| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài 8] Nợ nần chưa qua mà dịch bệnh đã tới

Thứ Sáu 27/09/2024 , 07:29 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Mất mát sau bão vẫn còn nguyên, người chăn nuôi ở Hải Phòng lại tiếp tục đối mặt với các khoản nợ đã đến hạn và nguy cơ dịch bệnh đe dọa.

Ai cũng lo nợ

Về cơ bản, các trang trại chăn nuôi từ quy mô nhỏ đến lớn tại Hải Phòng đều liên quan đến vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất. Do vậy, khi bị thiệt hại sau bão số 3, mọi sự tính toán về nguồn thu như dự kiến bị đảo lộn, các chủ trang trại lo lắng đến thời hạn sẽ không có tiền để trả nợ hoặc trả lãi ngân hàng.

Khu nuôi lợn giống tan hoang sau bão của gia đình ông Bùi Minh Họa ở đảo Bầu. Ảnh: Đinh Mười.

Khu nuôi lợn giống tan hoang sau bão của gia đình ông Bùi Minh Họa ở đảo Bầu. Ảnh: Đinh Mười.

Ghi nhận tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão, trang trại chăn nuôi của ông Bùi Minh Họa nằm gọn trong khuôn viên đảo Bầu, bao quanh là con sông vừa rộng vừa sâu khiến khu vực này như bất khả xâm phạm trong những năm qua.

Cũng vì địa thế hiếm có, tách biệt như thế nên từ năm 2019 đến nay, sau lần bị dịch tả lợn Châu Phi, khu nuôi lợn của ông Họa vẫn luôn an toàn, cho lợi nhuận đều đặn.

Với quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, nên ngay chính ông Họa cũng không ngờ có ngày trang trại nuôi lợn thuộc hạng "có tiếng" của gia đình lại thiệt hại lớn vậy.

Chỉ sau 12 tiếng bị quần thảo, toàn bộ cả chuồng nuôi khoảng 300 con lợn sắp chuyển làm nái và hơn 2.000 con chim bồ câu bị chết, tôm cá theo dòng nước bơi ra sông cùng hàng vạn cây cối, cơ sở hạ bị gãy đổ la liệt.

“Bão ập đến một lúc mất điện, công nhân phải bò trên đường đề về nơi ẩn nắp còn tôi men theo bờ sông để xuống cuối khu trang trại để nổ máy phát điện. Do gió lớn, hệ thống điện trong chuồng lợn nái bị chập nên khi tôi nổ máy phát điện, cả đàn lợn đã bị giật chết”, ông Họa kể lại.

Cũng theo ông Họa, dù không thiệt hại về người nhưng trang trại bị tàn phá nặng nề có thể lên đến vài chục tỷ đồng. Mọi thứ đều tê liệt, nguồn thu trước mắt gần như không còn gì nên việc khắc phục hậu quả rồi các chi phí để toàn bộ trang trại hoạt động trở lại sẽ rất khó khăn nếu không có sự trợ giúp từ Nhà nước và các ngân hàng.

Ông Bùi Minh Họa chỉ chiếc máy phát điện khiến đàn lợn nái bị chết. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Bùi Minh Họa chỉ chiếc máy phát điện khiến đàn lợn nái bị chết. Ảnh: Đinh Mười.

“Giờ tôi chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ về cơ chế như cho vay thêm để trước mắt có tiền khắc phục hậu quả, sớm hoạt động trở lại. Cùng với đó các ngân hàng cần tạo điều kiện cho giãn nợ, cho chậm thuế và đặc biệt với bên điện lực, nếu có chậm vài hôm cũng tạo điều kiện cho”, ông Họa bày tỏ.

Tại phường Tân Thành, tuy quy mô chăn nuôi không lớn như ông Họa, nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Thập cũng là trường hợp mất mát khá nhiều sau bão số 3 khi toàn bộ khu chuồng trại bị ngập, mái tôn bị tốc mái khiến hơn 300 con lợn chuẩn bị xuất chuồng bị chết.

Để hạn chế thiệt hại, ông Thập buộc phải thông đêm di chuyển đàn lợn sang tỉnh Thái Bình để gửi với hy vọng “vớt được chút nào hay chút đó” nhưng đàn lợn cũng đang chết dần, chết mòn do bị ngập lâu trong nước.

Ông Thập xót xa cho hay, giá lợn thịt trên thị trường đang lên cao, tính cả cơ sở vật chất và với hơn 300 con lợn bị chết, gia đình ông thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng và phải mất thời gian vài tháng mới có thể hoạt động chăn nuôi trở lại bình thường.

“Hiện tại, gia đình tôi cũng đang nợ ngân hàng và người quen để chăn nuôi, do đó nếu không được hoãn hoặc giãn nợ thì sẽ rất khó khăn trong việc chi trả vì nếu trả ngân hàng thì không có tiền đầu tư tái sản xuất và ngược lại”, ông Thập cho hay.

Theo ông Vũ Hồng Nam, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tiên Lãng, nhiều trang trại bị thiệt hại do bão trên địa bàn huyện cũng trong tình trạng tương tự với các địa phương khác tại Hải Phòng. Sau bão, các doanh nghiệp, các hộ cá nhân chăn nuôi nói chung đều cần hỗ trợ của Nhà nước để sớm ổn định sản xuất.

Một trại nuôi lợn tan hoang sau bão. Ảnh: Đinh Mười.

Một trại nuôi lợn tan hoang sau bão. Ảnh: Đinh Mười.

Hiểm họa lây lan dịch bệnh

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau bão số 3, nguồn nước tại các hệ thống kênh mương hầu hết bị ô nhiễm, nhiều nơi bốc mùi hôi thối do điều kiện khách quan, nước không thoát kịp. Do vậy, hầu như toàn bộ các khu trang trại, chăn nuôi, nhất là những khu vực sâu trũng, bị ngập hoặc nước mưa tràn vào, nếu không có biện pháp xử lý, nguy cơ dịch bệnh rất có thể sẽ bùng phát.

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Quang Hiển, Giám đốc Công ty TNHH Lợn giống Dabaco Hải Phòng cho biết, sau bão, ngoài việc khắc phục các tất cả các hệ thống chuồng trại, các hệ thống bảo vệ trại, an toàn sinh học còn các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, nhất là nguồn nước, bao gồm nước uống, nước tắm và sinh hoạt.

“Nguồn nước là nguy cơ để xảy ra dịch bệnh sau bão lớn nhất, nhất là dịch tả lợn Châu Phi, mầm bệnh đang xuất hiện ở Hải Phòng, nếu để xảy ra dịch bệnh sẽ gây thiệt hại gần như 100%”, ông Hiển cho hay.

Trong khi đó, cũng là một hộ chăn nuôi kinh nghiệm với quy mô lớn với hơn 20.000 con gà đẻ trứng, nhưng sau bão, anh Nguyễn Quang Vình, trú tại xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng vẫn bị thiệt hại hơn 2.000 con gà cùng 1.500 mét vuông mái tôn với tổng số tiền khoảng 1 tỷ đồng.

Một số trang trại chăn nuôi, sau bão gà đã bắt đầu chết rải rác. Ảnh: Đinh Mười.

Một số trang trại chăn nuôi, sau bão gà đã bắt đầu chết rải rác. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Quang Vình nhận định, dù thiệt hại khá lớn và cần 2 năm để tất cả quy trình hệ thống có thể hoạt động trở lại bình thường nhưng điều anh lo lắng nhất lúc này không phải những thiệt hại về vật chất mà chính là dịch bệnh lây lan, “nếu không thận trọng có thể thiệt hại hơn do bão gây ra gấp nhiều lần”.

“Toàn bộ khu vực chuồng trại bị ảnh hưởng nặng nề bởi cây cối, nước bẩn khắp nơi, chất thải bị ô nhiễm tràn hết cả vào chuồng trại, chúng tôi đã khắc phục ngay nhưng chưa kịp thời. Khó khăn nhất hiện tại là khống chế dịch bệnh, mong thành phố sẽ khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực chăn nuôi để đảm bảo an toàn dịch bệnh”, anh Vình chia sẻ.

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, để kịp thời khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, xử lý môi trường đảm bảo để tiếp tục hoạt động chăn nuôi, Sở NN-PTNT Hai Phòng đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị tổ chức thực hiện ngay việc tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường.

Nước tại các khu chăn nuôi, khu dân cư tràn ra các kênh mương sau mưa lớn gây ô nhiễm nặng, là một trong những nguồn lây dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Nước tại các khu chăn nuôi, khu dân cư tràn ra các kênh mương sau mưa lớn gây ô nhiễm nặng, là một trong những nguồn lây dịch bệnh. Ảnh: Đinh Mười.

Do đó, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu bò, tai xanh.

Người dân và các chủ trang trại tuyệt đối không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường. Đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi có nguy cơ cao, nơi bị lũ lụt,.. phải nhanh chóng rà soát, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo quy định.

Cùng với đó cần khẩn trương khắc phục phần chuồng trại bị tốc mái, hệ thống thông gió bị hỏng và tổ chức vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng ở những vùng trũng, ngập lụt kéo dài sau khi nước rút, vùng có nguy cơ cao,…

Đồng thời, thường xuyên thực hiện vệ sinh khu vực chăn nuôi và dụng cụ chăn nuôi và thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi không để gây ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Dương cho biết: “Sau bão, mưa lớn tiếp tục diễn ra, thượng nguồn lũ đổ về đúng thời điểm triều cường nên tình trạng tiêu thoát nước gặp khó khăn, nhiều chuồng trại bị úng ngập, khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao, người dân cần thực hiện các biện pháp xử lý, tiêu độc chuồng trại đảm bảo an toàn phòng dịch trước khi tái đàn”.

Xem thêm
Mô hình lý tưởng kiểm soát dịch bệnh cho ngành chăn nuôi heo

Bệnh heo tai xanh tiếp tục là mối đe dọa đối với nền kinh tế và sức khỏe ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam.

Chế phẩm vi sinh biến rơm rạ thành 'thuốc bổ' cho đồng ruộng

Thái Nguyên Ruộng bị mất trắng sau mưa lũ được hỗ trợ chế phẩm vi sinh để xử lý đồng ruộng, biến tàn dư thực vật thành 'thuốc bổ' cho ruộng để sản xuất cây vụ đông.

Khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rijk Zwaan Việt Nam

Lâm Đồng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rijk Zwaan Việt Nam đặt tại Lâm Đồng có tổng diện tích 4ha, nghiên cứu trên 1.000 giống khác nhau như xà lách, ớt ngọt, cà chua…

Bình luận mới nhất