Thu tiền triệu/ngày
Chợ xã Nghiên Loan được mở vào các ngày 2 và 7 âm lịch (mỗi tháng 6 phiên), nổi tiếng là chợ buôn bán trâu bò lớn nhất miền Bắc. Lượng xe ô tô vận chuyển trâu, bò trong những ngày chợ mỗi phiên vào khoảng 120 đến 170 chiếc.
Ngay từ trước phiên chợ 1 ngày, xe tải lớn nhỏ từ khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc (xa nhất là từ Nghệ An) đến để mua bán trâu, bò đã xếp thành hàng dài. Hàng ngàn người dân không chỉ ở huyện Pác Nặm, mà còn cả những địa phương khác của tỉnh Bắc Kạn và các vùng lân cận của tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng... cũng đến tham dự.
Người mang trâu, bò đến bán; người đến mua buôn mang về xuôi hoặc mang lên biên giới; nhiều người đến để mua trâu, bò về vỗ béo, rồi lại mang quay lại bán kiếm lời.
Hàng ngàn con trâu, bò tập trung tại mỗi phiên chợ Nghiên Loan và nhu cầu về thức ăn cho chúng là rất lớn. Trước đây, một số người đến chợ phải chủ động đem theo cả rơm, rạ và thức ăn khác để cho trâu, bò ăn, nhưng rất lích kích và bất tiện.
Cũng vì vậy mà khoảng vài năm trở lại đây, nhiều người ở xã Nghiên Loan đã chuyển từ trồng lúa và cây hoa màu sang trồng cỏ đem ra chợ phiên bán. Nhờ thế, chợ Nghiên Loan hiện nay không khó để mua được cỏ cho trâu, bò ăn. Giá cỏ cũng không hề rẻ, mỗi bó cỏ có giá 10.000 đ, khối lượng chỉ nặng khoảng 4 – 6 kg tùy theo từng thời điểm.
Bà Nông Thị Lẻn, ở Bản Đính, xã Nghiên Loan là một người chuyên trồng cỏ đem bán ở chợ phiên cho biết: Gia đình không có nhiều lao động. Bà và vợ chồng con trai trồng được hơn 1.000 m2 cỏ để nuôi bò vỗ béo. Nhưng thấy bán cỏ được giá và cho thu nhập ổn định, nên con trai bà đã không nuôi bò nữa mà chuyển hẳn sang mở rộng diện tích trồng cỏ để bán. Cứ mỗi phiên chợ và ngày áp phiên, gia đình thu về hơn 2 triệu đồng.
Có thể kể tới một số người khác chuyên trồng cỏ để bán thường xuyên ở chợ Nghiên Loan như gia đình ông Nông Văn Thỏa trồng khoảng 2.000 m2, ông Lý Văn Hùng khoảng 2.000 m2, ông Lý Văn Kinh khoảng 3.000 m2…
Trồng cỏ, lãi cao gấp 5 lần trồng lúa
Lợi thế của xã Nghiên Loan là có chợ phiên trâu, bò hoạt động đã khoảng 40 năm nay và được đánh giá là chợ trâu, bò lớn nhất miền Bắc. Hiện nay, số trâu, bò mua bán tại chợ mỗi phiên dao động từ 1000 - 1.500 con, giá trị giao dịch rất lớn, lên tới trung bình từ 20 – 30 tỷ đồng.
Điều này đã góp phần cho xã Nghiên Loan nói riêng và cả huyện Pác Năm nói chung trở thành địa phương trung tâm về nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo. Vì vậy, việc trồng cỏ từ nhiều năm nay được người dân địa phương rất quan tâm, thậm chí trồng thâm canh, áp dụng KH-KT.
Chỉ cần đi dọc các tuyến đường tỉnh lộ, hay các đường liên thôn sẽ thấy không chỉ là những sườn đồi cỏ voi xanh tốt, mà ngay cả những thửa rộng trước đây được người dân trồng lúa, nay đã được thay thế bằng cánh đồng cỏ.
Bà Lý Thị Thuyết, Chủ tịch UBND xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) thông tin: Xã có gần 6.000 nhân khẩu, với 1.271 hộ dân, thì gần nửa số hộ (khoảng 600 hộ) trồng cỏ voi để để phục vụ chăn nuôi trâu, bò.
Nhiều gia đình trồng 2.000 – 3.000 m2 để bán ra chợ đem lại thu nhập cao. Thời điểm chính vụ, cỏ tươi tốt giá 1.000 đồng/kg, mùa thu đông cỏ mọc ít có giá cao nhất lên tới 2.500 đồng/kg, trung bình trong năm giá cỏ khoảng 2.000 đồng/kg. Hiện nay, trồng cỏ đã trở thành phong trào ở xã Nghiên Loan, thành nghề cho thu nhập cao.
Theo UBND xã Nghiên Loan, nếu người dân địa phương trồng 1.000 m2 lúa, trừ chi phí, chỉ còn thu lãi hơn 5,4 triệu đồng/năm. Còn trồng cỏ voi, chỉ sau 3 tháng sẽ cho thu hoạch được 5 tấn cỏ, với giá trung bình 1.500 đồng/kg (giá đã trừ chi phí), nông dân thu lãi lên đến 6,5 triệu đồng, thu lãi cả năm đạt khoảng 26 triệu đồng/1.000 m2, cao hơn trồng lúa tới gần 5 lần.