Lợn đen từ lâu trở thành vật nuôi mũi nhọn của xã Thượng Thôn và các xã vùng cao Lục Khu của huyện Hà Quảng, mở hướng cho nông dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.
Anh Hoàng Văn Nam, xóm Thượng Sơn, xã Thượng Thôn nuôi lợn đen bản địa từ nhiều năm nay. Anh Nam chia sẻ: Ban đầu, gia đình chỉ nuôi 1 - 2 con. Sau khi nhận thấy hiệu quả của chăn nuôi lợn đen, gia đình tôi đã đầu tư nuôi 7 con lợn nái. Thức ăn chủ yếu là rau rừng, chuối, khoai, sắn... Đây là giống lợn đen bản địa, chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon, ăn thịt mỡ giòn không bị ngấy, luôn được thị trường đón nhận.
Hằng năm, mỗi con lợn nái của gia đình anh Nam xuất chuồng khoảng 12 - 15 con lợn giống. Lúc giá cao điểm, đàn lợn nái xuất bán được hơn trăm triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình vẫn còn một khoản thu nhập ổn định để tái đầu tư và trang trải cuộc sống.
Ông Lý Văn Cậu, xóm Cả Giang, xã Thượng Thôn nhiều năm nay chỉ nuôi giống lợn đen bản địa. Ông Cậu tâm sự: Mấy con lợn nái của tôi đang chờ ngày đẻ. Giá lợn đen giống vẫn ở mức khá cao. Trung bình từ gần 3 - 3,5 triệu đồng/con loại 10 - 15kg.
Theo ông Cậu, năm 2019, từ khi tham tham gia vào nhóm sở thích do Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ Cao Bằng triển khai, ông được các cán bộ phụ trách dự án cho tham gia nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi từ việc vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị thức ăn, tiêm phòng nên đàn lợn của gia đình phát triển rất tốt và ít khi bị ốm. Hàng tháng các thành viên trong nhóm họp một lần để chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm trong chăn nuôi nên cũng có thêm nhiều bài học hay trong chăn nuôi lợn.
Lợn đen là một trong những giống lợn có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống, nhất là những nơi rộng rãi, thoáng mát. Khi chọn giống nuôi, người dân cần chú ý lựa chọn những con có đầu nhỏ, lưng thẳng, ngực sâu, hông to, lông mịn, nhanh nhẹn và đặc biệt là có màu đen đặc trưng.
So với lợn trắng, lợn đen bản địa bán được giá hơn và cũng giữ được giá khá ổn định. Do đó, nhiều hộ gia đình xã Thượng Thôn những năm gần đây đã hướng đến mô hình chăn nuôi lợn đen, đặc biệt là lợn nái vì có thể xoay vòng vốn nhanh. Gia đình nào nuôi ít khoảng 2 - 4 con lợn nái, nhiều thì gần chục con trong chuồng. Hiện, cả xã Thượng Thôn có trên 2.000 con lợn, trong đó có khoảng 1.200 con lợn đen, chiếm 60% tổng đàn lợn.
Ông Hoàng Văn Thắm, Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn cho biết: Cuộc sống của người dân Thượng Thôn vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 50%. Xã còn thiếu nước sinh hoạt và sản xuất, chăn nuôi. Diện tích đất nông nghiệp hạn chế, dân cư sống rải rác không tập trung nên với người dân ở đây, ngoài trâu, bò, con lợn đen chính là tài sản quý giá của gia đình.
Những năm gần đây, từ việc phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa, nhiều hộ có thu nhập trung bình từ 30 - 50 triệu đồng/năm. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã từng bước thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Lợn đen đã dần trở thành vật nuôi mũi nhọn, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân xã vùng cao Thượng Thôn.
"Xã Thượng Thôn đang khuyến khích người dân tự nhân giống lợn đen bản địa phát triển chăn nuôi theo hướng thực phẩm sạch, không sử dụng thức ăn tăng trọng mà bằng các thức ăn sẵn có của địa phương để làm sao giữ được chất lượng sản phẩm, khi đưa ra thị trường sẽ có thương hiệu, giá trị kinh tế bền vững." Ông Hoàng Văn Thắm, Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn.