm khuyến nghị còn tồn tại để EC rút “thẻ vàng” trong thời gian sớm nhất, từ đầu năm đến nay, các bộ, ban, ngành và địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và thường xuyên báo cáo, cập nhật kết quả thực hiện gửi về Bộ NN-PTNT (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU).

Xử nghiêm tàu cá vi phạm

Từ cuối năm 2019 đến nay, Bộ NN-PTNT đã tổ chức 4 đoàn công tác kiểm tra tại các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng  Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để địa phương triển khai thực hiện.

Tháng 2/2020 tại tỉnh Bình Định, Bộ NN-PTNT cùng với các bộ, ban, ngành có liên quan và 28 tỉnh, thành phố ven biển đã tổ chức hội nghị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chống khai thác IUU để đánh giá kết quả triển khai và xác định các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện chống khai thác IUU.

Theo đó từ đầu năm đến nay, ghi nhận một số địa phương trọng điểm không còn các vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc giảm đáng kể so với cùng kỳ như Bình Thuận, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định.

Bộ NN-PTNT cũng giao Tổng cục Thủy sản thường xuyên nắm tình hình, theo dõi, tổng hợp và trao đổi thông tin các vụ việc tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, các tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài (thông qua dữ liệu hệ thống giám sát hành trình tàu cá VMS); phối hợp điều tra, xác minh và xử lý các vụ việc vi phạm theo quy định.

Một số tỉnh đã tăng cường xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài và vi phạm về VMS như: tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định xử phạt 4 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài với số tiền 3,6 tỷ đồng.

Tháng 4/2020 tỉnh Cà Mau đã ban hành 1 quyết định xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; Kiên Giang ban hành 12 quyết định xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài...

Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các lực lượng và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên vùng khơi, phát hiện, xử lý các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài cũng như tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam.

Trong năm 2019, đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng có liên quan triển khai 80 đợt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản trên biển, điều động 111 lượt tàu, xuồng kiểm ngư tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Qua đó đã tiến hành kiểm tra 2.461 lượt tàu cá Việt Nam, lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 355 trường hợp, thu nộp ngân sách nhà nước 1,8 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm khai thác IUU chủ yếu là không đánh dấu nhận biết tàu cá, không có hoặc thiếu các giấy tờ theo quy định, không có hoặc có nhưng không ghi, ghi không đúng, ghi không đầy đủ nhật ký khai thác theo quy định...

Các đơn vị tuần tra cũng đã tuyên truyền các quy định pháp luật về thủy sản, nhắc nhở, cảnh cáo hàng nghìn lượt tàu cá, ngư dân tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển.

Tính tháng 10/2019 đến hết tháng 6/2020, các địa phương đã xử phạt 1.764 vụ vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản, với tổng số tiền xử phạt là trên 33 tỉ đồng.

Trong đó, ban hành 35 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; 101 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu vi phạm về VMS (tháo thiết bị VMS không có sự giám sát của cơ quan lắp đặt, không duy trì thiết bị VMS trong quá trình hoạt động trên biển).

Tăng cường hợp tác quốc tế chống đánh bắt IUU

Nhằm triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy sản cũng đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về chống khai thác IUU đối với nhiều quốc gia trong khu vực.

Việt Nam đang nỗ lực cao nhất nhằm sớm đề nghị phía EC rút 'thẻ vàng' cho ngành thủy sản. (Trong ảnh: Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản kiểm tra công tác truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt tại cảng). Ảnh: TL.

Việt Nam đang nỗ lực cao nhất nhằm sớm đề nghị phía EC rút "thẻ vàng" cho ngành thủy sản. (Trong ảnh: Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản kiểm tra công tác truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt tại cảng). Ảnh: TL.

Cụ thể, Tổng cục Thủy sản Việt Nam và Tổng cục Thủy sản Thái Lan thường xuyên trao đổi các thông tin về tàu cá vi phạm vùng biển của nhau để phục vụ công tác cập nhật danh sách tàu cá IUU.

Hiện, Tổng cục Thủy sản Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan liên quan để làm việc với Tổng cục Thủy sản Thái Lan triển khai việc ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định giữa Tổng cục Thủy sản Việt Nam và Tổng cục Thủy sản Thái Lan.

Đồng thời, triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị lần thứ 7 Tiểu Nhóm công tác về thủy sản giữa Việt Nam và Thái Lan tại Việt Nam (dự kiến vào tháng 9/2020), và cuộc họp lần thứ 4 Nhóm công tác chung về chống khai thác IUU giữa Việt Nam và Thái Lan tại Việt Nam dự kiến vào tháng 10/2020.

Việt Nam và Philippines cũng đã duy trì cơ chế họp thường niên hợp tác song phương về thủy sản, đang phối hợp với Philippines triển khai thủ tục gia hạn đường dây nóng Việt Nam – Philippines phòng chống khai thác IUU.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT chủ trì, triển khai tiếp tục hợp tác với nhiều quốc gia khác trong khu vực về chống đánh bắt IUU như: Với Brunei, đang triển khai các nội dung Biên bản ghi nhớ về sử dụng đường dây nóng chống khai thác IUU đã được Chính phủ hai nước ký kết ngày 27/3/2019 trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Quốc vương Brunei Darussalam. Đã ký kết cơ chế hợp tác phòng chống chống khai thác IUU qua cơ đường dây nóng về chống khai thác IUU với Trung Quốc và Campuchia.

Việt Nam cũng đang tiếp tục tham gia tích cực vào Sáng kiến “Xây dựng lộ trình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong ASEAN giai đoạn 2020 - 2025”, và các sáng kiến trong khu vực ASEAN về phát triển nghề cá bền vững và phòng chống khai thác IUU. Tiếp tục hợp tác với Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) triển khai mô hình thí điểm cơ chế chứng nhận khai thác điện tử tại Bình Thuận và Khánh Hòa.

Việt Nam tích cực tham gia vào các sáng kiến khu vực, các diễn đàn đa phương để trao đổi thông tin và kinh nghiệm về chống khai thác IUU: RPOA, APEC, FAO, IMO. Tham gia và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia không phải là thành viên nhưng là bên hợp tác của Tổ chức quản lý nghề cá Trung Tây, Thái Bình dương và cung cấp báo cáo và số liệu theo yêu cầu.

Hoa Kỳ cũng đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm ngư nhằm nâng cao khả năng thực thi pháp luật thủy sản, triển khai chương trình đào tạo cho các thanh tra triển khai các biện pháp quốc gia có cảng.

Theo Tổng cục Thủy sản, về khung pháp lí, đến nay, phía EC đã kiểm tra giám sát và đánh giá cao hệ thống pháp lí chặt chẽ của Việt Nam trong việc đảm bảo các điều kiện thực thi pháp luật về thủy sản, nhất là phù hợp theo các nhóm khuyến nghị của EC về chống đánh bắt IUU.

Đến nay, Bộ NN-PTNT chủ trì, đã hoàn thiện, bổ sung được đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản năm 2017. Trong đó, đã triển khai thực hiện nghiêm Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Để việc thực thi Luật Thủy sản 2017 một cách thống nhất và hiệu quả, Tổng cục đã soạn thảo, xuất bản cuốn sổ tay hỏi đáp về Luật Thủy sản và hiện đang phổ biến tại các địa phương.

Xem thêm
Làng nghề nuôi cá giống Hội Am thắng lớn ngày ông Táo

HẢI PHÒNG Do sức mua tăng nên người dân nuôi cá chép giống phục vụ ngày ông Táo ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo thắng đậm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất