| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông giúp bà con 'né' rủi ro

Thứ Ba 06/12/2022 , 18:15 (GMT+7)

LÀO CAI Nhờ sự hỗ trợ sát sao của khuyến nông, nhiều mô hình sản xuất đã giúp bà con ở Lào Cai cải thiện sinh kế, tránh được những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh...

Tỉnh Lào Cai xác định, khuyến nông đóng vai trò quan trọng đối với công cuộc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó, việc đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông là yêu cầu rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai với nhiệm vụ trọng tâm là hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm; gắn kết với thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là tránh được những rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất...

Gia đình ông Tiên đã phát triển được 3 chuồng gà với quy mô 10.000con/lứa

Gia đình ông Nguyễn Văn Tiên ở xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) đã phát triển được 3 chuồng gà với quy mô 10.000con/lứa, luôn đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Lưu Hòa.

Điển hình là mô hình chăn nuôi gia cầm (gà mía và ri lai) tại hộ ông Nguyễn Văn Tiên, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng với quy mô 10.000 con/lứa; năng suất bình quân 2,3 - 2,5kg/con, 1 năm 3 lứa. Nhờ cán bộ khuyến nông hỗ trợ, hướng dẫn thiết kế chuồng trại, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình ông đã thiết kế nền chuồng cao và gần khu chuồng có khu chứa cám riêng biệt; xây dựng hệ thống giàn mát, quạt công suốt lớn giúp chuồng nuôi luôn mát mẻ, thoáng khí.

Vào mùa đông, đàn gà được nuôi trong chuồng kín, có bạt che xung quanh, nền chuồng có trấu lót nên rất ấm. Bên cạnh đó, ông Tiên cũng tuân thủ định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc và lịch tiêm vacxin phòng bệnh. Từ chỗ chỉ có vài trăm mét vuông chuồng trại, đến nay, gia đình ông đã xây dựng, phát triển được 3 chuồng, diện tích cả nghìn mét vuông.

Hệ thống chuồng trại được xây dựng đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh. Sau mỗi lứa gà xuất chuồng, gia đình ông lại có thêm nguồn phân bón phục vụ trồng trọt. Hướng đi, cách làm ấy đã giúp gia đình ông Tiên mỗi năm có thu nhập trên 1 tỷ đồng. Dù tuổi đã cao, nhưng ông Tiên luôn là tấm gương điển hình vươn lên trong phát triển kinh tế. Không chỉ góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông còn là mô hình điểm để các hộ dân trong thôn xã cùng học hỏi, làm theo.

Các mô hình có sự hỗ trợ của khuyến nông đã giúp bà con tránh được rủi ro về dịch bệnh do đảm bảo quy trình kỹ thuật.

Các mô hình có sự hỗ trợ của khuyến nông đã giúp bà con tránh được rủi ro về dịch bệnh do đảm bảo quy trình kỹ thuật. Ảnh: Lưu Hòa.

Mô hình điển hình thành công khác đã ghi dấu ấn về sự hỗ trợ của lực lượng khuyến nông, đó là mô hình chăn nuôi lợn bản địa an toàn dịch bệnh dựa vào cộng đồng do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Lào Cai triển khai.

Cụ thể, 19 hộ dân và anh Nguyễn Văn Tân ở thôn Bản Lắp, xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà) đã ký hợp đồng cam kết đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo kỹ thuật, mua giống; góp 30% kinh phí mua thức ăn, vacxin, thuốc tẩy kí sinh trùng... Trung tâm Khuyến nông tỉnh chịu trách nhiệm chuyển giao các quy trình kỹ thuật về chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh trên đàn lợn, đồng thời cấp một phần kinh phí giúp người dân thực hiện mô hình.

Sau 5 tháng triển khai, mô hình đã có những thành công nhất định khi đàn lợn có tỷ lệ sống đạt 100%, các chỉ số khác về trọng lượng, chất lượng và tính an toàn dịch bệnh đều cao. Anh Tân cho biết: "Được nhà nước hỗ trợ 70% thức ăn, chúng tôi rất phấn khởi, đỡ được phần nào đó. Còn 20 con giống, chúng tôi bỏ đủ vốn đối ứng để mua thức ăn. Thấy được lợi ích nâng cao thu nhập, sản xuất theo hướng hàng hóa nên các hộ dân đều tích cực, chủ động tham gia vào mô hình sản xuất...".

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (ngoài cùng bên trái)Thăm mô hình nuôi cá giống nhà ông Hoàng Xuân Phú, huyện Bát Xát

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (ngoài cùng bên trái) thăm mô hình sản xuất cá giống của hộ ông Hoàng Xuân Phú ở huyện Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Lưu Hòa.

Mô hình nuôi, sản xuất cá giống của ông Hoàn Xuân Phú ở huyện Bát Xát nằm ở vùng hay có lũ quét, thiên tai nhưng phát triển và cho thu nhập ổn định. Đến nay, ông Phú đang có gần 5ha nuôi cá với khoảng gần 20 ao cá bố mẹ, cá giống... Trung bình mỗi năm, gia đình ông cung cấp ra thị trường hàng chục triệu con cá giống các loại. Trừ chi phí, ông thu lãi 300 triệu đồng đến 450 triệu đồng/năm.

Ông Phú cho biết, từ khi nuôi cá, gia đình ông được cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn xây dựng hệ thống ao nuôi có bờ bao kiên cố bằng bê tông cốt thép, hệ thống lọc nước tuần hoàn giúp cho các ao cá an toàn khi có mưa bão, lũ quét, phòng chống được thiên tai.

"Từ khi có ao kiên cố, mỗi khi có mua lũ to trên các suối, các ao nuôi của tôi vẫn an toàn, không bị vỡ, tràn ào như trước. Bên cạnh đó, nguồn nước đục, nước lũ cũng được phân tách không để tràn vào ao, gây chết cá".

Để tránh rét cho cá trong mùa đông, ông Phú cũng chủ động thiết kế vùng sâu trong ao và che chắn trên mặt ao chống rét, giữ ấm cho cá luôn khỏe mạnh, phát triển tốt. Ông Phú chia sẻ, nuôi thủy sản đặc thù hơn các loại vật nuôi khác. Đặc biệt cá rất nhạy cảm với các thời tiết bất lợi như nắng nóng, mưa bão, rét...

Mô hình nuôi cá của ông Phú đã tận dụng được vùng trũng thấp, canh tác lúa khó khăn, hay bị thiên tai chuyển sang nuôi cá. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật đảm bảo từ khâu thiết kế ao, quy trình xử lý môi trường, chọn các giống cá mới..., đã cho thấy rất hiệu quả rất cao, tránh được rủi ro trong quá trình nuôi.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.