| Hotline: 0983.970.780

Chán cảnh xa nhà, chàng phiên dịch viên về quê nuôi lươn không bùn

Thứ Ba 11/07/2023 , 07:29 (GMT+7)

NINH BÌNH Theo anh Quang, để nuôi lươn không bùn thành công thì nguồn nước cấp vào bể phải được xử lý kỹ lưỡng, khu nuôi mát về mùa hè, kín gió về mùa đông.

Nuôi lươn sinh sản, không cẩn thận là hỏng ăn

Sau nhiều năm lao động ở Hàn Quốc và khi trở về nước làm phiên dịch cho một công ty nước ngoài với mức lương mà nhiều người ao ước, anh Trần Văn Quang (xóm Phụ Cấp, xã Kim Mỹ, Kim Sơn, Ninh Bình) đã có một quyết định khiến cả gia đình “ngã ngửa” khi nghỉ việc, về quê đầu tư nuôi lươn không bùn.

Nguồn nước trước khi cấp vào bể nuôi lươn được anh Quang xử lý kỹ lưỡng tại hệ thống ao lắng, bể lọc. Ảnh: Trung Quân.

Nguồn nước trước khi cấp vào bể nuôi lươn được anh Quang xử lý kỹ lưỡng tại hệ thống ao lắng, bể lọc. Ảnh: Trung Quân.

Kể về quyết định ấy, anh Quang vui vẻ bảo: "Chán cảnh xa nhà rồi nên mình muốn về quê sinh sống, lập nghiệp. Nhưng nhìn quanh thấy làm ruộng không ăn thua nên mới nghĩ đến phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, diện tích đất của gia đình có hạn, lại nằm giữa khu dân cư, vấn đề đặt ra là nuôi con gì để không ảnh hưởng tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình, hàng xóm và môi trường xung quanh. Sau thời gian mày mò tìm hiểu, mình thấy nuôi lươn không bùn là phương án khả thi nhất, vậy là quyết định làm thử”.

Nghĩ là làm, anh Quang lặn lội sang Nam Định để học hỏi kinh nghiệm từ những trang trại nuôi lươn không bùn đã thành công. Khi cảm thấy kiến thức đã hòm hòm, năm 2021, anh bắt tay vào xây trang trại nuôi lươn không bùn với tổng diện tích 3.600m2, trong đó chia thành 5 phân khu nhỏ (khu xử lý nước; khu nuôi lươn sinh sản; khu ương giống; khu nuôi lươn thương phẩm và khu sơ chế, đóng gói). Tất cả các khu và công đoạn nuôi đều được anh lắp đặt camera giám sát và các thiết bị hiện đại, điều khiển hoàn toàn tự động bằng điện thoại thông minh.

Nuôi lươn sinh sản cần hạn chế tiếng ồn khi lươn đẻ trứng. Ảnh: Trung Quân.

Nuôi lươn sinh sản cần hạn chế tiếng ồn khi lươn đẻ trứng. Ảnh: Trung Quân.

Khi hệ thống bể đã được xử lý sạch bằng phèn chua (2kg phèn/bể), anh mua 1 vạn lươn bố mẹ về nuôi và tự ấp nở lươn giống. Theo anh Quang, việc làm này mặc dù rất vất vả và đòi hỏi sự tỷ mẩn cũng như kỹ thuật cao nhưng nếu làm thành công sẽ giúp chủ động, tiết kiệm được chi phí con giống, nhanh chóng mở rộng được sản xuất. Mặt khác, khi lươn bố mẹ sinh sản xong vẫn có thể bán lươn thương phẩm nên người nuôi sẽ có nguồn thu để bù vào chi phí đầu tư ban đầu.

Anh Quang chia sẻ, để lươn sinh sản đạt hiệu quả cao nhất, người nuôi phải tạo được môi trường tự nhiên nhất cho lươn sinh sống. Trong đó, một yếu tố đặc biệt quan trọng là trong quá trình lươn đẻ trứng phải hạn chế tiếng ồn, vì nếu tiếng ồn lớn lươn sẽ ăn trứng. Do đó, khu nuôi lươn sinh sản được anh thiết kế kép kín, người lạ không được phép ra vào.

Bên cạnh đó, bể nuôi lươn sinh sản được anh thiết kế theo hình thức cấp nước xả tràn để duy trì mực nước phù hợp, ổn định, vì nếu mực nước liên tục thay đổi lươn cũng sẽ ăn trứng. Ngoài ra, toàn bộ khu nuôi được xây dựng mái che để xé nhỏ hạt mưa, không tác động mạnh đến lươn; lắp hệ thống vòi phun tạo mưa giả để kích thích lươn đẻ khi cần thiết.

Bể nuôi lươn phải được thiết kế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của lươn và thường xuyên được thay nước, vệ sinh sạch sẽ. Ảnh: Trung Quân.

Bể nuôi lươn phải được thiết kế phù hợp với từng giai đoạn phát triển của lươn và thường xuyên được thay nước, vệ sinh sạch sẽ. Ảnh: Trung Quân.

Trung bình một năm anh Quang thả 3 lứa lươn bố mẹ, lươn đẻ hết trứng sẽ được bắt lên bán thương phẩm, không để đẻ thêm nhằm đảm bảo thu được lượng trứng chất lượng nhất. Đến hiện tại, trang trại của anh đã ấp nở thành công được hơn 6 vạn lươn giống.

Muốn nuôi lươn thành công, nguồn nước phải sạch

Việc nuôi thành công lươn sinh sản đã giúp anh Quang chủ động được con giống. Nhờ đó, hơn 60 bể mini để ấp nở sản xuất con giống, 42 bể ương, 25 bể nuôi lươn thương phẩm lần lượt được anh lấp đầy.

Theo anh Quang, nuôi lươn cũng như các loài thủy sản khác, nguồn nước là yếu tố quyết định tới thành công. Do đó, trước khi nước được đưa vào bể nuôi sẽ được xử lý sát khuẩn tại ao lắng bằng chế phẩm vi sinh. Bên cạnh đó, anh sử dụng rong đuôi chồn và bèo bồng (bèo tây) để tạo thành lớp lưới lọc tự nhiên lọc nước, làm trong nước.

Đồng thời, sử dụng máy đo thường xuyên kiểm tra độ pH, độ mặn, độ dẫn điện của nước; dùng máy đảo nước liên tục để nước không phát sinh tảo độc. Sau khi nước đã được xử lý kỹ lưỡng tại ao lắng, sẽ tiếp tục được bơm vào bể lọc tinh bằng than hoạt tính, cát mangan trước khi đưa vào bể nuôi.

Về kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm, anh Quang chia sẻ, bể nuôi phải được xây dựng phù hợp với từng loại lươn; dùng dây nilon tạo thành các búi sợi trong bể làm nơi cho lươn trú ngụ. Đặc biệt, bể nuôi phải thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ và thay nước trung bình 4 lần/ngày.

Nuôi lươn không bùn đang giúp gia đình anh Quang mỗi năm có nguồn thu nhập không hề nhỏ. Ảnh: Trung Quân.

Nuôi lươn không bùn đang giúp gia đình anh Quang mỗi năm có nguồn thu nhập không hề nhỏ. Ảnh: Trung Quân.

Lươn nuôi khi đạt trọng lượng trung bình 200g/con (5 con/kg) là có thể xuất bán. Lươn giống thì tùy thuộc vào nhu cầu về số lượng đầu con/kg của người mua để bán.

Với cách làm này, ngay trong năm đầu tiên anh đã xuất bán được 3 tấn lươn (chưa tính số bán lẻ cho các nhà hàng, quán ăn, người dân trong vùng). 25 bể nuôi lươn thương phẩm được anh gối đầu nhau nên luôn có 3 - 5 bể cho thu hoạch, đảm bảo nguồn thu để quay vòng chi phí.

Do nguồn lươn tự nhiên ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu của thị trường rất lớn nên đến hiện tại, lươn từ trang trại của anh Quang sản xuất ra tới đâu đều được các đơn vị đặt hàng, tiêu thụ hết tới đó.

Với giá bán lươn sống trung bình từ 140.000 - 150.000 đồng/kg; lươn sơ chế, đóng gói hút chân không có giá 220.000 đồng/kg; lươn giống loại 500 - 600 con/kg giá 5.500 - 6.000 đồng/con, đã giúp gia đình anh Quang có nguồn thu nhập không hề nhỏ.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.