| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát chặt cơ sở giết mổ, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh

Thứ Hai 18/12/2023 , 06:07 (GMT+7)

Cuối năm, nhu cầu sử dụng thịt động vật từ gia súc, gia cầm dự báo tăng cao, Sóc Trăng tăng cường kiểm soát vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ.

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 31 cơ sở giết mổ tập trung và 20 điểm giết mổ nhỏ lẻ.

Do đó, việc thực hiện tốt công tác kiểm dịch vận chuyển động vật sống và sản phẩm động vật là biện pháp quan trọng ngăn ngừa các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Công tác quản lý các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh được ngành thú y thực hiện chặt chẽ.

Lực lượng thú y địa phương phối hợp với chủ cơ sở kiểm tra thể trạng gia súc trước khi đưa vào giết mổ. Ảnh: Kim Anh.

Lực lượng thú y địa phương phối hợp với chủ cơ sở kiểm tra thể trạng gia súc trước khi đưa vào giết mổ. Ảnh: Kim Anh.

Từ đầu năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng đã triển khai các kế hoạch về thanh tra, kiểm tra cơ sở giết mổ, điểm thu gom, trung chuyển gia súc, gia cầm.

Ngành cũng lấy mẫu thịt để kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh, lấy mẫu nước tiểu động vật để “test nhanh” chất cấm. Qua đó, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm, gian lận thương mại.

Ông Nguyễn Văn Mười Hai, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua những đợt kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có giấy chứng nhận kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và chưa đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại các cơ sở giết mổ, điểm thu gom, trung chuyển cũng phát hiện và xử lý nghiêm một số trường hợp bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ hoặc tiêm thuốc an thần.

Qua đó, ngành chuyên môn khuyến cáo, các chủ cơ sở nên thu mua gia súc, gia cầm ở những trang trại uy tín, không sử dụng chất cấm trộn vào thức ăn rồi cho ăn trước khi xuất bán.

Tại các Trạm Chăn nuôi và Thú y ở huyện, thị xã, thành phố, ngành chức năng cũng phân công nhân viên thú y tham gia giám sát chặt chẽ từ khâu vận chuyển đến quá trình thực hiện giết mổ của các cơ sở trên địa bàn.

Lực lượng chức năng kiểm tra các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ ở địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Lực lượng chức năng kiểm tra các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở giết mổ gia cầm nhỏ lẻ ở địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Theo quy định, gia súc, gia cầm khi nhập về các cơ sở, phải được kiểm tra hồ sơ, kiểm soát số lượng, triệu chứng bệnh lâm sàng trước khi nhập vào cơ sở để chờ giết mổ.

Sau đó, khi thực hiện giết mổ, nhân viên kiểm soát phải thực hiện kiểm tra lâm sàng một lần nữa trên toàn thân gia súc rồi mới tiến hành giết mổ.

Những sản phẩm thịt động vật qua kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ được đóng dấu trên thân thịt và cho xuất bán, ngược lại sẽ tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Lý Minh Chánh, một chủ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm ở phường 8, TP Sóc Trăng cho biết, động vật khi được đưa đến cơ sở, sẽ được nhân viên thú y kiểm tra, nếu an toàn sẽ cho nhập trại để tiến hành giết mổ, đưa ra thị trường.

Đồng thời, cơ sở cũng thường xuyên thực hiện tiêu độc khử trùng hàng ngày để đảm bảo kiểm soát tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Được biết, TP Sóc Trăng là địa phương có lượng tiêu thụ thịt động vật tươi sống lớn nhất trong tỉnh. Đặc thù, các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật dễ bị ô nhiễm chéo, khi được bày bán chung.

Trạm Chăn nuôi và Thú y TP Sóc Trăng phối hợp cùng Ban quản lý chợ Trung tâm thành phố tổ chức kiểm tra tại các quầy mua bán sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm.

Qua đó, nhắc nhở các tiểu thương tuân thủ đúng các quy định trong kinh doanh, mua bán thịt tươi sống.

Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh kiểm tra việc buôn bán các sản phẩm thịt động vật tại các chợ trong toàn tỉnh. Ảnh: Kim Anh.

Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh kiểm tra việc buôn bán các sản phẩm thịt động vật tại các chợ trong toàn tỉnh. Ảnh: Kim Anh.

Đặc biệt, với sức mua được dự báo sẽ tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, các quầy kệ buôn bán sản phẩm động vật bắt buộc phải được đặt cách mặt đất tối thiểu 0,7 - 0,8m.

Ngoài ra, phải có móc treo, trên bề mặt phải lợp bằng nhôm, inox, vật liệu không gỉ. Người buôn bán phải có ghế ngồi riêng biệt, sau mỗi buổi chợ phải vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, tỉnh Sóc Trăng tiêu thụ gần 900 con heo, 15 con trâu bò và hơn 1.000 con gia cầm các loại và dự báo nhu cầu sẽ tăng 20 - 30% vào dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền và kiểm tra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phân công cán bộ trực đường dây nóng 24/24, để tiếp nhận thông tin phản ánh để xử lý kịp thời khi có dịch bệnh trên gia súc, gia cầm phát sinh.

Đồng thời chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.