| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi trâu bò, chẳng lo bệnh dịch

Thứ Hai 20/04/2020 , 09:15 (GMT+7)

Trong khi, nhiều ngành nghề khác điêu đứng vì dịch Covid-19, người nuôi đại gia súc tại huyện Nam Sách (Hải Dương) vẫn ung dung như thường.

Vỗ béo gia súc mang lại thu nhập ổn định cho người dân Nam Hưng. Ảnh: Kế Toại. 

Vỗ béo gia súc mang lại thu nhập ổn định cho người dân Nam Hưng. Ảnh: Kế Toại. 

Vựa gia súc của tỉnh

Nam Hưng là xã thuần nông ven bờ sông Kinh Thầy của huyện Nam Sách, đẹp như một bức tranh. Bờ đê cỏ mọc xanh mướt, từng đàn trâu, ngựa ung dung gặm gỏ. Phóng tầm mắt xa xa, dưới triền đê là bạt ngàn màu xanh của cỏ voi và dâu tằm.

Ông Nguyễn Văn Viển, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết, địa phương có nghề truyền thống nuôi đại gia súc.

Thời người dân còn làm chung theo phương thức HTX kiểu cũ, xã có tới 700 – 800 con trâu. Tính bình quân, cứ hai hộ lại có một con trâu, một công cụ cày bừa chính thời đó.

Theo thống kê, mỗi năm, riêng nghề nuôi trâu, bò mang lại cho người dân Nam Hưng từ 7 – 8 tỷ đồng. Còn với những hộ mạnh tay, có “máu” buôn trâu, bò thì xã không kiểm đếm được.

Nay sản xuất nông nghiệp dần hiện đại hóa theo hướng cơ giới, dù số lượng trâu có giảm xuống, nhưng Nam Hưng vẫn dẫn đầu huyện Nam Sách về tổng đàn gia súc.

Theo ông Viển, đàn đại gia súc (gồm trâu, bò, ngựa…) toàn xã hiện nay ổn định khoảng 450 con.

Cũng theo ông Viển, đặc biệt từ năm 2019 tới nay, sau khi dịch tả lợn châu Phi quét qua, nghề chăn nuôi đại gia súc tại địa phương lại càng khẳng định được vị thế.

Không tính những hộ nuôi nhỏ lẻ (1-2 con), thì có khoảng 30 hộ dân chăn nuôi với quy mô trên 10 con.

Ông Viển khẳng định, do không chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như các loại bệnh nguy hiểm khác, nghề nuôi đại gia súc phát triển khá ổn định.

Từ nghề nuôi đơn thuần, người dân Nam Hưng tự học hỏi, áp dụng thêm mô hình vỗ béo trâu, bò thịt.

Tuy nhiên, nghề thực sự đem lại thu nhập cao nhất cho người dân Nam Hưng là buôn bán trâu, bò. Có những hộ, doanh số một năm từ nghề này lên tới hàng chục tỷ đồng.

Tận dụng đất ven đê, người dân trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Kế Toại. 

Tận dụng đất ven đê, người dân trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Ảnh: Kế Toại. 

Để hỗ trợ người dân phát triển đàn đại gia súc, cuối năm 2019, Hội nông dân xã Nam Hưng đã đứng ra vận động, thành lập Tổ nuôi trâu, bò.

Tổ bầu một người dân làm tổ trưởng, hiện đã có 15 thành viên tự nguyện viết đơn tham gia. Các thành viên có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhau lúc khó khăn trong sản xuất.

Ông Viển thừa nhận, nghề này cần vốn lớn, trong khi kinh tế địa phương còn khó khăn nên chưa hỗ trợ được người dân.

Tuy nhiên, khi người chăn nuôi cần vay vốn, xã sẽ tạo mọi điều kiện, hỗ trợ thủ tục nhanh gọn nhất để người dân yên tâm sản xuất.

Bình chân như vại

Hộ anh Nguyễn Khắc Phương, thôn Trần Xá đang nuôi khoảng 20 con trâu, bò, ngựa… Anh cho biết, 2 năm trở lại đây, đặc biệt là khi đàn lợn bị dịch tả châu Phi, gia đình gần như chuyển toàn bộ chuồng trại sang nuôi đại gia súc.

Bên cạnh nuôi sinh sản, anh cũng mày mò học cách nuôi vỗ béo trâu, bò. Đến nay, nghề này đang mang lại thu nhập tương đối ổn định cho gia đình. Mỗi con gia súc mua về, tích cực vỗ béo khoảng 2 – 3 tháng là có thể xuất bán. Riêng với con trâu, số tiền lãi khoảng 5 – 7 triệu đồng/con.

Trâu bò thong dong gặm cỏ, nghỉ ngơi dọc trên đê sông Kinh Thầy. Ảnh: Kế Toại. 

Trâu bò thong dong gặm cỏ, nghỉ ngơi dọc trên đê sông Kinh Thầy. Ảnh: Kế Toại. 

Anh Phương kể, đợt rồi, gia đình nhập trâu về vỗ béo, chưa kịp bán thì đẻ con. Thế là gia đình lại “được cả trâu lẫn nghé”, lời thêm hơn chục triệu đồng.

Ngoài đàn trâu, anh Phương đang gây giống thêm đàn gần 10 con ngựa bạch. Cách đây một tháng, hai ngựa con đã ra đời tại trại của gia đình.

Anh Phương cho biết, riêng ngựa thì nuôi sinh sản sẽ có lãi hơn bán thịt. Sau khoảng 5 tháng nuôi, nếu là ngựa cái sẽ bán được giá 30 triệu đồng/con, ngựa đực thì rẻ bằng một nửa.

Để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, gia đình anh Phương đã thuê hơn 1 mẫu đất bãi ven đê trồng cỏ voi.

Ngày một lần, anh Phương thuê người cắt cỏ, dành phần gốc để trồng tiếp, ngọn thì cho vào máy phay nhỏ. Cỏ voi sẽ được trộn thêm với cám công nghiệp để vỗ béo gia súc. Vật nuôi được cho ăn đủ 3 bữa/ngày, khối lượng theo tiêu chuẩn từng giai đoạn khác nhau.

Theo anh Phương, giá trâu, bò xuất bán tùy theo trọng lượng, nhưng trung bình khoảng 80 nghìn đồng/cân hơi. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình lãi khoảng 150 triệu đồng.

Bà Phan Thị Hòa, cùng thôn Trần Xá cho biết, bắt đầu tham gia nuôi trâu, bò từ năm 2015. Trong chuồng đang vỗ béo 10 con trâu thịt. Số trâu này, bà Hòa nhập về từ đầu tháng 3, với số tiền đầu tư gần 400 triệu đồng.

Để có tiền mở rộng sản xuất, bà Hòa đã mạnh dạn vay ngân hàng với số tiền hơn 200 triệu đồng để mua trâu giống. Bên cạnh đó, gia đình cũng tự nguyện viết đơn tham gia tổ hợp tác. Thông qua đó, được vay thêm 30 triệu đồng, củng cố vốn đầu tư sản xuất.

“Các lãnh đạo xã cũng bảo, 30 triệu chưa mua đủ một con giống, nhưng ít còn hơn không. Không đủ mua giống thì để đó mua cám cũng được, được tí nào hay tí đó”, bà Hòa chia sẻ.

Theo bà Hòa, ngoài cỏ voi, cám công nghiệp, nghề vỗ béo gia súc còn đòi hỏi người nuôi phải tính toán dài hơi. Đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài như hiện nay.

Để có thức ăn dự trữ cho gia súc, cứ dịp cuối năm, bà Hòa cũng như nhiều hộ chăn nuôi ở Nam Hưng lại đi khắp các xã ven sông Kinh Thầy tìm mua ngô sinh khối.

Cây ngô được mua tươi, sau đó đưa về cho vào máy phay nhỏ. Công đoạn tiếp theo là phối trộn thêm các loại men vi sinh, muối, ngô bột… Hỗn hợp nguyên liệu này sau đó được cho vào các túi nilon cỡ lớn, ủ trong vài tháng là thành thức ăn cho gia súc. Người nuôi sẽ tính toán, lượng thức ăn này làm sao phải đủ cho đàn gia súc của gia đình trong vòng một năm.

Anh Thắng, quê Hà Giang, làm nghề chăn trâu thuê ở Nam Hưng được gần 3 năm. Ảnh: Kế Toại. 

Anh Thắng, quê Hà Giang, làm nghề chăn trâu thuê ở Nam Hưng được gần 3 năm. Ảnh: Kế Toại. 

Theo bà Hòa, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng nhẹ tới sản xuất. Thời gian qua, do việc vận chuyển khó khăn, đàn trâu của gia đình đã đến kỳ bán nhưng chưa thể xuất.

“Cũng may là nuôi trâu, bò không tốn nguyên liệu. Gia đình tôi có thể điều chỉnh khẩu phần ăn hợp lý, tiết kiệm nhưng không giảm chất lượng đàn gia súc. Tới đây, khi dịch bệnh lắng lại, gia đình sẽ xuất bán và nhập đàn mới về vỗ béo”, bà Hòa cho hay.

Tại Nam Hưng, có những trại lớn, nhập liền lúc cả trăm con trâu về vỗ béo. Từ đây mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người làm nghề chăn trâu.

Ngồi trên xe máy, chốc lát, anh Ninh Việt Thắng (quê tỉnh Hà Giang) lại vặn ga, lùa những con trâu có ý định tách đàn.

Anh Hưng cho biết, cùng hai người nữa quê Hà Giang về Nam Hưng làm nghề chăn trâu đã gần 3 năm nay. Chủ trang trại mỗi tháng trả lương 7 triệu, lo toàn bộ việc ăn, ngủ. Hai tháng, anh lại xin nghỉ vài hôm về thăm nhà và đưa tiền lương. 

“Từ Tết đến giờ, do dịch bệnh nên trâu, bò xuất đi cũng ít hơn, nhưng ngày nào tôi cũng phải lùa chúng ra đê ăn cỏ. Nghề này cũng không vất vả, thu nhập lại ổn định nên chắc sẽ ở lại lâu dài. Nhưng từ khi dịch bệnh tới nay, 3 tháng rồi tôi chưa được về thăm nhà, nhớ nhà lắm…”, anh Thắng thật thà chia sẻ.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.