| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi Hà Nội, thành quả rõ nét

Thứ Ba 01/12/2015 , 08:10 (GMT+7)

Nhiều năm trở lại đây, tình hình chăn nuôi của Hà Nội liên tục xảy ra tình trạng được mùa rớt giá, thậm chí mất mùa cũng rớt giá.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thiếu sự liên kết hợp tác trong chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng cũng như cân đối cung, cầu trong SX và tiêu dùng của xã hội.

Yêu cầu thực tiễn đặt ra

Nhìn từ thực tế, chúng ta thấy từ người SX cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi đến người chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cơ bản mua bán theo kiểu tự do không qua hợp đồng kinh tế, thiếu sự ràng buộc, hợp tác, mạnh ai nấy làm, tư lợi nên người yếu thế thiệt thòi nhất vẫn là người chăn nuôi và người tiêu dùng sản phẩm.

Mặt khác, do không liên kết SX theo chuỗi nên không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, thực phẩm mất an toàn cũng không quy được trách nhiệm trực tiếp của người nào gây ra.

Do vậy, năm 2011 Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã hoàn thiện quy trình xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải có để phát triển chăn nuôi được ổn định bền vững.

Cũng từ thời gian đó, trung tâm đã triển khai thực hiện điểm cách làm trên và đến năm 2013 đã xây dựng được 8 chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở kết quả đạt được, trung tâm đã đề xuất bổ sung chức năng nhiệm vụ mới, đó là xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm và xác nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chăn nuôi cho các chuỗi liên kết.

Đến năm 2014, trung tâm đã được Sở Nội vụ Hà Nội chấp thuận tại Công văn số 46/SNV-QLSN ngày 7/1/2014 về việc kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội và Sở NN-PTNT Hà Nội bổ sung chức năng nhiệm vụ tại Quyết định số 74/QĐ-SNN ngày 25/01/2014 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy.

Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm và xác nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chăn nuôi nhằm hướng tới các lợi ích sau:

Thứ nhất, giải quyết tình trạng chăn nuôi thiếu ổn định bền vững được mùa rớt giá; để điều hòa lợi ích trong các khâu, liên kết hợp tác các khâu để tạo gia những giá trị mới, tiện ích và các bên cùng có lợi góp phần chăn nuôi ổn định bền vững

Thứ hai, để DN tiêu thụ có kế hoạch tiêu thụ đặt hàng với người SX dẫn đến cân đối cung cầu trong nội bộ chuỗi liên kết góp phần ổn định SX của chuỗi và khi có nhiều chuỗi liên kết sẽ tạo ra cân đối cung, cầu góp phần ổn định tương đối giá tiêu dùng toàn xã hội trong tương lai.

Thứ ba, nhằm giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm do xây dựng chuỗi liên kết tạo nên, tạo tiền đề cho việc xác nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chăn nuôi, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của những người SX có liên kết so với người SX không có liên kết.

Việc liên kết này sẽ tạo ra những giá trị mới như khi các hộ chăn nuôi liên kết để mua chung, bán chung thì sẽ tiện ích hơn, giá rẻ hơn, bình đẳng hơn trong quan hệ mua và bán với đối tác.

Xét về lợi ích lâu dài, liên kết chuỗi sẽ có lợi hơn cho tất cả các thành viên tham gia so với cách làm cũ, vì lý do là tạo ra sự ổn định và an nhàn hơn khi từng thành viên không phải lo giành giật lợi ích của nhau khi mà lợi ích được điều phối hài hòa cho tất cả các khâu.

Đặc biệt, khi có liên kết chuỗi sẽ chú ý tới chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Như vậy, lợi nhuận trên 1 đơn vị sản phẩm có thể ít hơn cách làm cũ.

Những thành quả rõ nét

Để triển khai thực hiện những nhiệm vụ trên, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã xây dựng 5 văn bản chỉ đạo, 12 kế hoạch để các phòng, trạm phát triển chăn nuôi trực thuộc và cán bộ toàn trung tâm triển khai thực hiện các hoạt động trên thực tế để hỗ trợ cho công tác xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2015 đã phát triển thêm 3 chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ thịt lợn an toàn (được nuôi bằng thức ăn sinh học) tại xã Thọ Lộc - Phúc Thọ, xã Cấn Hữu - Quốc Oai, xã Vân Tảo - Thường Tín với sự vào cuộc của các huyện, xã nhằm gắn chăn nuôi với giết mổ và tiêu thụ ngay tại địa phương, kết hợp với DN ký tiêu thụ sản phẩm để bán tại các cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm an toàn ở các quận nội thành.
Tổng sản lượng sản phẩm của các chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ SX ra trong năm 2015 đạt 4,5 nghìn tấn thịt lợn; 3,1 nghìn tấn thịt gia cầm; 140 triệu quả trứng gia cầm; 29 nghìn tấn sữa tươi.

Cụ thể, đã chỉ đạo tổ chức trên 20 hội nghị phát triển trang trại kết hợp tuyên truyền tư vấn xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm tới các hộ chăn nuôi, HTX, các DN tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn 16 huyện, thị xã với hàng nghìn người tham dự.

Ký kết 21 văn bản hợp tác xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm với các DN đầu mối xây dựng chuỗi, xây dựng hàng trăm bộ tài liệu tư vấn, hướng dẫn triển khai thực hiện về công tác xây dựng chuỗi cho các đối tác tham gia.

Bên cạnh đó, hợp tác với nhiều cơ quan đơn vị, các DN, các chuyên gia để phối hợp với các phòng, trạm phát triển chăn nuôi trực thuộc và cán bộ của trung tâm triển khai thực hiện các nội dung cụ thể; đã chọn và nhóm những người đủ cho việc hình thành khép kín các khâu từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm để để tạo thành 1 chuỗi, tư vấn các nội dung, nhiệm vụ cụ thể của từng tác nhân tham gia chuỗi để vận hành hoạt động; đã thiết lập 6 bộ hồ sơ vận hành của 6 chuỗi.

Kết quả việc thực hiện nhiệm vụ mới kể trên, từ năm 2011 đến nay đã xây dựng được 21 chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm (gồm 8 chuỗi liên kết về lợn thịt; 8 chuỗi liên kết về gia cầm; 4 chuỗi liên kết gồm cả lợn và gia cầm; 1 chuỗi liên kết về bò sữa).

Một số sản phẩm của chuỗi đã tạo được uy tín, được nhiều người tiêu dùng biết đến như trứng gà Tiên Viên, trứng gà 729, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, thịt lợn sinh học...

Trên cơ sở những kết quả đạt được, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Dự án “Chuỗi SX và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020” tại Quyết định số 5818/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 và đã có quyết định thành lập 5 hội chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm gồm: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, trứng vịt Liên Châu, vịt Vân Đình.

Việc thành lập các hội là một bước quan trọng nhằm bảo tồn, phát triển ổn định và đưa sản phẩm đặc sản của Thủ đô ra tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Đến nay các hội đã tổ chức đại hội, kiện toàn bộ máy tổ chức, ổn định số lượng hội viên để chính thức đi vào hoạt động.

Trong đó điển hình có Hội Chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, gà đồi Ba Vì đã lập kế hoạch SX, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với DN tiêu thụ.

Trung tâm đang tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các hội hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể “Gà đồi Sóc Sơn” “Gà đồi Ba Vì” “Gà Mía Sơn Tây” “Trứng vịt Liên Châu” “Vịt Vân Đình” gửi Cục Sở hữu trí tuệ.

(GĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội)

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.