| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi tan tác sau bão lũ: [Bài 4] Đảm bảo môi trường, vệ sinh chuồng trại mới tái đàn

Thứ Ba 24/09/2024 , 07:30 (GMT+7)

Nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn sau mưa bão, đòi hỏi chính quyền, các cơ quan chuyên môn và người dân có những biện pháp nhanh chóng, kịp thời để ổn định sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Oanh đang kiểm tra thiết bị, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sau bão số 3. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Nguyễn Thị Oanh đang kiểm tra thiết bị, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sau bão số 3. Ảnh: Tùng Đinh.

Tiêu độc, khử trùng được ưu tiên hàng đầu

May mắn không bị thiệt hại nhiều do bão số 3, bà Nguyễn Thị Oanh, xã Hoàng Hoa Thám đang gấp rút sửa chữa chuồng trại trước khi vào lứa gà mới.

Lúc cao điểm, trại gà của bà Oanh nuôi tới 4.000 gà, chủ yếu là các đối tượng chọi lai, ri lai. Trong đợt mưa bão vừa qua, một chuồng gà của gia đình bị sập và nhiều chuồng khác bị tốc mái.

Ngay sau khi ngừng mưa, gia đình bà Oanh đã dọn vệ sinh cây cối xung quanh khu chuồng nuôi, phun thuốc khử trùng, đồng thời làm lại bờ rào, đắp lại những chỗ mái bị bục, thủng.

Do chuồng trại bị hư hỏng nên trước mắt bà Oanh phân loại gà để chuồng nào về chuống nấy, ổn định được lứa gà nào là bà sẽ bố trí ngay ra “nơi ở” mới, đã được bà tiêu độc, khử trùng trong quá trình vệ sinh.

“Đảm bảo môi trường chăn nuôi sau mưa bão rất quan trọng. Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện liên tục động viên, hướng dẫn kỹ thuật, phát tờ rơi để tôi yên tâm tái sản xuất”, bà Oanh cho biết và nói thêm, rằng thời điểm này là thích hợp để chuẩn bị gà vụ Tết.

Là xã miền núi của TP Chí Linh, Hoàng Hoa Thám chủ yếu phát triển kinh tế người dân dựa trên chăn nuôi và trồng trọt. Thống kê sơ bộ cho thấy, khoảng 85% trong tổng số hơn 1.200 trang trại chăn nuôi của xã bị thiệt hại.

Với phương châm 4 tại chỗ, UBND xã Hoàng Hoa Thám đã phối hợp chặt chẽ cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Chí Linh và các đơn vị chuyên môn để nhanh chóng ổn định sản xuất cho người dân.

Một chuồng gà bị hư hỏng của gia đình bà Oanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Một chuồng gà bị hư hỏng của gia đình bà Oanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Diệp Thị Thư, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Chí Linh chia sẻ, thời gian qua các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn luôn chấp hành nghiên quy trình chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học và phòng bệnh theo đúng quy định. Các cơ sở chăn nuôi gà có quy mô trung bình khoảng 3.000 con/lứa, mỗi năm nuôi trung bình từ 2-3 lứa. Sau mỗi lứa nuôi, người chăn nuôi thường để trống chuồng từ 20 - 30 ngày để vệ sinh chuồng trại.

Thống kê của Sở NN-PTNT Hải Dương, Chí Linh có số lượng trại gia cầm lớn nhất tỉnh. Phong trào nuôi gà đồi được phát triển mạnh, tập trung chủ yếu ở 7 xã, phường có diện tích rừng lớn như: Bắc An, Lê Lợi, Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám, Bến Tắm, Hoàng Tân, Hoàng Tiến.

“Đây là giai đoạn cao điểm, cần tập trung nhân lực, vật lực để khắc phục hậu quả mưa bão. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã cử cán bộ xuống trực tiếp các địa bàn chăn nuôi trọng điểm, giải đáp và hỗ trợ chuyên môn tới người dân, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh sau bão lũ”, Giám đốc Diệp Thị Thư bày tỏ.

Trung bình, mỗi lứa gà thịt từ khi nuôi đến lúc xuất chuồng kéo dài khoảng 95-100 ngày. Thời điểm xuất chuồng mỗi con gà đạt trọng lượng khoảng 2kg. Trên cơ sở đó, bà Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương lưu ý người dân cần tính toán thời gian để “chuồng nghỉ” thích hợp, bởi nếu nuôi dài ngày trọng lượng gà chỉ tăng khoảng 1-2 lạng/tháng, trong khi phải tiêu tốn thêm nhiều chi phí thức ăn.

Hiện, TP Chí Linh bước vào tháng tiêu độc, khử trùng cao điểm. Do đó, bên cạnh việc vệ sinh chuồng trại, bà Hải đề nghị người dân quan tâm hơn đến môi trường xung quanh bởi nhiều hộ gia đình từ lâu có thói quen nuôi thả gà dưới tán rừng và các cây ăn quả. Ngoài phun thuốc khử trùng, bà con có thể rắc thêm vôi bột tại cống rãnh, sân chuồng, trại với tỷ lệ khoảng 20-25g/m2.

Cán bộ khuyến nông hỗ trợ người dân phun thuốc khử trùng chuồng trại. Ảnh: Tùng Đinh.

Cán bộ khuyến nông hỗ trợ người dân phun thuốc khử trùng chuồng trại. Ảnh: Tùng Đinh.

Gấp rút chuẩn bị cho Tết

Hiện, có khoảng 3 triệu con gà, TP Chí Linh là địa phương có tổng đàn gia cầm lớn nhất của tỉnh Hải Dương. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, bão số 3 đã làm thiệt hại gần 300.000 gà và làm nhiều chuồng trại của người chăn nuôi bị tốc mái.

Hoàng Hoa Thám, một trong 7 xã, phường nuôi gà trọng điểm của Chí Linh bị ảnh hưởng khá lớn do mưa lũ. Bà Trần Bích Thuận, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Thám cho biết, khoảng 85% trong tổng số hơn 1.200 trang trại chăn nuôi của xã bị thiệt hại.

“Người chăn nuôi gặp không ít khó khăn về thời vụ do chuẩn bị bước vào giai đoạn chuẩn bị cho dịp Tết”, bà Thuận nói và thông tin thêm, rằng gia đình nào ít bị thiệt hại vài chục triệu, còn nhà nào nhiều có thể tới vài trăm triệu đồng. Cá biệt, một hộ trên địa bàn xã còn bị chết tới 2.000 con gà.

Năm ngoái, nhiều hộ dân tại xã Hoàng Hoa Thám nói riêng và TP Chí Linh trúng vụ gà Tết. Giá bán lúc cao điểm vượt mốc 70.000 đồng/kg nên rất nhiều gia đình lãi hàng trăm triệu.

Nằm ở vị trí giao thông thuận lợi, từ nhiều năm qua Chí Linh đã xây dựng được thương hiệu “Gà đồi Chí Linh”, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Thị trường chính nằm trên 3 tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định.

Để phát huy thương hiệu tập thể "Gà đồi Chí Linh", chính quyền, các cơ quan chuyên môn và hiệp hội, ngành hàng đã tích cực phối hợp tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là vấn đề sở hữu trí tuệ, vùng bảo hộ, xây dựng và phát triển thương hiệu, cách thức cập nhật thông tin thị trường... 

Người nông dân được hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà đúng quy trình chăn nuôi sạch theo chuỗi giá trị, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia cầm.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phạm Thị Đào xuống cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Ảnh: Tùng Đinh.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phạm Thị Đào xuống cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhằm nhanh chóng ổn định sản xuất sau mưa lũ, cũng như chuẩn bị nguồn cung thực phẩm vào các tháng cao điểm cuối năm, Sở NN-PTNT Hải Dương khuyến cáo người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của bão số 3, công tác tiêm phòng cho gia cầm cần được kiểm tra, rà soát đầy đủ các loại vacxin theo quy định, không tái đàn khi chưa bảo đảm vệ môi trường và an toàn dịch bệnh.

Trong thời gian chờ chuồng nghỉ, các hộ chăn nuôi cần tranh thủ vệ sinh, quét dọn chuồng trại, khử trùng dụng cụ chăn nuôi, phun khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, cung cấp thức ăn, nước uống bảo đảm chất lượng và số lượng phù hợp với từng lứa tuổi của đàn gia cầm.

Với những trang trại bị thiệt hại nặng, người dân nên sớm thu gom và xử lý xác gia cầm chết theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT và Sở NN-PTNT tỉnh. Với gia cầm bị ngập nước, nhiễm lạnh phải sưởi ấm, đặc biệt là gia cầm mới nhập đàn...

Bên cạnh khâu giống, thức ăn và vacxin phòng bệnh, bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương khuyến cáo thêm về thời điểm tái đàn. Theo bà, do ảnh hưởng của mưa bão, giá thức ăn chăn nuôi có thể sẽ biến động. Nếu không tính toán kỹ lưỡng, người chăn nuôi sẽ vấp phải thách thức về chi phí tái đầu tư cũng như lợi nhuận.

"Thông lệ hàng năm là nhu cầu thực phẩm vào dịp Tết luôn tăng cao. Tuy nhiên, các hộ trước mắt nên ổn định đàn vật nuôi, nghiên cứu kỹ lưỡng việc tăng đàn, tránh vệc tái đàn ồ ạt, không theo định hướng và không bám sát nhu cầu thị trường", bà Đào nhấn mạnh.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, sắp tới có thể có một vài đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến thời tiết Hải Dương. Do đó, người dân nên tăng cường thêm bóng điện để thắp sáng, sưởi ấm chuồng. Nhiều nơi, nhất là những khu úm gà con, bà con có thể đốt lửa xung quanh làm ấm chuồng. Không gian trong chuồng phải đảm bảo độ ấm, nhưng cũng cần thoáng, không bị quẩn mùi, giúp đàn gà khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất