Ngày 5/3, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 đã tổ chức hội nghị sơ kết kế hoạch số 27/KH-VPTT ngày 14/6/2019 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại các tỉnh trọng điểm biên giới Việt Nam – Campuchia.
Theo Thiếu tướng Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia tại các địa bàn trọng điểm có nhiều đường mòn, lối mở, ngõ tắt, kênh rạch chằng chịt là điều kiện thuận lợi để các đối tượng lợi dụng thực hiện các hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Do đó, đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều phương thức vận chuyển như vác bộ, sử dụng xe gắn máy, xuồng máy công suất lớn chạy với tốc độ cao nên việc bố trí bắt giữ gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, các mặt hàng nhập lậu thường được vận chuyển vào các giờ cao điểm như chập tối, nửa đêm hoặc gần sáng bằng nhiều thủ đoạn như chia nhỏ, xé lẻ, thuê người canh dò đường, theo dõi di chuyển của các lực lượng chức năng 24/24 giờ.
Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là đường cát Thái Lan, thuốc lá điếu, rượu ngoại, xăng dầu, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế…
Theo Ban chỉ đạo 389, từ tháng 6/2019 đến nay, các lực lượng chức năng phát hiện kiểm tra 3.654 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép với 1.180 đối tượng; xử lý hình sự 87 vụ/103 đối tượng; xử lý hành chính 2.640 vụ/1.081 đối tượng; thu nộp ngân sách hơn 81 tỷ đồng.
Số lượng hàng hóa bắt giữ, tịch thu chủ yếu hơn 412.500 bao thuốc lá ngoại nhập lậu; 576,4 kg pháo nổ; hơn 64 kg ma túy tổng hợp các loại; hơn 500 tấn đường cát; 10.362 m3 gỗ… cùng nhiều chủng loại hàng hóa khác.
Đáng nói, trong khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã lợi dụng tình hình thu gom vận chuyển số lượng lớn khẩu trang ra nước ngoài.
Đơn cử như tại An Giang, Cục quản lý thị trường thu giữ hơn 41.000 chiếc khẩu trang y tế chuẩn bị đưa qua biên giới Campuchia tiêu thụ.
Còn tại Kiên Giang, cũng đã bắt giữ 5.000 khẩu trang y tế được vận chuyển qua biên giới Campuchia theo đường mòn dân sinh. Lực lượng bộ đội biên phòng trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia cũng vừa thu giữ 44.250 khẩu trang y tế.
Còn tại TP.HCM, ngày 3/3, lực lượng chức năng phát hiện hơn 1 triệu khẩu trang không rõ nguồn gốc được thu gom chuẩn bị vận chuyển trái phép sang Campuchia.
Trong khi giá bán tại Việt Nam khoảng 160 ngàn đồng/hộp khẩu trang thì tại Campuchia có giá khoảng 23 USD (hơn 510.000 đồng). Do đó, các đối tượng buôn lậu qua Campuchia để hưởng chênh lệch.
Theo Thiếu tướng Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cần đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông suốt từ trung ương đến địa phương.
Đặc biệt, trong thời điểm này cần tập trung ngăn chặn tình trạng buôn lậu các vật tư y tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19.
“Trước mắt các tỉnh Tây Nam cần tăng cường phối hợp, kiểm tra các mặt hàng y tế vận chuyển qua biên giới. Tích cực phát hiện sớm để tránh đầu cơ nâng giá các sản phẩm, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế.
Về lâu dài, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã có văn bản hướng dẫn các cơ quan thường trực tại địa phương.
Các lực lượng đang vào cuộc kiểm tra và phát hiện tới đâu sẽ xử lý nghiêm tới đó để ngăn chặn các đối tượng đưa khẩu trang lậu vào Việt Nam tiêu thụ hoặc đưa khẩu trang ra nước ngoài tiêu thụ.
Các cấp tại địa phương cần đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và kiên quyết xử lý các cá nhân bao che, tiếp tay, bảo kê cho tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”, Thiếu tướng Đàm Thanh Thế nhấn mạnh.